BỆNH CAO MỠ Cholesterol

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 18799)

     

 

BỆNH CAO MỠ-CHOLESTEROL

 

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

-Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ,

Soạn Giả Sách  " SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC,

                         Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "

(xuất bản 02/2009, & tái bản  08/2010)

                                                                                      

1-CHOLESTEROL LÀ GÌ ? 

     Cholesterol là một chất giống như chất béo, hoặc chất sáp mềm (wax), được tìm thấy bên trong cơ thể con người như: đường máu, tim, ruột, gan, bắp thịt, kể cả hệ thần kinh, . . . Nó đóng một vai trò quan trọng, trong việc kiến tạo các tế bào, sản xuất sinh tố D và một số Kích thích Tố (Hormones), để cung cấp cho cơ thể.

2-SỰ CẤU TẠO VÀ PHÂN LOẠI:

     Toàn thể chất Cholesterol được cấu tạo bởi sự hỗn hợp của nhiều chất Lipoproteins khác nhau. Những Lipoproteins này có nhiệm vụ tạo sự vận chuyển cho chất Cholesterol và Triglycerides, được lưu thông trong khắp cơ thể. Tùy theo tỉ trọng thấp hoặc cao của những Lipoproteins cấu tạo nên Cholesterol. Chất Cholesterol còn được chia làm hai loại xấu và tốt khác nhau:

     2.1-Bad Cholesterol, Xấu (L.D.L. = Low Density Lipoproteins): được cấu tạo bởi những Lipoproteins có tỉ trọng thấp (low density lipoproteins). Những Lipoproteins này vận chuyển hầu hết chất Cholesterol Xấu (L.D.L.) đến những tế bào trong cơ thể, xuyên qua đường máu, vì người ta tìm thấy nguồn Cholesterol (L.D.L.) được tích tụ bên trong thành vách của các động mạch và tim; cho nên, Cholesterol (L.D.L.) được gọi là Xấu (Bad Cholesterol).

     2.2-Good Cholesterol, Tốt (H.D.L. = High Density Lipoproteins): được cấu tạo bởi những Lipoproteins có tỉ trọng cao (high density lipoproteins). Những Lipoproteins này vận chuyển những Cholesterol Tốt (H.D.L.) tập trung về gan; nơi đây, bộ phận gan có thể biến chế Cholesterol (H.D.L.) để tái sử dụng, hoặc loại bỏ. Cho nên, Cholesterol (H.D.L.) được gọi là Tốt (Good Cholesterol). Nếu tổng số Cholesterol Tốt (H.D.L.) ở mức độ trung bình vừa đủ. Đây là dấu hiệu tốt; sự nguy hiểm về các chứng bệnh tim mạch sẽ thấp hơn.

3-NGUỒN GỐC VÀ ĐỘ LƯỢNG:

     Cholesterol được xuất phát từ hai nguồn gốc:

     -Ngoại nhập từ thực phẩm, nhất là thịt mỡ động vật, các sản phẩm bơ sữa, lòng đỏ trứng.

     -Nội phát từ sự chế tạo bên trong cơ thể, nhất là trong bộ phận gan. Bộ phận gan sản xuất khoảng 80% chất Cholesterol trong cơ thể.

      Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều Cholesterol, và việc ăn uống thực phẩm chứa quá nhiều Cholesterol (kể cả chất béo bão hòa, có thể được biến thành Cholesterol do gan biến chế) đều có thể gây nên mức độ gia tăng Cholesterol trong đường máu.

      Cùng với Cholesterol, nguồn Triglycerides trong chất béo đều được tuần hoàn trong đường máu. Nguồn Triglycerides rất cần thiết để sinh ra năng lực trong cơ thể. Nếu mức độ Triglycerides gia tăng cao, nghĩa là có quá nhiều chất béo trong đường máu. Đây là dấu hiệu không tốt, có thể mang bất lợi cho sức khỏe của cơ thể.

     Nếu mức độ quá cao về Cholesterol và nguồn Triglycerides của chất béo trong đường máu; đây là dấu hiệu dễ đưa đến tình trạng tích tụ chất sáp Cholesterol Xấu (L.D.L.) bên trong thành vách các mạch máu, và có thể gây nên sự tắt nghẹn, hoặc cản trở sự lưu thông của máu.

     Do đó, các chất dinh dưỡng (nutrients), và dưỡng khí (oxygen) trong máu không thể hoàn thành sự nuôi dưỡng các tế bào, và các bộ phận trong cơ thể. Cũng như, máu không thể tập hợp các độc tố (carbon dioxides), để vận chuyển thải ra ngoài cơ thể.

     Hơn nữa, lượng cholesterol quá cao là nguyên nhân gây nên những chứng bệnh nghẽn mạch máu (Artherosclerosis), đau nhói tim (Angina), nhồi máu cơ tim (Heart Attack).

     Vì vậy, việc giảm thiểu các thức ăn có chứa ít nhiều Cholesterol là điều rất cần thiết. Đó cũng là việc giúp chúng ta làm giảm thấp mức Cholesterol Xấu (L.D.L.), từ bên ngoài đưa vào đường máu, để giúp ngăn ngừa sự tác hại của Cholesterol.

     Ngoài ra, chúng ta có thể làm tăng mức Cholesterol Tốt (H.D.L.), có lợi cho sức khỏe, bằng cách thực hiện những hoạt động thể chất thường xuyên (như tập thể dục, làm việc lao động chân tay), để duy trì thân hình cân đối, với một sức nặng trung bình; và tránh việc hút thuốc lá.

     Theo U.S. Center for Health Statistics, hơn phân nửa dân số Hoa Kỳ có dấu hiệu gia tăng mức Cholesterol, và khoảng sáu chục triệu (60 millions) người Mỹ đang có mức độ rất cao về Cholesterol trong máu.

      Đối với nam lẫn nữ, mức độ Cholesterol trong máu có khuynh hướng gia tăng theo tuổi thọ. Vì thế, với mỗi cá nhân, việc kiểm tra để giữ mức trung bình Cholesterol trong máu là việc quan trọng.

      Ít nhất một lần cho mỗi năm (5) năm, sau tuổi 20; hoặc một hay nhiều lần vào mỗi năm, cho những người đang có mức độ cao về Cholesterol trong máu. Việc đo lường mức lượng Cholesterol có nhiều phương pháp khác nhau.

      Để theo dõi mức độ cao thấp của cholesterol trong máu, sau đây là bảng chỉ số cao thấp được sắp hạng bởi Chương Trình Giáo Dục Cholesterol Quốc Gia (The National Cholesterol Education Program):

31-Tổng Số Lượng Cholesterol: -------Hạng    

-Ít Hơn(Less Than)200 mg/dL -----Tốt (Desirable)     

-Từ 200 - 239 mg/dL ---Hơi Cao (High Borderline) 

-Từ 240 mg/dL Trở Lên(Over)-----Cao (High-Risk)

32-Lượng Tốt, Good Cholesterol,(H.D.L.):--Hạng 

-Ít Hơn (Less Than) 40mg/dL ----------Thấp (Low)

-Từ 40 - 59 mg/dL ------------------Tốt (Desirable)

-Từ 60mg/dL TrởLên(Over)---Rất Tốt (Very Good)

33-Lượng Xấu, Bad Cholesterol,(L.D.L): ----Hạng

-Ít Hơn(Less Than)130 mg/dL -----Tốt (Desirable)

-Từ 130-159mg/dL------Hơi Cao (High Borderline)

-Từ 160 -189 mg/dL---------------Cao (High-Risk)

-Từ 190 mg/dLTrở Lên---QuáCao(Very High-Risk)

34-Lượng TrigLyceride: ---------------Hạng

-Ít Hơn 150mg/dL---Bình Thường(Normal)

-Từ 150 -199 mg/dL-----Hơi Cao(High Borderline)

-Từ 200- 499 mg/dL----------------Cao (High-Risk)

-Từ 500mg/dLTrởLên-----Quá Cao(Very High-Risk)

Ngoài ra,theo American Heart Association,

tổng số lượng cholesterol không nên cao hơn 5 lần

lượng cholesterol tốt (H.D.L). Thí dụ như:

-TotalCholesterol/H.D.L= 5/1(Bình Thường,Normal)

-Total Cholesterol/H.D.L= 4/1 hay 3/1 (Tốt, Good)

-Total Cholesterol/H.D.L= 6/1 hay7/1 (Xấu, Bad )

4-CÁCH THỨC VÀ THUỐC ĐIỀU TRỊ:

   Theo y khoa, một người được xác định là bệnh nhân có chứng cao huyết mỡ (high cholesterol), khi  -Tổng số lượng cholesterol (TC) trên 200 mg/dL,             

-Lượng cholesterol xấu (L.D.L) trên 130 mg/dL,                             

-Lượng cholesterol tốt (H.D.L) ít hơn 40 mg/dL,

và  -Lượng Triglyceride trên 150 mg/dL.

      Khi biết được cơ thể có chứng cao huyết mỡ (high cholesterol), chúng ta nên áp dụng những cách thức làm giảm thấp mức cholesterol như: năng tập thể dục thường xuyên, và việc ăn uống nên chọn lựa những thực phẩm lành mạnh, kiêng cữ những thực phẩm có chất béo bão hòa (Saturated Fats), và cholesterol.

      Nếu mức cholesterol trong máu không giảm thấp, chúng ta nên thăm y sĩ để được điều trị bằng thuốc. Có bốn (4) loại thuốc căn bản làm giảm thấp huyết mỡ (Cholesterol): Statins, Bile Acid Resins, Nicotinic Acid, và Fibrates.

     4.1-Loại Thuốc Statins: là loại thuốc hữu hiệu giúp cơ thể ngăn chận sự sinh ra chất cholesterol, và các chất béo khác trong máu, có tác hại làm tắc nghẽn các mạch máu mà phần đông các y sĩ thường áp dụng để trị bệnh cao cholesterol. Chúng cũng có thể giúp làm gia tăng chất Good Cholestero (H.D.L), và làm giảm thấp chất Bad Cholesterol (L.D.L).

     Loại thuốc Statins thường gây ra những phản ứng phụ cho bệnh nhân như: nhức mỏi bắp thịt, tay chân bị tê. Thuốc Statins cũng có thể gây tác hại đến bộ phận gan.

     Do đó, người uống loại thuốc này cần được y sĩ theo dõi tình trạng gan một cách thường xuyên, định kỳ khoảng 2 hoặc 3 tháng một lần. Ngoài ra, thuốc Statins còn sinh biến chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

     Đặc biệt, bệnh nhân nên tránh dùng bưởi, hay nước ép bưởi (Grape Juice), ít nhất 4 - 5 tiếng đồng hồ trước và sau khi dùng loại thuốc Statins.

     Các loại thuốc Statins gồm có những hiệu như: Atorvastatin (Lipitor), Fluvastatin (Lescol), Pravastatin(Pravacor), Lovastatin (Mevacor), Simvastatin (Zocor), Cerivastatin (Baycor), và Rosuvastatin.

     4.2-Loại Thuốc Bile Acid Resins: Đây là loại thuốc giúp cho bộ phận gan lọc bớt chất cholesterol ra khỏi máu. Chúng cũng giúp làm giảm thấp lượng Bad Cholesterol (L.D.L) trong máu. Chúng gây ra phản ứng phụ cho bệnh nhân như: chóng mặt, ói mửa, tiêu chảy hay táo bón. Các loại thuốc Bile Acid Resins gồm có những hiệu như: Cholestyramine (Questran, Prevalite, Locholest), Colestipol (Colestid), và Colesevelam.

     4.3-Nicotinic Acid: là thuốc Niacin (Vitamin B3). Thuốc này có thể mua không cần có toa y sĩ. Nó giúp làm giảm lượng Triglycerides, và gia tăng lượng Good Cholesterol (H.D.L); đồng thời cũng làm giảm ít lượng Bad Cholesterol (L.D.L). Thuốc Niacin (Vitamin B3) có thể gây phản ứng phụ cho bệnh nhân như: bừng nóng trên mặt (để tránh triệu chứng này, nên uống aspirin hay tylenol khoảng nửa tiếng trước khi dùng thuốc này), đau bụng, tim đập mạnh, và đau nhức bắp thịt.

     4.4-Loại Thuốc Fibrates: là loại thuốc giúp cơ thể giảm lượng Triglycerides, và gia tăng chất Good Cholesterol (H.D.L), và giảm một ít lượng Bad Cholesterol (L.D.L). Chúng cũng gây nên phản ứng phụ cho bệnh nhân như: khó thở, đau nhói tim, nhịp tim đập mạnh, chóng mặt, đau bụng, và nhức mỏi bắp thịt.  Các loại thuốc Fibrates gồm có những hiệu như: Clofibrate, Fenofibrate (Tricor), Gemfibrozil (Lopid)./.                                                                                         

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn