LÃNH THỔ NƯỚC VIỆT NAM

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 113358)

 

LÃNH  THỔ  NƯỚC  VIỆT  NAM

 -Âu Vĩnh Hiền



1-HÌNH THỂ & VỊ TRÍ:

1.1- HÌNH THỂ:  Lãnh thổ Việt Nam là một mảnh đất nhỏ hẹp, và dài với hình cong chữ “S”. Hai đầu phình to ra, ở giữa co thắt lại. Lãnh thổ Việt Nam có tổng số diện tích là ba trăm ba mươi mốt ngàn Cây số vuông (331.000 Km2); được chia ra 3 phần như sau: -Bắc Việt có một trăm mười lăm ngàn, bảy trăm Cây số vuông (115.700 Km2); -Trung Việt có một trăm bốn mươi bảy ngàn, sáu trăm Cây số vuông (147.600 Km2); -Nam Việt có sáu mươi bảy ngàn, bảy trăm Cây số vuông (67.700 Km2).

VIET_NAM_MAP_0-contentChiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng một ngàn năm trăm cây số (1.500 Km). Chiều ngang chỗ rộng nhất: -ở Bắc Việt là sáu trăm cây số (600 Km), từ A-Pa-Chài đến Móng-Cái; -ở Nam Việt là ba trăm bảy chục cây số (370 Km), từ Hà Tiên đến Bình Tuy. Chiều ngang nhỏ hẹp: -ở Bắc Trung Việt từ bốn chục đến sáu chục cây số (40-60 Km), từ Vinh đến mũi Chân-Mây. Chỗ hẹp nhất độ ba mươi bảy cây số (37 Km) nơi gần Đồng Hới.
     Phần đông người Việt so sánh hình thể nước Việt Nam giống như một con rồng uốn khúc, với đất Trung Việt hạn hẹp và kéo dài như một thân hình thon gọn; và Nam Việt như cái đầu rồng có tóc bờm, với hai chân trước; còn Bắc Việt như phần cuối của đuôi rồng, hình cánh quạt to lớn phe phẩy.

     Ngoài ra, một số người khác cho rằng lãnh thổ Việt Nam là một cây tre gánh hai thúng lúa gạo nặng trĩu ở hai đầu. Với biểu tượng này, miền Trung như một đòn gánh vững chắc để giữ cân bằng cho hai miền Nam Bắc như hai thúng lúa gạo nặng trĩu. Nói cách khác, miền Trung tạo nên một thế thăng bằng cho hai miền Nam Bắc chứa đầy lúa gạo được cung cấp bởi hai đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mekong) và sông Hồng Hà (Red River).

1.2- VỊ TRÍ:  Lãnh thổ nước Việt Nam nằm trong vị trí như sau:
       -Phía Bắc giáp biên giới lục địa Trung quốc (China). -Phía Tây giáp biên giới 2 nước Ai Lao (Laos), và Cao Miên (Cambodia). Tổng số chiều dài ranh giới Việt Hoa, Việt Lào, và Việt Miên dài khoảng hai ngàn năm trăm Cây số (2.500 Km). 
       -Phía Đông là bờ biển uốn cong dọc theo Vịnh Bắc Việt, rồi chạy dài dọc xuống miền Nam theo biển Nam Trung quốc, và phần đất sau cùng của miền Nam giáp biển Nam Hải và Vịnh Thái Lan, với bờ biển ngoằn ngoèo dài trên hai ngàn hai trăm cây số (2,200 Km), giống như một đường viền bọc quanh tấm thảm bao la Thái Bình Dương.

      -Đối Với Địa Cầu: Việt Nam nằm trong vùng Nhiệt đới, từ vĩ độ 8.33 độ Bắc đến 23.22 độ Bắc. Điểm cực Bắc của Việt Nam gần sát Bắc chí tuyến (23.27 độ). Điểm cực Nam ngang với mũi Comorin ở cực Nam Ấn Độ. Về kinh độ, Việt Nam ở từ 102 độ Đông đến 109 độ Đông, ở cùng múi giờ với Nam-dương (Indonesia), Mã-lai (Malaysia), Cao-miên (Cambodia), Lào (Laos), 2 tỉnh Vân Nam và Trùng Khánh của Trung Quốc, và trung tâm nước Mông Cổ.

      -Đối Với Lục Địa Á-Âu: Việt Nam nằm ở góc Đông Nam của lục địa Á-Âu. Nhìn từ Âu-châu, Việt Nam ở vùng xa nhất về phía Đông (Viễn-Đông).
      -Về phương diện giao thông: Việt Nam nằm ngay ngã tư đường biển từ Bắc (Trung-hoa, Nhật-bản) xuống Nam (Mã-lai, Nam-dương); và từ Tây (Âu-châu, Ả-rập, Ấn-độ) sang Đông (Nam-dương, Úc). Cho nên, việc giao thông rất tiện lợi về đường biển, cũng như việc thiết lập các thương cảng quốc tế.
      -Về phương diện văn hóa và nhân chủng: Việt Nam là nơi gặp gỡ 2 nền văn minh Trung-hoa và Ấn-độ, là đầu cầu tiếp nhận văn hóa Tây phương. Từ thế kỷ thứ 3, người La-mã đã đặt chân đến xứ Phù-Nam (thuộc miền Tây Nam-Phần ngày nay). Tiếng Việt được La-tinh hóa sớm nhất Á-châu. Về nhân chủng, Việt Nam là nơi họp mặt của 2 sắc dân Mông-cổ từ phương Bắc xuống, và các giống dân từ các hải đảo phía Nam đi lên, để đồng hóa với nhau, mà trở thành dân Việt của chúng ta.

     -Đối Với Vùng Đông-Nam-Á: Nếu lấy Sàigòn làm tiêu điểm, Sàigòn ở ngay trung tâm của các nước Đông-Nam-Á như: Đài Loan, Phi-luật-tân, Mã-lai, Nam-dương, Cao-miên, Thái-lan, Miến-điện, và Tích-lan. Vì vậy, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc liên lạc, phân phối tài nguyên cho các quốc gia nói trên.

     -Đối Với Bán Đảo Ấn-Hoa: Việt Nam là một hành lang dài, chiếm gần hết 3 mặt của bán đảo Ấn-Hoa; cho nên Việt Nam:    
           -Chiếm những hải cảng thiên nhiên quan trọng dọc theo bờ bán đảo.
           -Chiếm những đồng bằng rộng lớn nằm ven biển, và những đồng bằng này đang được tiếp tục bồi đắp càng ngày càng rộng lớn      hơn.
           -Kiểm soát được thủy đạo vào lục địa Hoa-nam, Lào, Cam-bốt, cho nên Việt Nam là một vị trí chiến lược quan trọng để làm bàn đạp tiến vào các vùng trên.

 
2- ĐỊA THẾ VIỆT NAM:
      Đặc tính của lãnh thổ Việt Nam được nổi bật bởi sự tương phản giữa các đồng bằng châu thổ thuộc ven biển phía đông, và những rặng núi hiểm hóc dọc theo biên giới phía tây. Nói chung, núi và cao nguyên của nước Việt Nam chiếm khoảng 73% diện tích toàn thể (252.000 Km2 trong số 331.000 Km2 diện tích toàn quốc). Núi và cao nguyên Việt Nam chịu ảnh hưởng ở sự cấu tạo địa chất, hiện tượng địa động, và tình trạng xâm thực; cho nên, mỗi miền mang một sắc thái khác nhau.
     Phần còn lại của lãnh thổ Việt Nam được nằm trên một nền tảng rộng lớn, bắt nguồn từ một viễn lục địa thuộc miền Trung Á (Central Asia), xuyên qua biển Trung quốc (China Sea), để nối tiếp với những hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, và những ngọn núi của nước Nam Dương (Indonesia). Đồng bằng Việt Nam chiếm một diện tích khá quan trọng, bằng 27% diện tích toàn thể. Việt Nam có hai đồng bằng lớn: đồng bằng Nam Việt và đồng bằng  Bắc Việt; bao gồm một chuỗi đồng bằng duyên hải ở Trung Việt, được xen kẽ với những rặng núi ăn nhô ra bờ biển.

2.1- ĐỊA THẾ BẮC VIỆT:    
       Đặc tính lãnh thổ của Bắc Việt là vùng châu thổ nhỏ, do từ một quá trình bồi đắp đất phù sa trên một vùng vịnh nông cạn; cùng với miền rộng lớn núi non, và cao nguyên từ Đông Bắc đến tận vùng Tây Bắc hình cánh quạt thuộc Hà Nội và miền Nam sông Hồng Hà. Ở Bắc Việt, núi và cao nguyên chiếm khoảng 88% diện tích (102.000 Km2 trong số 115.000 Km2 diện tích Bắc Việt). Đồng bằng Bắc Việt chiếm 12% diện tích, với 15.000 Km2 trong số 115.700 Km2 diện tích Bắc Việt. Đồng bằng nằm sát bờ vịnh Bắc Việt và bị kẹp giữa hai miền núi cao nguyên Đông Bắc và Tây Bắc.
      Tại vùng Đông Bắc, núi và cao nguyên phần lớn là kết tầng thạch, không cao lắm, và gồm nhiều địa thế hình cánh cung, xếp theo hình nan quạt, tụ lại ở Tam-đảo và xòe ra trên biên giới Hoa Việt. Còn vùng núi và cao nguyên Tây Bắc nằm về hữu ngạn sông Hồng Hà, bao gồm vùng Tây Bắc Bắc Việt và một phần nhỏ của Trung Việt. Vùng này có nhiều đỉnh núi cao trên 3.000m, dáng núi nhọn và hướng theo chiều Tây Bắc Đông Nam.     

2.2- ĐỊA THẾ TRUNG VIỆT:
       Miền Trung nước Việt gồm có một đường hành lang nhỏ hẹp, hầu hết rộng khoảng một trăm hai chục cây số (120 Kms), và rộng dưới bốn chục cây số (40 Kms) gần vùng Đồng Hới. Phần lớn, núi và cao nguyên chiếm khoảng 83% diện tích (122.300 Km2 trong số 115.700 Km2 diện tích Trung Việt). Trung Việt chỉ có một chuỗi những đồng bằng nhỏ nằm dọc theo bờ biển. Những đồng bằng này không phì nhiêu, vì phần tiếp giáp với miền núi có nhiều sỏi đá, phần ở gần bờ biển có nhiều cồn cát. Các đồng bằng Trung Việt gồm có: 1-Thanh-Nghệ-Tĩnh ở miền Bắc Trung Việt, từ rặng Tam-điệp đến Hoành-sơn, khá rộng có diện tích 6.750 Km2; 2-Bình-trị-Thiên từ Hoành-sơn đến tận đèo Hải-vân, diện tích 2.000 Km2, dài 250 Km, bề ngang rất hẹp (10Km - 15Km); 3-Nam-Tín-Ngãi: từ chân đèo Hải-vân đến đầm An-khê, diện tích 3.250 Km2, dài gần 200 Km; 4-Bình-Phú-Khánh-Ninh: từ Bình-định đến Ninh-thuận; 5-Đồng bằng Trung Nam: từ mũi Dinh (Padaran) đến Long-hải, rộng hơn 7.000 Km2. 
      Rặng Trường-sơn nằm từ thung lũng sông Cả đến thung lũng sông Bông, chạy dọc theo biên giới Việt-Lào, và ăn ngang ra biển núi Chân-mây. Về phía Tây một phần lớn vượt sang biên giới Lào. Phía Đông tiếp giáp với đồng bằng ven biển Trung Việt. Tiến về miền Nam, bờ biển quanh co lồi lõm. Từ rặng núi Trường-Sơn, có nhiều nhánh núi thẳng đứng mọc nhô ra khỏi bờ biển, khiến cho những châu thổ ven biển bị gián đoạn, và chia thành những ô đất giống như những chiếc hộp, được liên kết bởi những đường mòn giao thông xuyên qua núi. Rặng Trường-sơn cao trung bình hai ngàn mét (2.000m), và hướng theo chiều Tây Bắc - Đông Nam. Mới nhìn qua người ta tưởng là rặng núi đồng nhất, nhưng xét về cấu tạo kết tầng cũng như địa động, rặng Trường-sơn gồm nhiều rặng núi nhỏ. Rặng Trường-sơn được chia thành bốn đoạn nhỏ: 1-Đoạn từ thung lũng sông Cả đến đèo Keo-nưa; 2-Đoạn từ đèo Keo-nưa đến đèo Mụ-già; 3-Đoạn đèo Mụ-già đến đèo Lao-bảo; 4-Đoạn đèo Lao-bảo đến thung lũng sông Bông.    

2.3- ĐỊA THẾ NAM VIỆT:
       Cao nguyên miền Nam nằm từ thung lũng sông Bông đến tận miền Đông Nam Việt. Phía Tây giáp biên giới Việt-Miên. Phía Đông nhiều nơi ra đến bờ biển. Nhìn chung, cao nguyên Nam Việt có độ cao trung bình khoảng một ngàn mét (1.000m). Tuy ở phía Tây Bắc và Đông Nam có một số đỉnh núi cao như Ngọc-lĩnh (2.598m), Ngọc-an (2.251m), Lang-biang (2.163m), Bi-đúp (2.287m); nếu so với diện tích toàn thể, các đỉnh núi cao này cũng không đáng kể. Cao nguyên Nam Việt được chia thành bốn vùng: 1-Vùng núi Sê-đăng (có người Sê-đăng ở) từ sông Bông đến sông Kroong (Pơ-Kô) và quốc lộ 19; 2-Cao nguyên Pleiku - Kon-tum: từ sông Kroong (Pơ-Kô) và quốc lộ 19 đến Nậm-liêu (hay Ea Ha-leo) và sông Đà-rằng; 3-Cao nguyên Đác-Lắc (Darlac): nằm giữa Nậm-Liêu, sông Ayun, sông (Ea) Kroong và sông (Kroong) HNang; 4-Cao nguyên Lâm-viên - Di-linh (Djiring): nằm từ thung lũng sông (Ea) Kroong, sông (Kroong) HNang và sông Đà-rằng đến miền Đông Nam Việt. Cao nguyên còn kéo dài đến tận Biên-hòa, Long-khánh, và Vũng-tàu.

    Theo các nhà địa chất, vào thời sơ khai, những biến động cực điểm của địa chất đã tạo nên một loạt địa thế, hay những vùng cao nguyên với những đường rạn nứt xuất hiện. Từ những đường rạn nứt này, dưới áp lực của núi lửa, những dung nham (lava) và các khoáng chất Bazan (basalt) được phun ra để tạo nên chất đất phì nhiêu có màu đỏ (red lands) của những vùng cao nguyên thuộc Boloven, Pleiku, Kontum, Darlac, Djiring, và các vùng phía Đông thuộc miền Nam Việt Nam.

     Ngoài ra, phần đất thuộc miền Nam Việt Nam, do từ những quá trình bồi đắp đất phù sa trong vùng vịnh, vào thời đại địa chất thứ tư (Quaternary Era). Do đó, địa thế ở đây có tính thấp cạn. Với ngoại lệ của một ít cao điểm thuộc các vùng phía Bắc và Đông, hầu hết, các đồng bằng đầy phù sa gồm khoảng sáu mươi lăm ngàn cây số vuông (65,000 Km2), ít khi vượt cao hơn hai thước (2 m) trên mực nước biển. Đồng bằng Nam Việt có ba loại địa thế khác nhau: -Những khu cao gồm có 2 khu Đông Bắc, và Tây Bắc của đồng bằng.

-Những khu trũng là những khu thấp dưới một mét, quanh năm bị ngập lụt. -Những khu trung bình cao từ 1-2m là khu không bị nước sông Cửu Long làm ngập lụt.

3- RỪNG & THẢO MỘC:
     Trên 2/5 lãnh thổ Việt Nam được bao phủ bởi những cánh rừng thiên nhiên. Không kể đến diện tích rộng lớn của những cánh rừng kỹ nghệ thuộc về những đồn điền cao su, trà, cà phê, và những loại thảo mộc có tính đa dạng khác, do con người trồng trọt. Vì Việt Nam thuộc miền nhiệt đới, nên rừng thiên nhiên, phần lớn có tính phức tạp, rất hiếm thuần nhất.

     Theo các nhà thảo mộc học, rừng Việt Nam có hơn một ngàn năm trăm (1500) loại cây khác nhau: từ những bụi cây nhỏ thấp đến những cây cao lớn cần nhiều người ôm mới giáp vòng thân cây; từ những cây gỗ quí cứng như lim, trắc, đến những cây gỗ thông thường xốp như cây dừa, cây rỗng như cây tre, nứa; từ những cây non trẻ đến những cây cằn cỗi đã sống qua nhiều thế kỷ đến nay. Tùy theo khí hậu, rừng Việt Nam được chia làm ba miền như sau:

3.1- RỪNG BẮC VIỆT (từ mũi Rọn trở ra Bắc): Bắc Việt gồm có rừng ngập nước ở vùng Quảng-yên, Móng-cái. Cây cối không cao quá 2.50 mét. Phần lớn là cây đước. Rừng vùng thấp tốt nhất ở Bắc Việt, tùy theo vùng đất rừng có các sắc mộc khác nhau. Rừng vùng cao thuộc ở các vùng núi cao nhất miền Bắc như miền núi Đông-Bắc, miền núi Tây-Bắc có nhiều cây cỏ xứ lạnh như thông 2 lá. Ở các vùng cao nguyên tương đối thấp hơn có rừng gỗ giẻ, ca ôi, mun là các loại gỗ tốt.

3.2- RỪNG TRUNG VIỆT (từ mũi Rọn đến mũi Nạy): Thảo mộc thuộc các loại bán ôn đới bắt đầu xuất hiện như các loại gỗ lim, lát hoa xen lẫn với huỳnh, kiền kiền, chò chỉ. Ở vùng đá vôi, có giáng hương và bạch đàn. Ở Quảng-bình và Nghệ-an có thông 2 lá. Ở gần Huế, có thông 5 lá là loại thông đặc biệt của vùng Hy-mã-lạp-sơn. Ngoài ra, dọc bờ biển có dương liễu (phi lao) do người trồng.

3.3- RỪNG NAM VIỆT (từ mũi Nạy trở vào Nam): Hơn phân nữa diện tích đất Nam Việt đều là rừng, có 2 loại rừng khô và rừng ngập nước.

     Rừng khô tùy độ cao được chia làm rừng khô miền thấp, và miền cao nguyên. Rừng khô miền thấp tùy theo chất đất từng vùng mà có các sắc mộc khác nhau: Loại cây song dục quả (Diptérocarpeé) như sao, dầu, sến, chai, láu táu và vên vên. Loại cây thuộc hình quả đậu (Légumineuses) như gụ, gõ đỏ, cẩm lai, trắc, cùng một số thuộc loại ly khoát (Lythacées) như bàng lang, vấp, cồng. Rừng khô cao nguyên có độ một triệu mẫu tây (1000.000 ha) trên cao nguyên Lâm-viên, Di-linh có độ cao trên một ngàn mét (1000 m). Vùng này có loại thông 2 lá ở đồi thấp, và thông 3 lá ở các khu núi cao.

     Rừng ngập nước bao trùm miền duyên hải vịnh Thái-lan, từ mũi Cà-mau đến tận vùng cửa sông Đồng-nai gần Vũng-tàu. Rừng ngập nước chia làm 2 loại rừng sát và rừng tràm.

     Rừng sát như ở Ba-xuyên, Rạch-giá, Kiến-hòa, Định-tường, Phước-tuy. Rừng sát là loại rừng ngập nước mặn, và nước lên xuống theo thủy triều. Sắc gỗ rừng sát rất dễ nhận vì rễ cây một nửa ăn xuống đất, một nửa nằm trong nước mặn. Cây đước chiếm phần lớn, và số nhỏ là các cây vẹt, da, cóc, và dừa nước.

     Rừng tràm ở sâu vào trong các rừng sát, vì đất mùn tích tụ càng ngày càng nhiều, và nước mặn càng ít vì bị nước mưa lấn áp; nên các loại cây ưa nước mặn của rừng sát đã nhường chỗ cho các cây tràm, mẹt, bi rai, ma ca, và dương xỉ. Nơi nào cây tràm đóng vai trò quan trọng người ta gọi là rừng tràm, và nơi nào cây dương xỉ nhiều được gọi là rừng dương xỉ.

 4-THỦY ĐẠO:
       Hệ thống sông ngòi Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự sống của người Việt.
4.1- THỦY ĐẠO BẮC VIỆT:    
       Bắc Việt có 2 hệ thống sông chính: sông Hồng-hà (hay còn gọi: Nhị-hà, sông Thao), và sông Thái-bình. Ngoài ra, còn có một hệ thống sông Kỳ-cùng, nhỏ không quan trọng, chảy vào Tây-giang bên Trung-quốc.

     -Sông Hồng-Hà phát nguyên từ Vân-nam dài độ 1.200 Km. Phần lớn thượng lưu sông này chảy trên đất Trung-quốc (với tên sông Ma-lung). Sông chảy trên đất Việt-nam chỉ dài hơn 500 Km, được chia thành 2 đoạn: -Từ Lào-cai đến Việt-trì, dài 290 Km; -Từ Việt-trì ra biển dài 210 Km. Ở tả ngạn, Hồng-hà có phụ lưu chính là sông Lô (hay Thanh-giang), và ở hữu ngạn có phụ lưu chính là sông Đà. Sông Hồng-hà chảy ra biển bằng cửa Ba-lạt và nhiều thoát lưu khác. Sông Hồng-hà có lưu lượng khá quan trọng, và thay đổi theo mùa; cho nên, người ta bảo sông Hồng-hà có thủy chế thái quá khác với sông Cửu-long có thủy chế điều hòa.

     -Sông Thái-Bình là một đoạn sông chảy từ Phả-lại qua Hải-dương và ra biển dài độ 340 Km, và uốn khúc rất nhiều. Sông Thái-bình có 3 phụ lưu chính: sông Lục-nam, sông Thương, và sông Cầu. Cả 3 sông này đều chảy vào sông Thái-bình ở Phả-lại. Sông Thái-bình chảy ra biển bằng cửa Thái-bình, và nhiều thoát lưu quan trọng khác.

     -Sông Kỳ-Cùng bắt nguồn từ vùng núi Cao-Bắc-Lạng (miền Đông Bắc) và chảy vào Tây-giang bên Trung-quốc. Hệ thống này có 3 sông chính:-sông Kỳ-cùng, sông Bắc-giang, và sông Bằng-giang.

     Ngoài ra, điệu nước ở các hệ thống sông Bắc-việt đã gây ảnh hưởng tai hại cho nông nghiệp. Phần vì đồng bằng Bắc-việt thường bị úng thủy, phần vì nạn vỡ đê làm ngập cả vùng đồng bằng trù phú. Bắc-việt có một hệ thống đê điều dài 4.000 Km. Với độ cao nhất ở Việt-trì là 18,8m; càng gần biển càng thấp, vì các thoát lưu đã làm hạ mức nước: ở Hà-nội 12m; Hưng-yên 8.4m; gần bờ biển chỉ  còn 2,3m. Mặt đê rộng độ 4,5m; chân đê có chỗ rộng 10m.

4.2- THỦY ĐẠO TRUNG VIỆT:
        Trung Việt chỉ có một chuỗi những đồng bằng nhỏ nằm dọc theo bờ biển. Những đồng bằng này không phì nhiêu, vì phần tiếp giáp với miền núi có nhiều sỏi đá, phần ở gần bờ biển có nhiều cồn cát. Vì thế sông ngòi ở Trung-việt thường ngắn, vì địa thế nhỏ hẹp. Trừ các sông phát nguyên từ Lào, và Bắc-việt chảy sang Bắc Trung-việt là tương đối dài hơn. Đồng bằng Trung-việt không liên tục, cho nên, sông ngòi cũng chia thành nhiều nhóm khác nhau. Ngoài ra, khí hậu Trung-việt mỗi vùng mỗi khác, nên thủy chế của sông ngòi mỗi nơi mỗi khác. Sau đây là một số sông quan trọng ở các đồng bằng Trung-việt:

      4.2.1-Thanh-Nghệ-Tĩnh: có các sông Mã, Cả, và Chu.

      4.2.2- Bình-Trị-thiên: có các sông Gianh (hay Rao-nay), Đài-giang, Bến-hải (ngang vĩ tuyến 17), Cam-lộ, Hương. Sông ngòi vùng này rất ngắn vì núi ăn gần ra biển, nhưng lòng sông khá rộng vì vùng này mưa nhiều (trên 3.000mm một năm).

      4.2.3- Nam-Tín-Ngãi-Bình-Phú: Quảng-nam có sông Bông; Quảng Tín có sông Tam-kỳ; Quảng-ngãi có sông Trà-khúc; Bình-định về phía Bắc có sông Lại-giang; Phú-yên có sông Đà-rằng. Sông ngòi vùng này chỉ có nhiều nước vào tháng 10 và 11, còn các tháng khác rất cạn nước. Việc dẫn thủy nhập điền rất khó khăn;

      4.2.4- Khánh-Thuận: Khánh-hòa có sông Cái (hay sông Nha-trang); Ninh-thuận có sông Dinh (hay Kinh-dinh, Phan-rang); Bình-thuận: phía Bắc có sông Lòng, Lũy, Cà-tót; phía Nam có sông Căn, và Mường-mán. Từ Bình-tuy đến Phước-tuy còn có nhiều sông nhỏ thuộc hệ thống sông Trung-việt như sông Phan, Dinh, Ray;

     4.2.5- Phía Tây cao nguyên miền Nam có một số sông chảy vào sông Cửu-long bên Cao-miên. Ở Kontum, Pleiku có sông Pơ-kô (Krong). Ở Đác-lác có sông Liêu (Nậm) hay Ya Hleo, và sông Kroong (Ea).

4.3- THỦY ĐẠO NAM VIỆT:
        Nam-việt có 2 hệ thống sông chính: hệ thống sông Đồng-nai, và hệ thống sông Cửu-long. Ngoài ra, ở miền Tây Nam-việt còn có một hệ thống kinh đào khá quan trọng.

     4.3.1- Sông Đồng-Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm-viên. Nguồn sông Đồng-nai là sông Đa-dung phát xuất từ núi Lang-biang có phụ lưu là sông Đa-nhim phát nguyên từ núi Bi-đúp. Hai sông này nằm ép lấy cao nguyên Đà-lạt. Ở hữu ngạn sông Đồng-nai, phụ lưu là các sông Bé, Sàigòn, và Vàm-cỏ. Ở tả ngạn có 1 phụ lưu là sông La-nha. Từ Nhà-bè về phía Nam, sông Đồng-nai mới có các thoát lưu. Vùng cửa sông Đồng-nai là 1 vùng tứ giác Nhà-bè, Phú-mỹ, Vũng-tàu, Vàm-láng, là một vùng đồng lầy có cây tràm, cây đước mọc, mà người ta gọi là Rừng-sát. Vùng này toàn bị ngập nước, và có các sông nhỏ, lạch nhỏ chi chít.

    4.3.2- Sông Cửu Long (hay MéKong) phát nguyên từ Tây-tạng, dài hơn 4200 Km, chảy qua các quốc gia như: Trung-quốc, Lào, Cao-miên, rồi sang Việt-nam. Từ Paksé (Lào) ngược lên, chảy trong miền núi, nên có nhiều ghềnh thác, từ Paksé xuôi xuống, chảy vào miền đồng bằng nên phẳng lặng hơn. Đến Stung-cheng ở miền Đông-Bắc Cao-miên, sông Cửu-long nhận nước của sông Pơ-Kô (Krong), Nậm, Liêu, và Ea Kroong, với sự trung gian của sông Sré-pok, và Sê-San. Đến Nam-vang, sông Cửu-long có 1 nhánh ăn thông với biển hồ Tonlé-sap, và chia thành 2 nhánh: Tiền-giang (cũng gọi Mékong), và Hậu-giang (tức là sông Bassac hay Ba-thắt).

     -Tiền-giang là hạ lưu của sông Cửu-long, dòng sông khá rộng, giữa dòng có những cù lao rất lớn, và chảy ra biển bằng 6 cửa như: Cửa-Đại, Cửa-Tiểu, Bà-Lai, Hàm-Luông, Cổ-Chiên, và Cung-Hầu.

     -Hậu-giang chảy vào Việt-nam qua Châu-đốc, rồi qua Long-xuyên, và Cần-thơ. Từ Cần-thơ ra biển, Hậu-giang tách ra thành nhiều nhánh rồi tụ lại tạo ra nhiều cù lao. Ra gần bờ biển, Hậu-giang lại tách thành 3 thoát lưu chảy ra biển bằng 3 cửa Định-an, Ba-thắt, và Tranh-đề.

     -Hệ thống kinh đào miền Tây đã có từ trước thế kỷ thứ 5, do người Phù-nam đào để làm đường giao thông giữa các thị trấn và kinh đô của họ như Angkor Borei (ở phía Nam Nam-vang), Óc-eo (núi Ba-thê), và thị trấn Trăm-đường (ở Đông-Nam Kiên-giang). Sau đó, các vua triều Nguyễn, rồi nhà cầm quyền Pháp tiếp tục đào các con kinh ở vùng này, để thoát nước từ đồng lầy nội địa ra biển, và làm đường giao thông từ sông Cửu-long ra vịnh Thái-lan. Các kinh đào này thường rất thẳng, chằng chịt, chia miền Tây thành nhiều ô nhỏ. Các kinh đào chính như sau: kinh Vĩnh-tế, kinh Hà-tiên, kinh Tri-tôn, kinh Ba-thê, kinh Long-xuyên, kinh Rạch-sỏi, kinh Thốt-nốt, kinh Phụng-hiệp, kinh Cà-mau – Bạc-liêu. Hầu hết, các kinh này đều hướng theo chiều Tây-Nam - Đông-Bắc, nối sông Ba-thắt với vịnh Thái-lan. Ngoài ra, trong vùng Đồng-tháp-mười, còn có một số kinh đào khác chạy song song với sông Cửu-long.

     Lưu lượng sông Cửu-long rất lớn, vì vừa dài, vừa chảy trong một miền nhiều mưa. Lưu lượng trung bình là 90.000 m3/1giây. Ngoài ra, 60.000 m3/giây về mùa khô; 120.000 m3/giây về mùa mưa.

     Sức nước chảy mạnh nên về mùa mưa, nó có thể chuyên chở độ 15/10.000 trọng lượng phù sa, và về mùa khô độ 5/10.000 trọng lượng phù sa. Sức nước này mạnh bằng sức nước của sông Nil ở Ai-cập. Nhờ lưu lượng lớn, và sức nước chảy mạnh nên sông Cửu-long đã bồi đắp đồng bằng sông Cửu-long rất mau chóng.

5-KHÍ  HẬU:
      Việt Nam nằm trong miền nhiệt đới, và gần đường xích đạo của địa cầu, cũng như chịu ảnh hưởng gió mùa Á-châu. Cho nên, Việt Nam là xứ có khí hậu nóng. Ở miền biển, khí hậu điều hòa; trái lại, vào trong nội địa, khí hậu có nhiều biến đổi tùy theo những vùng khác nhau. Hơn nữa, vì chịu ảnh hưởng những yếu tố tác động của vũ trụ và địa lý, khí hậu Việt Nam có những sắc thái riêng, và khác hẳn với các nước láng giềng cùng vĩ độ. Riêng tại Việt Nam, sự khác biệt khí hậu từ Bắc đến Nam, từ Tây sang Đông cũng khá rõ rệt. Tổng quát, khí hậu Việt Nam có thể được chia ra làm 3 vùng khác nhau: Khí hậu Bắc Việt, khí hậu Trung Việt, và khí hậu Nam Việt như sau:

5.1- KHÍ HẬU BẮC VIỆT (Từ đèo Ngang trở ra Bắc):

      5.1.1-Đặc Điểm: Nói chung khí hậu Bắc Việt có hai mùa: mùa mưa và mùa khô (mặc dù, người ta thường nói có bốn mùa, nhưng vì 2 mùa chuyển tiếp xuân và thu không được rõ rệt, và rất ngắn nên không đáng kể).

          -Mùa Mưa: từ tháng 5 đến 7: mưa giông, trời nóng lại có hiện tượng gió nóng Fohn (gió Lào) làm tăng phần oi ả. Từ tháng 7 đến 9, có mưa lớn, thường hay có bão; nhưng những ngày không mưa trời quang đãng.

          -Mùa Khô: Sau một thời gian chuyển tiếp (tháng 10), từ tháng 11 đến tháng 01: trời khá lạnh, nắng hanh, hoàn toàn không có mưa. Từ tháng 02 đến tháng 4: trời rất lạnh và có mưa phùn.

     5.1.2- Khí Hậu Các Vùng Bắc Việt: gồm có 3 vùng khí hậu:

           -Vùng Đồng Bằng Bắc Việt: Khí hậu phần nhiều chịu ảnh hưởng của khối khí lạnh Tây-Bá-Lợi-Á, nên mùa lạnh nhiệt độ thường xuống rất nhanh. Tại Hà-nội, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23.8 độ C, tháng nóng nhất là 29.2 độ C (tháng 6), và lạnh nhất là 16.6 độ C (tháng 01).

          -Vùng Đồng Bằng Thanh-Nghệ-Tĩnh: Khí hậu vùng này nóng nhiều hơn vùng đồng bằng Bắc Việt, vì ở gần đường xích đạo hơn.

          -Vùng Núi và Cao Nguyên Bắc Việt: Vì ở cao độ, nên nhiệt độ bị giảm nhiều. Về mùa Đông, những năm lạnh có tuyết rơi ở những vùng cao trên 1.000 mét.

5.2- KHÍ HẬU TRUNG VIỆT (Từ Đèo Ngang đến miền Đông Nam Việt):

     5.2.1- Đặc Điểm: Trung Việt tương đối nóng hơn Bắc Việt vì ở gần xích đạo, và xa hẳn khí hậu Hoa-nam. Tại Huế, nhiệt độ trung bình là 25.3 độ C; tháng nóng nhất là 29.3 độ C (tháng 6 và 7); tháng lạnh nhất là 20.2 độ C (tháng 01).

          -Trung Việt Có 2 Mùa: Mùa Đông lạnh, mưa nhiều, vì ảnh hưởng gió Đông Bắc. Gió này mang hơi nước từ Vịnh Bắc Việt vào đồng bằng. Mùa Hạ thường nóng nhưng vẫn có nhiều mưa.

          -Trung Việt Trải Dài 700 Km, Có Nhiều Địa Thế Khác Nhau: nên khí hậu cũng khác nhau tùy từng vùng nhỏ khác nhau.

     5.2.2- Khí Hậu Các Vùng Trung Việt: gồm có 4 vùng khí hậu nhỏ.

          -Khí Hậu Vùng Bình-Trị-Thiên: rất ẩm và có 2 mùa nóng và lạnh. Mùa nóng từ tháng 02 đến tháng 9, ít mưa. Mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 01, có nhiều mưa.

          -Khí Hậu Vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú: càng về phía Nam càng nóng, vì bị ảnh hưởng gió Lào. Vùng này cũng có 2 mùa nóng và lạnh như Bình-Trị-Thiên.

          -Khí Hậu Vùng Khánh-Thuận: nóng và khô.

          -Khí Hậu Vùng Cao Nguyên Phía Nam: lạnh hơn đồng bằng và thường có sương mù. Có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa (7tháng) từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô (5 tháng) từ tháng 12 đến tháng 4.

5.3-KHÍ HẬU NAM VIỆT:
      5.3.1- Đặc Điểm: Nam Việt là vùng đồng bằng cho nên khí hậu có tính đồng nhất, không thay đổi nhiều từ vùng này sang vùng khác. Nhiệt độ trong năm rất ít thay đổi; tháng nóng nhất nhiệt độ trung bình dưới 29 độ C (tháng 4); và nhiệt độ mát nhất trung bình trên 25 độ C (tháng 12 hay 01). Nam Việt có 2 mùa: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

     5.3.2- Các Vùng Khí Hậu Ở Nam Việt: gồm có 3 vùng khí hậu hơi khác biệt.

          -Khí Hậu Vùng Bắc Sàigòn: có tính chất mát hơn cả và có mưa nhiều, vì tiếp giáp với vùng cao nguyên nhiều rừng rậm.

          -Khí Hậu Vùng Sàigòn Và Nam Sàigòn: Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Sàigòn là 26.9 độ C. Hai tháng nóng nhất: tháng 4 lên đến 28.8 độ C; tháng 8 lên đến 27.2 độ C. Tháng 12 mát nhất là 25.6 độ C. Vùng này có 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; Sàigòn mưa nhiều vào tháng 6 (313 mm), và tháng 9 (333 mm). Các tháng 01, 02, 03 thường khô hạn; chỉ có rất ít ngày mưa (dưới 15 mm).

          -Khí Hậu Vùng Cực Nam Việt (Cà-mau): có nhiều mưa hơn ở Sàigòn. Đầu mùa mưa vào tháng 4, và 5. Cuối mùa mưa vào các tháng 10, 11, và 12. (Soạn theo Địa-lý Việt-nam của GS. Nguyễn Khắc Ngữ và GS. Phạm Đình Tiếu)./.
    -Âu Vĩnh Hiền

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn