HẠNH PHÚC TỔNG QUAN

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 20844)

 

HẠNH PHÚC TỔNG QUAN

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

      Hạnh Phúc của con người có thể hiểu là sự hài lòng về đời sống, sau khi hoàn thành được những gì người ta mong muốn. Thí dụ như một nhu cầu, nguyện vọng, mục đích hay những phương tiện về lạc thú nào đó, . . .

     Theo hai nhà tâm lý Alston và Dudley giải thích: Sự hài lòng về đời sống là khả năng cảm nhận vui thú, về những kinh nghiệm đời người, với ít nhiều rung cảm của tâm hồn.  Theo một số tự điển định nghĩa, hạnh phúc là một trạng thái sống khỏe và sự vừa lòng trong cuộc sống; như một thỏa mãn đầy thú vị, đối với việc hoàn thành những nhu cầu, và nguyện vọng của con người.

     Hạnh phúc và đau khổ, hay sự thỏa mãn và bất mãn trong cuộc sống là những tâm trạng chủ quan. Cho nên, sự tìm hiểu về hạnh phúc và đau khổ cần phải chú ý đến việc tự quan sát nội tâm (Introspection), hay sự hồi tưởng quá khứ (Retrospection), hoặc từ việc trả lời những câu hỏi  tùy theo tâm trạng khác nhau của mỗi người.

     Do đó, chỉ có những cá nhân liên hệ trong những tình trạng nầy, mới có thể nói lên rằng họ có được hạnh phúc hay đau khổ, hoặc có được sự thỏa mãn hay bất mãn với đời sống của họ.

     Theo nghiên cứu về thực trạng hạnh phúc đời người, các nhà tâm lý học đã đưa ra kết quả tóm lược về những sự kiện quan trọng có liên quan đến hạnh phúc như sau :

1-SỰ QUAN TRỌNG CỦA HẠNH PHÚC-ĐAU KHỔ:

     Trong đời sống, sự đau khổ đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến thái độ sống của con người. Trong những lần người ta bị đau khổ, sự đau khổ thường lưu lại những dấu ấn trên nhân cách của nạn nhân. Đối với phần đông những người trong xã hội, từ trẻ ở tuổi học trò đến người lớn tuổi, và phái nam lẩn nữ, tiềm lực đau khổ dần dần sẽ được giảm thiểu với thời gian, bằng sự chịu đựng của tâm hồn, để vượt qua sự đau khổ.

     Tuy nhiên, có một số người, dấu tích đau khổ cùng với thời gian âm thầm gia tăng. Vì với họ, sự đau khổ đã được nuôi dưỡng với thời gian, và có thể thường trở nên một thói quen trong tâm hồn của họ. Đã là một thói quen, giống như tất cả những thói quen khác, càng kéo dài với thời gian, thói quen càng bắt rể càng sâu.

     Do đó, sự đau khổ của những người nầy cũng đồng điệu như thế. Theo Horn có nói: “Người đã từng bị đau khổ vì tình yêu trong tuổi thanh xuân. Về sau, sự đau khổ này vẫn âm thầm kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại của họ”. 

     Theo nghiên cứu, những trẻ em, với cuộc sống sầu khổ trong thời thơ ấu, có thể sẽ có nhiều sự bất mãn hơn hài lòng, trong những năm trưởng thành của chúng. Đồng thời, hạnh phúc và sự hài lòng trong thời thơ ấu sẽ lót đường để dẫn đến sự hài lòng và hạnh phúc, trong những năm còn lại của đời người. Việc nầy chỉ có thể xảy ra đối với các trẻ em biết học tập như sau:

     1-Nếu các em biết học cách cư xử như thế nào, để khuyến khích những người khác chấp nhận các em như những người bạn; không chỉ lúc trẻ mà còn tiếp tục vào những năm còn lại của cuộc đời.

     2-Nếu các em biết học cách thể hiện tình thương vô cầu báo đối với mọi người, và được người khác thương mến lại.

     3-Nếu các em có những quan niệm thực tế rèn luyện bản thân, để có khả năng thật sự hoàn thành tốt đẹp những nguyện vọng của mình. Nếu giới trẻ có thể thực hiện được 3 điều trên, họ có thể tiên liệu rằng sự hài lòng và hạnh phúc sẽ đến với họ trong tương lai.

2-BA YẾU TỐ  CĂN BẢN  TẠO NÊN  HẠNH PHÚC:

     Hạnh phúc có thể được cấu tạo bởi 3 yếu tố căn bản như: Chấp Nhận (Acceptance), Tình Thương (Affection), và Hoàn Thành (Achievement). Thông thường, các nhà tâm lý tây phương gọi là “Three A's of Happiness”.

     Theo Shaver và Freedman, hạnh phúc là vấn đề tùy thuộc vào cách nhìn, quan niệm của mỗi người đối với hoàn cảnh sống, hơn là những gì xảy ra trong hoàn cảnh sống. Hạnh phúc đến từ những gì hiện hữu do mình làm chủ, chứ không phải từ sự ước muốn những gì của người khác có.

      2.1-Yếu Tố Chấp Nhận (Acceptance): Việc tự chấp nhận (Self-Acceptance) cải thiện những sai lầm trong cá tính, và xử thế sẽ gây ảnh hưởng tốt, đến sự chấp nhận của những người khác đối với mình.

     Theo Shaver và Freedman, ngoài việc chấp nhận vui thích những gì hiện đang có, người ta còn cần phải duy trì sự thăng bằng giữa những ước muốn và sự hoàn thành. Sự thăng bằng nầy đóng một vai trò rất quan trọng, có thể giúp người ta biết tự lượng sức mình để rèn luyện năng khiếu, và hướng vào những ước muốn tương đối, không xa rời thực tế, mà khả năng sẵn có của mình có thể hoàn thành được.

     Ngoài ra, tính chất duyên dáng về thể chất còn là một đóng góp không kém phần quan trọng, đến sự chấp nhận của người khác.

     Theo Mathes và Kahn, trong những mối xã giao hàng ngày, vẻ duyên dáng bên ngoài là một hấp lực tích cực, và có thể giúp cho sở hữu chủ dùng để thu hoạch những thành quả tốt đẹp. Một trong những thành quả đạt được thường là sự ưa thích của người khác. Nhữngngười có nét duyên dáng, thường được sự ưa chuộng của những người bạn hữu, tình nhân, người cộng sự khác phái và người hôn phối của họ,…

     Hơn nữa, họ còn nhận được sự đánh giá tích cực, và sự thông cảm từ những người khác. Do đó, những người có nét duyên dáng bên ngoài, dường như, có thể dễ tìm hạnh phúc, và sự hòa hợp tốt hơn trong cuộc sống của họ. Việc nầy cũng có thể hiểu rằng việc được những người khác ưa thích đã phản ảnh tính tự trọng cao quí của người ta.

     Nói chung, trong cuộc sống xã hội, sự hòa hợp tốt của cá nhân có thể đưa đến sự chấp nhận tốt của những người chung quanh; sự chấp nhận nầy, cũng là một trong những điều kiện, để giúp họ tạo được sự hài lòng trong nội tâm.

      2.2-Yếu Tố Tình Thương (Affection): Tình thương là phần phụ thuộc bình thường vào sự chấp nhận của người khác. Do đó, người càng có được nhiều sự chấp nhận, họ càng có thể tin cậy vào tình thương của những người khác.

     Hơn nữa, tình thương còn là yếu tố cần thiết giúp cho cá nhân có những sửa đổi tốt. Việc nầy đã được nhận thấy trong nhiều cuộc nghiên cứu về các bệnh suy yếu não bộ, và mất cảm xúc cá nhân.

     2.3-Yếu Tố Hoàn Thành (Achievement): Sự hoàn thành việc làm của một người luôn luôn có tính chất liên quan, tiến gần đến toàn bộ mục tiêu cho chính họ. Nếu toàn bộ mục tiêu nầy có tính chất cao xa, không thực tế; kết quả sẽ bị thất bại, và cá nhân sẽ không được hài lòng. Tiếp theo, cá nhân sẽ bị đau khổ.

     Ngoài ra, với những việc làm khó nhọc, khả năng tài giỏi, và những hy sinh cá nhân, người ta có thể thành đạt được sự giàu sang tiền bạc, quyền uy, và địa vị xã hội. Mặc dù, những thành công nầy chưa chắc có thể mang hạnh phúc đến  cho người ta, nhưng ít ra, chúng có thể là những cơ hội giúp người ta giảm thiểu được những nhu cầu và khát vọng cá nhân.

     Hơn nữa, người thành công có thể được khâm phục về khả năng tài giỏi, nhưng họ không được thương mến; và có thể làm cho người khác kinh sợ, và xa lánh; họ sẽ bị cô đơn, và không được hài lòng.

     Do đó, Sự thành công mà không có tình thương sẽ dẫn đến tính tự bất mãn và đau khổ; tiếp theo, sự việc sẽ nhuộm màu lệch lạc trên cái nhìn về cuộc đời của họ.

3-TÍNH CHẤT TƯƠNG ĐỐI CỦA HẠNH PHÚC :

     Một sự nghi ngờ có thể được nhận thấy, khi người ta nói rằng đời sống có một trăm phần trăm (100%) hạnh phúc hoặc sự hài lòng; hay một trăm phần trăm (100%) đau khổ hoặc sự không hài lòng. Thật ra, hạnh phúc và sự hài lòng, hay đau khổ và sự không hài lòng đều có tính tương đối. Ở mọi tầng lớp tuổi tác, và vào tất cả những lần trong mỗi lớp tuổi, mọi người đều có những lần hạnh phúc và sự hài lòng, cũng như có những lần đau khổ và không hài lòng.

      Trong cuộc đời, nếu kinh nghiệm cá nhân có nhiều điều thỏa mãn hơn điều bất mãn; cá nhân đó sẽ được hài lòng, và chính họ được xem như là người hạnh phúc. Trái lại, nếu kinh nghiệm cá nhân có nhiều điều bất mãn hơn điều thỏa mãn; cá nhân đó sẽ không được hài lòng, và chính họ được xem như là người đau khổ (bất hạnh).

     3.1-Hạnh Phúc Ở Mỗi Lớp Tuổi Đều  Khác Nhau:

     Theo nghiên cứu, với cách tính tỷ lệ 100% ký ức lạc quan, và của những lớp tuổi cách nhau 10 năm, hai nhà tâm lý MeltzervàLudwig đã tìm thấy sự khác biệt củamức độ hạnh phúc ở những lớp tuổi khác nhau, với kết quả như sau: lớp tuổi từ 20-29 có 50% lạc quan; 30-39 có100% lạc quan; 40-49 có 25% lạc quan; 50-59 có 40% lạc quan; và từ 60- trở về sau có 30% lạc quan.

     3.2-Sự Tương Quan Giữa Hạnh Phúc Và Đau Khổ :

     Trong đời sống, không có bằng chứng nào cho thấy rằng một người đã có lần hạnh phúc, và luôn luôn có hạnh phúc; hoặc có lần đau khổ, và luôn luôn đau khổ suốt đời. Tuy nhiên, bất cứ ở lớp tuổi nào, hạnh phúc, và sự hài lòng của người ta có thể được theo sau bởi thời kỳ phát khởi đau khổ, hoặc thất vọng; và ngược lại.

     Khi nhìn lại dĩ vãng cuộc đời, người ta thường nhận thấy có những vui buồn lẫn lộn. Những niềm vui hạnh phúc, và những nỗi buồn đau đều có những thay đổi khác nhau, theo thời gian tuổi đời trôi qua. Phần đông người lớn tuổi, bất hạnh với hiện tại, thường có cảm giác luyến tiếc về những kỷ niệm vui đẹp trong thời niên thiếu.

     Trái lại, những người có hạnh phúc hiện tại, mỗi khi, nhớ lại những nỗi đau lòng ở tuổi thiếu thời, họ cảm thấy ngao ngán, và không muốn sống trở lại cảnh như thế.

    Để đạt được hạnh phúc, hay chịu sự đau khổ kéo dài, người ta phải tùy thuộc vào sự thành công hay thất bại của việc làm như thế nào; để cho khả năng được phù hợp với những vai trò mới, và những ước vọng phải thích nghi với thực trạng xã hội đang sống. Cũng như, người ta phải làm thế nào để khắc phục hoàn cảnh sống, mà có thể đạt được những nhu cầu, và hoàn thành nguyện vọng của mình.

     Nói một cách khác, để có hạnh phúc hay chịu đau khổ trong đời sống, người ta phải tùy thuộc vào ba yếu tố căn bản : Sự Chấp Nhận, Tình Thương, và Hoàn Thành.

      3.3-Sự Khác Biệt Hạnh Phúc Giữa Nam Và Nữ :  Trong thời niên thiếu, phần đông các cô gái có khuynh hướng sống nhiều lạc quan hơn các cậu trai. Một trong những lý do quan trọng nhất là các cô thường có sự hài lòng, từ những mối liên hệ cá nhân với nhau. Trong khi các cậu đi tìm sự hài lòng, từ những thành công trong việc làm, ít khi đạt được.

     Trong những năm đầu thành nhân, người nữ có khuynh hướng hạnh phúc hơn người nam. Đặc biệt, nếu người nữ được thành hôn, và cảm giác họ là người hữu dụng trong vai trò làm vợ và mẹ. Trái lại, người nam có khuynh hướng kém lạc quan hạnh phúc hơn, vì họ không có khả năng thành công trong nghề nghiệp, mà họ đã hy vọng.

     Tuy nhiên, sau tuổi 40, người nữ có khuynh hướng kém lạc quan; nhất là, người nữ trong vai trò nội trợ, giúp việc trong nhà. Phần đông nam giới trở nên nhiều lạc quan, và thỏa mãn tốt hơn với đời sống sau 40; bởi vì nghề nghiệp của họ thành công hơn lúc còn niên thiếu.

     Sau tuổi 60, nam giới, tiến đến tuổi về hưu, thường có khuynh hướng bi quan hơn, vì họ tự chống đối với mặc cảm vô dụng, dưới ảnh hưởng suy nhược về thể chất lẫn tinh thần. Trong lúc đó, nữ giới có khuynh hướng lạc quan, vì họ cảm thấy được hữu dụng hơn, trong vai trò chăm sóc người chồng nghỉ hưu, hay bị ốm đau, hoặc việc trông nom các cháu nội ngoại của mình.

     3.4-Những Trở Ngại Đối Với Hạnh Phúc :

     Đối với hạnh phúc, có hai loại trở ngại chính: chủ quan và khách quan. Những trở ngại chủ quan thường là những vấn đề: sự giới hạn tâm trí, sức khỏe yếu kém, và những nguyện vọng không thực tế. Thật là khó khăn để hài lòng với cuộc sống, cho những ai có sự giới hạn tâm trí, và luôn luôn tự cảm thấy mình là người bị thất bại; mặc dù những người khác xem họ là người thành công.

     Hơn nữa, những người kém sức khỏe cũng khó đạt được sự hài lòng trong cuộc đời, vì sức khỏe suy yếu là một trở lực khiến họ không thể thực hiện được những việc họ muốn làm, cũng như những gì đồng bạn của họ đang làm.

     Ngoài ra, dù ở bất cứ lớp tuổi nào, Cũng có những trở ngại khách quan để khiến người ta không được hài lòng trong cuộc sống; thí dụ như, những trẻ em trưởng thành trong khu xóm, chịu nhiều kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, nghèo hèn, hay bất cứ lý do nào khác; chúng sẽ thiếu tình thương, sự chấp nhận xã hội, và thiếu những cơ hội để cạnh tranh với những trẻ cùng lứa tuổi. Do đó, sự đau khổ nầy có thể ảnh hưởng đến việc học của chúng, và sẽ gây nguy hại đến những cơ hội thành công của chúng trong cuộc đời về sau.

     3.5-Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Hạnh Phúc :

     Vào mỗi lớp tuổi, hạnh phúc chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố quan trọng như sau đây:

-Sức Khỏe : Ở vào mọi lứa tuổi, sức khỏe tốt giúp người ta có thể làm được những gì họ muốn làm. Trái lại, sức khỏe suy kém, hay cơ thể bị tàn tật là một trở ngại lớn, đối với sự thỏa mãn những nhu cầu, nguyện vọng của họ. Như thế hạnh phúc sẽ không có triển vọng đạt được.

-Vẻ duyên dáng bên ngoài : Vẻ duyên dáng của người ta là một hấp lực đóng góp vào sự chấp nhận và tình thương của người khác; thường dễ dẫn đến những thành công hơn những người kém duyên dáng.

-Mức Độ Tự Chủ: Đối với mọi lớp tuổi, một người có tính tự chủ càng cao có thể thành công, với những cơ hội hạnh phúc càng lớn.

-Cơ Hội Bên Ngoài Gia Đình Có Ảnh Hưởng Lẫn Nhau: Vì tính chất đại chúng được đánh giá cao trong xã hội, nếu người ta có những cơ hội xã giao với những người bên ngoài, họ cảm thấy hạnh phúc hơn là chỉ giao tiếp với những người trong gia đình.

-Mẫu Loại Việc Làm: Những việc làm càng tầm thường, và ít có sự tự quản, việc làm đó sẽ càng làm giảm bớt sự hài lòng của người ta. Thí dụ như, những việc vặt trong nhà đối với các trẻ em trong những năm thành nhân.

-Trách Nhiệm Việc Làm: Người càng thành công trong việc chu toàn trách nhiệm, và càng có uy tín  trong việc làm, thì sự hài lòng của họ càng lớn hơn.

-Điều Kiện Sinh Sống: Người ta sẽ được hài lòng, khi khả năng kinh tế của họ có thể giúp  đỡ những người khác như: các thân nhân, thân hữu, và người láng giềng.

-Quyền Sở hữu Vật Chất: Các vật sở hữu như tài sản, tiền bạc, . . .tự nó không mang đến hạnh phúc cho con người, nhưng tùy theo cách người ta cảm tưởng về chúng.

-Việc Giữ Thăng Bằng Giữa Những Nguyện Vọng Và Hoàn Thành : Nếu những nguyện vọng có tính chất thực tế, và phù hợp với khà năng, người ta sẽ được hài lòng và hạnh phúc, khi mục tiêu được hoàn thành.

-Việc Kiểm soát Những Xúc Cảm Tiêu Cực: Những xúc cảm tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, nóng tánh, ganh tị, . . có thể gây nên những tình cảnh đáng tiếc, không vui. Cho nên, người ta phải biết kiểm soát, và tối thiểu hóa chúng, để vượt qua những lúc khó khăn.

-Quan Niệm Hiện Thực Trong Cuộc Sống : Có những người không biết lượng sức mình, và tin tưởng vào khả năng của mình, một cách vượt quá thực lực; họ thường không được hài lòng, khi bị thất bại, và không đạt được mục tiêu việc làm. Sự đau khổ của họ được gia tăng, bởi những cảm tưởng không thích đáng, cũng như, bởi tự tin rằng họ bị hiểu lầm và bị ngược đãi.

     Tóm lại, những yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc đóng một vai trò quan trọng tương đối, tùy thuộc vào quan niệm sống, và từng lớp tuổi của mỗi cá nhân.

     Theo nghiên cứu, Meltzer và Ludwig nhận thấy hạnh phúc của những lớp tuổi, sau những năm thành nhân, thường do bởi các yếu tố chính như: gia đình, hôn nhân, sức khỏe tốt, và những hoàn thành việc làm; trong lúc sự đau khổ được hội nhập bởi những yếu tố như: sự đau yếu, cơ thể bị thương tổn, sự chết của người thân yêu, sự thất bại trong việc làm, nguyện vọng không đạt mục tiêu.

     Ngoài ra, Sears cũng đưa ra một nhận xét về những người có mức độ thông minh rất cao; sự hài lòng về cuộc sống của họ thường mang đến từ đời sống gia đình hạnh phúc, hơn là sự thành công trong nghề nghiệp.

     Trong một kết luận được rút ra từ cuộc nghiên cứu, với những người đàn ông có tuổi trung bình 62, sự hài lòng về đời sống của họ được mang đến từ những yếu tố quan trọng như: nghề nghiệp, đời sống gia đình, tình thân hữu, sự phong phú về đời sống văn hóa, tất cả những dịch vụ hướng về cộng đồng xã hội, và niềm vui trong sự sống.

     Trái lại, những người trẻ thiếu niên thường đánh giá cao về tính đại chúng, và sự chấp nhận bởi đồng bạn; cho nên, sự hài lòng đời sống của họ do bởi những yếu tố như: tiền bạc, những tiêu biểu địa vị xã hội, sức khỏe tốt, vẻ duyên dáng bên ngoài, và những cơ hội giúp họ đóng những vai trò họ vui thích./.                                                 

   -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn