TINH THẦN TỰ TRỌNG

14 Tháng Bảy 20166:45 CH(Xem: 19201)

 

 

 

TINH THẦN TỰ TRỌNG

 

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

 

1-KHÁI NIỆM LÒNG TỰ TRỌNG (Self-Esteem):

     Chúng ta có thể tin rằng sức khỏe tinh thần của con người thường được phát triển tốt, vào thời thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trong những lúc tiêu cực, con người có thể dùng những bước tiến để thay đổi thái độ, và cải thiện đời sống tinh thần của họ.

     Mặt khác, đời sống hạnh phúc, phần lớn, được xác định bởi khả năng đáp ứng của con người, đối với những thử thách trong đời sống; và tùy theo mức độ tự hài lòng (self-fulfillment), hay tự hiện thực hóa (self-actualization).

     Để đạt đến sự tự hài lòng, người ta phải trải qua một tiến trình nhận thức lâu dài trong đời sống, cùng với những xây dựng về: lòng tự trọng; và việc học tập để kiểm soát xúc cảm, để giải quyết vấn đề, và để tạo nên những quyết định.

     Riêng với lòng tự trọng, nó còn có mối liên quan mật thiết với tinh thần tự tin (self-confidence). Do đó, lòng tự trọng của một người có thể được định nghĩa như một cá nhân có bao nhiêu thiện cảm với chính mình, và có bao nhiêu sự quí trọng với giá trị của riêng mình.

     Thí dụ: Một người với lòng tự trọng cao độ (high self-esteem), họ có khuynh hướng cảm giác tốt về chính họ, và có triển vọng tích cực trong đời sống. Trái lại, một người với lòng tự trọng thấp kém (low self-esteem), họ thường có cảm giác không tốt về chính họ, họ luôn tự đánh giá thấp kém về bản chất, và có cảm giác nghi ngờ về khả năng thành công của họ. Nói cách khác, họ luôn có tinh thần chủ bại.

     Thông thường, lòng tự trọng của chúng ta là kết quả từ những mối quan hệ mà chúng ta có với cha mẹ và gia đình, trong  những  năm sinh  thành; với những người  bạn khi chúng ta khôn lớn hơn; với những người quan trọng khác khi chúng ta xây dựng những mối thân tình; với những thầy cô giáo, những đồng nghiệp, và những người khác trong suốt cuộc đời của chúng ta.

2-VIỆC XÂY DỰNG TINH THẦN TỰ TRỌNG:

     Việc xây dựng tinh thần tự trọng đòi hỏi nhiều thời gian. Nó không thể hy vọng được cải thiện mà không có thời gian cố gắng tự lực học tập của con người. Hơn nữa, có nhiều sự việc chúng ta có thể làm được trong đời sống hàng ngày. Mặc dù những sự việc này, dường như, có thể không quan trọng, nhưng khi được chúng ta thực hiện một cách đều đặn, và cộng thêm với những hành vi khác; chúng có thể có một ảnh hưởng lớn lên cách thức chúng ta tự cảm nhận về chính mình. Vài đề nghị sau đây có thể góp phần vào việc xây dựng tinh thần tự trọng:

     2.1-Chấm Dứt Ý Nghĩ Tiêu Cực Trong Chúng Ta: Chúng ta thường là những quân thù xấu nhất của riêng mình. Vì thường có những ý nghĩ tiêu cực đối với bản thân chúng ta. Thí dụ: Phần đông, chúng ta thường bi quan phân vân tự hỏi rằng chúng ta phải nhìn vấn đề như thế nào đây, và bằng cách nào chúng ta nên có thái độ cư xử thích hợp trong những hoàn cảnh nhất định nào đó. Vì vậy, để xây dựng tinh thần tự trọng, chúng ta nên bắt đầu chấm dứt những âm hưởng tiêu cực bên trong chính mình, và thực hiện một số hành vi sau đây:

          2.1.1-Nên Tìm Hiểu Trung Thực Khuyết Điểm: Việc khảo sát lại những thiếu sót của chúng ta với một hình ảnh trung thực, khá hơn là một lăng kính phóng đại. Thí dụ: Một học sinh, thay vì nói “Tôi rất đần độn và tôi sẽ không bao giờ đủ điểm để vượt qua bài thi của môn này.” Hãy nói rằng “Mặc dù bài thi vừa qua, tôi không làm tốt cho lắm, nhưng tôi sẽ làm khá hơn trong lần tới. Vì tôi có phần đang tiến bộ trong một số môn học khác.”

         2.1.2-Biết Khuyết Điểm Để Sửa Sai Về Sau: Việc tái xét những sai lầm của chúng ta như những cơ hội để biết rõ chính mình hơn. Hay như những kinh nghiệm trưởng thành mà chúng ta học được để tránh sai lầm trong lần tới. Thí dụ: Chúng ta tìm thấy chúng ta đã làm ra những lỗi bất cẩn trên bài thi; vì chúng ta quá vội vã để hoàn tất bài thi. Vì vậy, chúng ta nên quyết tâm dùng nhiều thời gian hơn trong bài thi lần tới, và nên kiểm điểm bài thi một lần nữa sau khi làm xong.

         2.1.3-Nên Nói Lời Cám Ơn Khi Được Khen Ngợi: Khi có người khen ngợi, chúng ta nên nói lời cám ơn họ, và tránh việc nói lầm bầm những lời phản kháng. Thí dụ: Đừng có nói lầm bầm “-Đó chỉ là việc làm của tôi.” hay “-Tôi không có sự chọn lựa khác.” Chúng ta nên luôn luôn hưởng ứng tích cực, đối với những lời khen ngợi bằng việc nói lên lời “Cám ơn”.

     2.2-Việc Tập Trung Vào Tinh Thần Tích Cực: Chúng ta không nên tự cho phép đắm chìm trong sự tự thương mình (self-pity). Mặc dù chúng ta không thể nào luôn luôn có đời sống lạc quan mãi mãi, nhưng để thu ngắn thời gian chuyển tiếp giữa những tư tưởng tích cực, chúng ta có thể làm những sự việc như sau:

      2.2.1-Không Nên Tự Hờn Giận: khi có vấn đề làm chúng ta bối rối khó chịu, chúng ta không nên tự hờn giận. Tốt nhất, chúng ta nên dành 15 phút để lo âu về nó. Sau đó, chúng ta nên tự áp lực để làm hay nghĩ về việc khác. Như thế, tâm hồn chúng ta sẽ được dễ chịu hơn.

      2.2.2-Không So Sánh Chúng Ta Với Người Khác: Con người, nói chung, có thiên hình vạn trạng. Không ai giống ai trên nhiều phương diện. Mỗi cá nhân đều có những cá tính riêng biệt và hoàn cảnh khác nhau. Người này có những ưu và khuyết điểm mà người khác không có, và ngược lại. Do đó, chúng ta không nên so sánh chúng ta với những người khác. Vì việc làm như thế thường khiến chúng ta bị nhiều bất như ý, đau khổ hơn là hạnh phúc. Tốt nhất, chúng ta nên tập trung trau dồi những khả năng và bản chất trung thực của chúng ta, để bản thân được cầu tiến dần dần.

     2.2.3-Nên Dành Thời Gian Thoải Mái Cho Chúng Ta: Khi có thể ảnh hưởng đến một đối tượng hay mục tiêu, chúng ta nên có thời gian vui vẻ trước khi bắt đầu vào một dự án nào đó.

     2.2.4-Nên Dành Thời Gian Cho Người Bạn Mà Họ Chú Ý Đến Chúng Ta: Tình bạn thân thiết có tính chất quan trọng đối với lòng tự trọng tích cực của chúng ta. Vì những người bạn thân là nguồn sống quan trọng có tính khách quan, và khuyến khích tinh thần của chúng ta.

     2.2.5-Nên Liệt Kê Ra Những Phúc Lành Chúng Ta Đã Đạt Dược: Chúng ta nên tạo ra một bản liệt kê ra tất cả những người, biến cố, và những vật đã mang đến những sự việc tốt lành trong đời sống, mà chúng ta đã từng nhớ ơn. Kể cả việc liệt kê ra những thành đạt riêng của chính chúng ta. Bất cứ khi nào, chúng ta cảm thấy bi quan vì sự phũ phàng, lừa đảo do đời mang đến. Chúng ta nên chú ý đọc lại bản liệt kê này.

3-DUY TRÌ  PHÁT HUY TINH THẦN TỰ TRỌNG:

     Sau khi xây dựng được tinh thần tự trọng, chúng ta cần biết cách duy trì và phát huy nó. Sau đây là một số đề nghị căn bản:

     3.1-Qua Nhóm Người Ủng Hộ: Cách tốt nhất để duy trì tinh thần tự trọng là mối quan hệ qua nhóm người ủng hộ. Hầu hết, chúng ta cần có những người ủng hộ, họ là những người bạn thân đồng lứa tuổi, có trình độ tương đồng. Hơn nữa, họ là những người cùng chúng ta chia sẻ những giá trị đời sống, và giúp chúng ta những hiểu biết thông tin xã hội.

     Sự cần thiết trước tiên cho nhóm người ủng hộ là họ giúp chúng ta có cảm giác thoải mái về chính chúng ta, và áp lực chúng ta có cái nhìn trung thực vào những hành động, cũng như quyết định chọn lọc do chúng ta tạo ra. Mặc dù việc tìm ra một nhóm người ủng hộ thường bao hàm đến một nhóm người bạn mới, nhưng điều quan trọng chúng ta nên nhớ rằng, những mối liên hệ với những thân hữu cũ thường là những thâm tình chứa đầy ý nghĩa, và quan trọng mà chúng ta cần phải duy trì và phát huy. Vì việc duy trì sự tiếp xúc với những bạn cũ, và những họ hàng thân tộc có thể cung cấp cho chúng ta một cơ bản tình thương mến vô điều kiện, và họ còn có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn về sau.

     Ngoài ra, chúng ta nên cố gắng thực hiện những việc có tính khuyến khích và ủng hộ những người khác, bằng những cách khác nhau.Thí dụ: tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, xã hôi, giải trí, và từ thiện, . . .   Vì qua những việc làm này, chúng ta sẽ xây dựng tinh thần tự trọng cho cả hai chúng ta và những người khác.

     3.2-Nên Hoàn Thành Những Nhiệm Vụ Cần Thiết: Một cách khác để nâng cao tinh thần tự trọng là học cách hoàn tất thành công những nhiệm vụ cần thiết, và phát huy một quá trình thành đạt của chúng ta.

     3.3-Nên Có Những Ước Vọng Thực Tế: Việc có những ước vọng thực tế của chính chúng ta là một phương cách khác trong việc nâng cao tinh thần tự trọng. Nếu chúng ta có những ước vọng quá lý tưởng trong khi hoàn cảnh và khả năng thực tế của chúng ta không cho phép, chúng ta sẽ chuốc lấy sự thất bại, dẫn đến tình trạng bi quan, và gây tổn thương cho tinh thần tự trọng. Do đó, chúng ta nên có những ước vọng thực tế, bằng cách phải biết tự lượng sức và hoàn cảnh trung thực của chúng ta, để đặt ra những mục tiêu tăng tiến nhỏ, trong tầm tay chúng ta có thể thực hiện được.

     3.4-Nên Tạo Sinh Hoạt Mới Để Kích Thích Đời Sống Hân Hoan Cho Chúng Ta: Việc sử dụng thời gian, để tạo niềm vui thích cho chúng ta, qua những sinh hoạt mới, chính là một cách khác để nâng cao tinh thần tự trọng, và sức khỏe tâm thần của riêng mình. Vì việc theo dõi mỗi sinh hoạt mới là một hình thức mong đợi hân hoan, và cũng là một cơ hội để có sự vui thích. Cho nên, nó là một phần quan trọng trong việc giữ tính chất kích thích đời sống chúng ta. Do đó, chúng ta hãy thức tỉnh nhắm vào những sinh hoạt mới chúng ta đang có, để mỗi ngày có được niềm mong ước hân hoan, và cố gắng tạo cho niềm mong ước này là một phần tự nhiên trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

     3.5-Nên Duy Trì Sức Khỏe Thể Chất: Việc duy trì sức khỏe thể chất cũng giúp ích cho tinh thần tự trọng. Việc tập thể dục thường xuyên không chỉ mang đến sự bồi dưỡng thể chất, và tránh các chứng tim mạch, nhưng còn giúp cho đời sống tinh thần được lành mạnh. Nhất là việc giúp nâng cao tinh thần tự trọng của con người.

     3.6-Nên Xem Xét Lại Vấn Đề Và Tìm Sự Giúp Đỡ: Khi chúng ta có những vấn đề nan giải, chúng ta nên tìm sự giúp đỡ từ những thân hữu, họ hàng thân thuộc, hay những chuyên viên  cố vấn tâm lý. Tất cả những người này cũng là một yếu tố quan trọng khác trong việc giúp ích để nâng cao tinh thần tự trọng của chúng ta. Tuy nhiên, đôi khi, những vấn đề của đời sống là những chướng ngại không thể vượt qua được./.   

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn