TRAU DỒI CÁ TÍNH

14 Tháng Bảy 20166:45 CH(Xem: 15838)
  

TRAU DỒI CÁ TÍNH

Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

                                                        
1-KHÁI NIỆM VỀ CÁ TÍNH:
     Để có một khái niệm tổng quát về cá tính của con người, thí dụ chúng ta có hai người bạn học trai tên là VIỆT và NAM. Tính chất về con người của họ có thể không giống nhau như sau:

     -VIỆT là người bạn sống động, đầy nghị lực, có vẻ luôn luôn hoạt bát, và hứng thú tìm những việc vui thích để làm. VIỆT quen biết hầu hết mọi người trong trường học; vì anh có tính dễ gây thân thiện, vui vẻ, dí dỏm, và nhanh chóng bắt vào việc nói chuyện với bất cứ người nào anh gặp. Bất cứ khi nào anh có mặt nơi đám đông, chắc chắn anh đều mang đến những tiếng cười, và cảm giác vui vẽ cho người chung quanh.

     Ngoài ra, VIỆT có một số khuyết điểm, đôi khi, có thể gây phiền phức cho những bạn của anh như: việc hay mượn tiền của bạn và không nhớ trả lại cho bạn; việc thường đến trể giờ hẹn với bạn và không nêu lý do để xin lổi bạn; mỗi lần có việc cần anh thường nhờ bạn đến làm giúp, nhưng anh luôn luôn viện cớ từ chối mỗi khi bạn cần đến sự giúp đở của anh.

     -Trái lại, NAM là người bạn có những tính chất khác hẳn với VIỆT. NAM là người con trai trầm lặng, hiền lành, và không có nhiều bạn. Mặc dù có nhiều người không thích bản tính của anh, nhưng đặc biệt không ai chống đối anh; họ chỉ không tiếp cận với anh mà thôi.

     Hơn nữa, chúng ta nhận thấy NAM là người chân thật, và rất thích anh ta. Chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào NAM, và có thể an tâm để kể bất cứ chuyện gì với anh ta. Anh ta chưa bao giờ lừa gạt chúng ta. Anh ta cũng có thể tin được một cách trọn vẹn trong nhiều mặt khác. Nếu anh ta hứa sẽ làm việc gì cho chúng ta, việc đó sẽ được anh ta hoàn thành một cách tốt đẹp.
 
     Ngoài ra, NAM có biệt tài về việc sửa chửa xe đạp, ra-điô, xe hơi, và dường như với bất cứ việc gì khác. NAM đọc nhiều sách, và anh ta có thể kể cho chúng ta nghe về những việc như: chính quyền, du lịch ở các nước ngoài, và cuộc tranh tài thể thao. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi nghe được việc này về NAM. Mặc dù chính anh ta không năng động, nhưng anh ta hiểu biết rất vững về mặt thể thao. NAM có thể trả lời những câu hỏi của chúng ta về những môn chơi thể thao thuộc địa phương và quốc gia một cách tường tận.

     Theo sự hiểu biết nêu trên, một câu hỏi đặt ra: -Giữa VIỆT và NAM, người nào có cá tính tốt hơn? Theo những bạn học tại trường, có lẽ họ sẽ trả lời “-Dĩ nhiên, VIỆT”. Nhưng nếu chúng ta hỏi một nhà tâm lý học, họ sẽ có câu trả lời khác biệt.

     Theo các nhà tâm lý, cá tính (personality) là bản ngã (cái tôi = self) hoàn toàn thuộc về tâm lý của bạn. Một số người nghĩ sai lầm rằng cá tính có nghĩa chỉ là khả năng để hấp dẩn người khác. Thực ra, cá tính có nghĩa là tất cả mọi việc về con người của bạn. Thí dụ như: những quan tâm của bạn, những thói quen, những việc thích và không thích, những năng lực và bất lực để chung sống hòa thuận với mọi người, tính vui vẽ, tính dí dỏm, tính kiên nhẫn, sự thân ái, hay sự vô tư, sở thích tốt hay xấu, . . .

     Do đó, các nhà tâm lý trả lời rằng: “-Thật là khó để nói giữa hai người bạn VIỆT và NAM, người nào có cá tính tốt hơn người nào. Bởi vì cá tính của VIỆT có ưu điểm trong việc hấp dẩn người ta; còn NAM lại có ưu điểm trong những mặt khác. Khi phán đoán hai người bạn này, chúng ta không thể không quan tâm đến việc nghiên cứu cẩn thận về họ.”
 
      Trong định nghĩa, cá tính là tất cả những gì thuộc về tâm lý của bạn. Do đó, khi bạn quan tâm đến việc này, bạn sẽ nhận thấy tính quan trọng của nó như thế nào đối với bạn để hiểu về chính bạn. Chỉ xuyên qua việc hiểu biết, bạn mới có thể biết được những khuyết điểm, và ưu điểm của riêng bạn. Chỉ xuyên qua sự hiểu biết, bạn mới có thể thấy được cách nào để trau dồi cho chính bạn. Hơn nữa, chỉ xuyên qua việc hiểu biết nơi chính bạn, bạn mới có thể hiểu được những người khác.

2-CĂN NGUYÊN CÁ TÍNH:
     Cái gì đã tạo cho chúng ta trở thành loại người với bản chất hiện có? Thí dụ, có phải bạn được sinh ra để là người thân thiện, vui thích về thể thao, không dễ tức giận, dễ vui cười? Hay những điểm này được phát triển từ những kinh nghiệm mà bạn gặt hái được trong đời sống hàng ngày? Để giải đáp vấn đề nêu trên, sau đây chúng ta thử tìm hiểu sự giải thích của các nhà tâm sinh lý học, về căn nguyên cá tính con người từ đâu mà có:
 
     2.1-Di Truyền Tính Và Cá Tính (Heredity and Personality):
Theo các nhà tâm sinh lý học, khi mới bắt đầu được kết thành tế bào đơn độc (single cell) thai nhi, con người đã được thừa hưởng di truyền tính, qua những nhiễm sắc thể (chromosomes) và genes của cha mẹ.

     Cho nên, việc phát triển cấu trúc thể chất của riêng mỗi người từ bên ngoài đến bên trong như: kích thước về bộ xương, chiều cao, màu da, gương mặt, não bộ, tim, phổi, ruột, gan, v.v...

     Tất cả đều được xác định phần lớn bởi sự thừa hưởng di truyền từ cha mẹ mỗi người. Nói một cách khác, di truyền tính của cha mẹ đã ảnh hưởng đến cấu trúc thể chất con người.

     Sự phát triển cấu trúc thể chất có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sử dụng trong đời sống hàng ngày. Thí dụ: Người có thân thể khỏe mạnh thường tích cực, và lạc quan trong các sinh hoạt.

     Trái lại, người có thân thể yếu đuối, bạc nhược, và bệnh tật thường tiêu cực, và bi quan, do sự giới hạn sức khỏe của họ trong đời sống hàng ngày. Nói một cách khác, cấu trúc thể chất có ảnh hưởng trực tiếp đến cá tính con người. Do đó, chúng ta có thể nói rằng di truyền tính có ảnh hưởng, và giúp xác định phần lớn cá tính con người.

     2.2-Môi Sinh Và Cá Tính:
Môi sinh là không gian, địa lý, môi trường, hoàn cảnh, và nơi chốn, . . . của con người sinh sống. Mặc dù di truyền tính đã xác định phần lớn căn bản cá tính con người, nhưng môi sinh cũng đóng một vai trò quan trọng để ảnh hưởng đến cấu trúc thể chất, và dẩn đến sự biến đổi cá tính con người.

     Thí dụ, ánh nắng mặt trời nóng quá độ có thể làm sạm màu da, và tổn hại sức khỏe của bạn; việc thiếu dinh dưỡng có thể làm trẻ sơ sinh bị còi xương ốm yếu; một tai nạn xe hơi có thể gây ra vết sẹo, hay tàn phế cơ thể của bạn, . . . Tất cả đều có thể làm biến đổi bản chất của con người.

     Ngoài ra, cách thức chúng ta sử dụng cấu trúc thể chất cũng có thể gây ảnh hưởng đến nó. Thí dụ, nếu chúng ta thường làm những công việc lao động khó nhọc, bắp thịt trong thân thể chúng ta sẽ gia tăng sức mạnh.

     Nếu chúng ta đọc sách nơi thiếu ánh sáng, trong thời gian lâu dài, thị lực của mắt sẽ bị suy yếu. Hơn nữa, những áp lực của môi sinh từ các sinh hoạt của gia đình, trường học, cộng đồng xã hội, văn hóa, kinh tế, . . . đều có ảnh hưởng trực tiếp, hay gián tiếp đến cấu trúc thể chất, và sự biến đổi cá tính con người. Thí dụ: Sự ô nhiễm không khí có thể làm suy yếu sức khỏe con người, cảnh sống phức tạp nơi thành phố có ảnh hưởng đến con người về cách ăn mặc, lời nói, thái độ cư xữ, kiến thức, sở thích, . . .

     Để thích nghi, và hòa hợp trong đời sống xã hội hàng ngày, chúng ta phải học tập từ xã hội. Cũng như, những phản ứng với mọi người, với thế giới tiến bộ, những thái độ đối với bản thân, những biểu lộ tình cảm với những người thân thuộc, những tín ngưỡng, . . . Tất cả đều bị ảnh hưởng, và được phát triển từ môi sinh của chúng ta.
 
     Ngoài ra, sự khác biệt về những môi sinh có thể tạo nên sự khác biệt trong những tính chất của con người. Thí dụ: Dân tộc của những quốc gia khác nhau đều có những cá tính khác nhau; mặc dù người trong cùng một nước, nhưng có sự khác biệt về địa phương như: thành phố, nông thôn, miền Nam, Trung, Bắc, đều có những cá tính khác nhau; bởi vì kết quả của những khác biệt về địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, và những thói quen, . . .

     Nói tóm lại, cá tính con người được thể hiện bởi kết quả từ cả hai yếu tố di truyền tính và môi sinh. Ngoài ra, giữa hai yếu tố này, di truyền tính hay môi sinh không có một yếu tố nào   có thể nói là quan trọng hơn yếu tố kia, trong sự phát triển cá tính của con người. Bởi vì, di truyền tính có ảnh hưởng trên những đặc tính thể chất hơn môi sinh; trái lại, môi sinh có ảnh hưởng trên những thái độ và cá tính hơn di truyền tính.

3-NHỮNG SAI LẦM TRONG VIỆC PHÁN ĐOÁN CÁ TÍNH:  Cách thông thường nhất để tìm hiểu cá tính là xuyên qua việc nhận xét. Thí dụ: Chúng ta nhận biết những gì ở người khác, qua những lúc chúng ta quan sát cách thức họ cư xử trong những hoàn cảnh khác nhau.

     Cũng như, chúng ta nhận biết những gì ở chính chúng ta, xuyên qua việc nhận xét cách thức chúng ta suy nghĩ, cảm giác, và cư xử. Trong đời sống hàng ngày, tất cả chúng ta dường như thường có cơ hội để phán đoán cá tính của những người khác. Trong việc làm như thế, chúng ta cũng nên nhớ rằng chúng ta thường rất dễ tạo ra những sai lầm trong sự phán đoán của chúng ta.

     Theo nhà tâm lý Gordon W. Allport, nói chung, chúng ta có thể hiểu biết những người khác một cách tốt nhất, khi những cá tính của họ giống như những cá tính của riêng chúng ta. Thí dụ: những điểm giống nhau về chủng tộc, phái tính, tuổi thọ, đặc tính, quan điểm, là những cần thiết lớn, giúp chúng ta hiểu biết người khác ít sai lạc hơn.

     Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không bao giờ hiểu biết bất cứ người nào một cách hoàn toàn. Trái lại, chúng ta thường vi phạm vào việc phán đoán sai lầm người khác nhiều hơn.
     3.1-Việc Phán Đoán Bởi Không Đủ Chứng Cớ: Có nhiều nguyên nhân gây ra việc phán đoán sai lầm người khác. Thông thường, xuyên qua những hành động của người khác, chúng ta khám phá ra những gì về họ. Chúng ta chỉ có thể nhận thấy họ trong một ít vị thế; nhưng chúng ta có khuynh hướng suy luận, và nghĩ rằng chúng ta còn biết thêm những gì khác hơn về họ.

     Theo thói quen, sự giãi thích của chúng ta thường hướng về những việc lầm lổi của họ. Thí dụ: một người bạn từ chối không cùng đi chơi bóng rổ khi chúng ta đề nghị, và chúng ta vội kết luận rằng anh ta không thích chơi thể thao. Thật ra, anh ta từ chối có thể vì một nguyên nhân khác, chớ không phải anh ta không thích chơi thể thao.

     Nói một cách khác, chúng ta thường phán đoán sai lầm, vì không có đủ chứng cớ về những lý do hay hành động của họ; hay chúng ta hiểu lầm cách đối xử của họ.

    3.2-Việc Phán đoán Bởi Ảnh Hưởng Hào Quang (the Halo Effect):
Chúng ta cũng dễ bị sai lầm trong việc phán đoán, chỉ vì dựa vào một đặc tính duy nhất của người khác, rồi vội vàng đi đến kết luận, để phán đoán trên toàn thể con người của họ.

     Việc dựa vào một đặc tính duy nhất được gọi là sự ảnh hưởng hào quang (the halo effect). Thí dụ: Nếu chúng ta không thích một hành vi nào đó của người bạn, rồi chúng ta phán đoán họ là người vô dụng.

     Như thế, phán đoán của chúng ta không được đúng, bởi vì chỉ có một hành vi duy nhất chưa đủ để đại diện cho tính chất toàn thể con người của họ.

4-CÁ TÍNH TỐT VÀ SỰ TRAU DỒI CÁ TÍNH:

     4.1-CÁ TÍNH TỐT:
Cá tính của chúng ta được gọi là tốt, nếu cá tính làm cho chúng ta vui vẻ, làm cho những người chung quanh được vui thuận, và nó là điều có ích lợi cho xã hội. Nói một cách khác, cá tính của chúng ta có thể nói là cá tính tốt nếu có những đặc điểm như sau đây:
     -Nếu chúng ta có thể được nhiều người ưa thích. –Nếu chúng ta thành đạt trong hầu hết những điều kiện của chúng ta. –Nếu chúng ta sống thành thật. –Nếu chúng ta là người có trách nhiệm. –Nếu chúng ta có những cách sống lành mạnh. –Nếu đời sống tình cảm của chúng ta luôn luôn được vui vẽ, và cũng làm cho những người khác được vui vẽ. –Nếu chúng ta can đảm đối diện với những trở ngại vàbất như ý trong đời sống hàng ngày.
 
    4.2-SỰ TRAU DỒI CÁ TÍNH: Chúng ta có thể trau dồi cá tính của chúng ta không? Câu trả lời là “Có”. Chúng ta có thể tự tạo cho chúng ta dễ thương hơn, nên tìm cách làm cho đời sống thêm nhiều thú vị hơn, nên thoát bỏ vô số những việc lo sợ phiền não không cần thiết, nên năng động tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, nên vui vẻ trong việc làm hàng ngày và nỗ lực hoàn thành công việc được tốt đẹp hơn.

     Mỗi người chúng ta đều có những cơ hội để tự làm những việc mà chúng ta muốn thực hiện. Nếu chúng ta có thể xem cuộc sống như một cuộc thí nghiệm trong việc xây dựng cho chính chúng ta, ngay như có những thất bại. Như thế, cuộc sống sẽ trở nên một thử thách đầy ý nghĩa./.
                                                                
-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn