KIỂM SOÁT SỰ SỢ HÃI

14 Tháng Bảy 20166:45 CH(Xem: 27561)

 

 

KIỂM  SOÁT  SỰ  SỢ  HÃI

 

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

                                                                                               

     Trong đời sống, hầu hết chúng ta đã có lần kinh nghiệm trải qua cơn sợ hãi. Trong một số trường hợp, sự sợ hãi có thể giúp ích chúng ta, bởi vì nó cho đôi chân chúng ta mượn đôi cánh để cao bay xa chạy ra khỏi sự nguy hiểm. Hoặc trong những cơ hội khác, nó đã giúp chúng ta tận dụng khả năng tiềm tàng, để tự giải thoát ra khỏi tình thế đày hiểm họa.

     Thí dụ: Vào mùa hè khô ráo, một ngọn lửa bốc cháy, do người hút thuốc lá bất cẩn gây nên, bắt đầu lan rộng trên một vùng đất chứa đầy rác, bên cạnh một ngôi nhà ngoại ô. Mọi người trong nhà được báo động, vì ngọn lửa rất mạnh, và cháy gần kề đến căn nhà. Sau khi người ta gọi sở cứu hỏa, mọi người trong nhà, lập tức, người thì túm lấy chổi quét rác, xẻng xúc cát, thùng đựng nước, kẻ mang những chiếc mền, và những người khác mang những dụng cụ cứu hỏa, vội vã để dập tắt ngọn lửa.

     Với sức mạnh tiềm tàng phát sinh bởi sự sợ hãi của những người trong căn nhà, họ đã có khả năng dập tắt ngọn lửa trước khi những chiếc xe cứu hỏa đến. Do đó, sự sợ hãi là một ích lợi to lớn đối với họ.

     Ngoài ra, sự sợ hãi cũng thường đáp ứng như một động lực giúp cho một số hành động hàng ngày trong đời sống chúng ta. Thí dụ: Sự sợ bị trừng phạt, hay sợ bị mất sự thừa nhận, mà khiến cho hầu hết mọi người phải tuân hành luật pháp, và phong tục tập quán của xã hội.

     Mặc dù nó không là một nguyên nhân tốt nhất, nhưng nó cũng giúp ngăn ngừa được tình trạng bất an, cho đến khi sự học tập tuân hành luật pháp, và phong tục tập quán, được nhiều người hưởng ứng hơn, bởi vì người ta tin tưởng vào nhu cầu cần thiết, và chấp nhận trách nhiệm riêng của họ đối với những vấn đề của họ.

     Vào nhiều trường hợp, sự sợ hãi gây ra một kết quả không tốt, và là một tổn hại hoàn toàn. Những phản ứng đối với sự sợ hãi như thế nên được trừ bỏ tận gốc khi thuận tiện, bởi vì người ta không thể hành động như người trưởng thành nếu họ mang quá nặng những phản ứng xúc cảm tổn hại.

1-VIỆC XỬ LÝ TRƯỚC MỐI SỢ HÃI:

      Trong đời sống, tất cả chúng ta đã có ít nhiều lần, từng trải qua sự sợ hãi, và thử hỏi bằng cách nào chúng ta đã xử lý đối với chúng? Trong một số trường hợp sợ hãi, việc làm tốt nhất thường là hành động trốn tránh. Thí dụ như: sợ hãi vì gặp con rắn độc, sợ hãi vì gặp con chó điên, sợ hãi vì gặp người có chứng bệnh truyền nhiễm, . . 

    Ngoài ra, với những sợ hãi khác, chúng ta cần phải đối diện với cái gì mà chúng ta sợ. Vì vậy, chúng ta phải có tinh thần dũng cảm. Người dũng cảm không phải là người không có sự sợ hãi, nhưng họ là người chiến thắng được sự sợ hãi, thay vì để sự sợ hãi chế ngự họ.

    Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nhận thấy có nhiều người, chính họ cho phép sự sợ hãi chế ngự họ. Thí dụ: Những nam nữ học sinh giả bệnh để trốn tránh một bài thi trong lớp. Họ không đến trường vì họ sợ. Họ không nói lên trong lớp vì họ sợ. Họ không nhận lỗi sai lầm vì họ sợ. Họ không dám nói “không”, đôi khi vì họ sợ. Thái độ như thế cho phép sự sợ hãi chế ngự họ, và dẫn đến khả năng yếu kém và yếu kém hơn, để xử lý mối sợ hãi và những vấn đề cứ tiếp tục xảy ra, từ ngày này đến ngày khác.

2-VIỆC PHÁT TRIỂN TINH THẦN DŨNG CẢM:  

     Một người muốn gia tăng tính trưởng thành về xúc cảm, họ phải phát triển tinh thần dũng cảm. Trong đời sống, chúng ta rất cần đến tinh thần dũng cảm, vì nó giúp chúng ta có thêm sức mạnh, mỗi khi đối diện với sự sợ hãi.

     Do đó, chúng ta cần phải phát triển tinh thần này càng sớm càng tốt, để tránh tính do dự, và hèn nhát trước một sự việc vì lo sợ. Bằng cách nào người ta phát triển tinh thần dũng cảm? Có một cách tốt để phát triển tinh thần này là biết nói “Không” đối với sự sợ hãi, và hãy làm việc gì mà chúng ta sợ. Thí dụ: Việc phát biểu ý kiến trong cuộc hội họp thường khiến người ta lo sợ; Việc nói “Không” với người bạn, khi họ đề nghị việc làm trái với nguyên tắc của chúng ta.

     Hơn nữa, mỗi lần chúng ta làm những việc chúng ta sợ, chúng ta sẽ phát triển thêm nhiều sức mạnh, để đối diện với những nhiệm vụ khó khăn khác trong tương lai. Từ đó, việc sống dũng cảm sẽ trở nên càng dễ dàng hơn. Cũng như những sự việc chúng ta sợ sẽ trở nên càng ít hơn.

3-SỢ HÃI DO ĐỊNH KIẾN:

     Có nhiều mối sợ hãi do định kiến gây ra những tổn hại, và tình trạng bất an tâm lý không cần thiết trong đời sống con người. Sau đây là một số thí dụ: -Cô Hồng 17 tuổi thường sợ bóng tối, một mình cô ta không bao giờ dám bước vào phòng tối ở trong nhà cô, mặc dù những người trong gia đình hiện diện nơi phòng khách gần bên cạnh. Cô Hồng không biết tại sao cô có nỗi sợ này. Nhưng chúng ta có thể giả thuyết rằng cô Hồng có lẽ mang định kiến sợ hãi trong thời thơ ấu.

    -Cô Hà 17 tuổi có nỗi sợ hãi mỗi khi trời dông bão sấm sét, cô chạy lên giường lấy mền trùm kín đầu và người lại. Nỗi sợ của cô phát sinh do định kiến, vì nhận thấy mẹ cô nhiều lần hoảng sợ khi có sấm sét.

    -Cậu Tuấn 15 tuổi, thường tự cảm thấy xấu hổ về việc sợ những con chó. Cậu ta che dấu sự sợ này khá cẩn thận, và nhiều người không biết. Tuy nhiên, cậu ta đau khổ và bất an tâm lý, mỗi khi bất đắc dĩ cậu phải ở gần một con chó. Nỗi sợ này phát sinh từ kinh nghiệm vào lúc 5 tuổi. Cậu bị một con chó lớn gầm gừ nhảy chòm vào người, và khiên cậu té nằm xuống, sau đó cậu được cha cậu cứu thoát. Những sợ hãi do định kiến như thế thường gây phiền phức và tổn hại cho nạn nhân về mặt tâm lý. Sau đây là hai đề nghị để giúp loại bỏ chúng ra khỏi đời sống của nạn nhân:

     1-Nạn nhân cùng với một người không sợ để đối diện với sự vật hay tình thế sợ hãi. Thí dụ, cô Hồng sợ bóng tối nên cùng đi trong phòng tối với một người không sợ bóng tối, để cô làm quen với bóng tối và giải tỏa được nỗi sợ này về mặt tâm lý.

     2-Nên cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự vật mà nạn nhân sợ. Thí dụ, cô Hà sợ sấm sét, cô Hà nên tìm hiểu để biết rõ về sấm sét, có lẽ cô sẽ nhận thấy không có lý do gì để cô phải sợ. Vì tiếng sấm không làm hại bất cứ ai, nếu chúng ta nghe tiếng sấm rền vang, tức là tia chớp sáng đã đi qua; mặc dù tia chớp sáng có thể nguy hiểm thật. Nếu chúng ta sợ tia chớp sáng. Điều này giúp chúng ta biết rằng rất hiếm người đã bị hại vì tia chớp sáng (sét).

4-HAI HÌNH THỨC KHÁC CỦA SỰ SỢ HÃI: Nỗi lo âu và điều làm phiền (worry) là hai hình thức khác của sự sợ hãi mà chúng ta phải đương đầu với chúng.

     4.1-Nỗi Lo Âu (Anxiety): Nỗi lo âu là một hình thức đặc biệt của sự sợ hãi, mà chúng ta nghe nói nhiều hiện nay, vì nó là nguyên động lực gây nên những bệnh tật về thể chất lẫn tinh thần, trong xã hội hiện nay của chúng ta.

     Nỗi lo âu là trạng thái không thoải mái, vì  cảm giác sợ hãi kinh niên trong một thế giới không thân thiện. Nỗi lo âu tự nó biểu lộ trong sự kinh sợ về một tác hại nào đó sẽ xảy ra, hay trong cảm giác của một tình trạng bơ vơ tuyệt vọng.

     Nỗi lo âu không chỉ là một sợ hãi về những sự việc tiêu cực riêng biệt của một cá nhân, mà còn là sự kinh sợ chung, có tính tổng quát hóa cho nhiều người trong xã hội. Xã hội của chúng ta hiện nay dường như không may bị bao vây bởi những đe dọa đối với con người. Thí dụ: đe dọa về chiến tranh, đe dọa về khủng bố, đe dọa về những điều kiện bất ổn của kinh tế và xã hội, . . .

     Tất cả những đe dọa đã gây nên những cảm giác lo lắng, không thoải mái cho con người.Từ lo âu như thế đã sinh ra biến chứng các bệnh căng thẳng tinh thần, mất ngũ, mệt mỏi ưu phiền, kích động thần kinh, đau yếu thân thể, . . . 

     Do đó, việc lạm dụng một số thuốc an thần có thể gây tổn hại đến não bộ của nạn nhân. Theo các nhà tâm lý, để hóa giải được chứng bệnh lo âu, người ta nên áp dụng những đề nghị an toàn sau đây:

1-Nên có tín ngưỡng, vì niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo có thể giúp người ta củng cố được sự an ninh và hòa bình trong một thế giới chứa nhiều lo âu sợ hãi.

2-Nên quan tâm đến nguyên lý đạo nghĩa trong tình huynh đệ giữa con người. Nên thực hiện cuộc sống vị tha, không ích kỷ, để mang phúc lợi cho người khác. Như thế là tự giúp cho tâm trí của mình được bình an hạnh phúc.

3-Nên có sinh hoạt hợp với sở thích riêng của cá nhân, như trò chơi giải trí, nghệ thuật, . . .

4-Nên giữ liên hệ vui vẻ với một số người, mà họ giúp chúng ta có cảm giác an toàn.

5-Nên có thời gian giải trí, để thân thể được thư giãn.

6-Nên có thời gian đủ để nghỉ ngơi trong ngày.

7-Nên có việc làm sinh sống căn bản, để có lợi tức bảo đảm cuộc sống kinh tế hàng ngày.

8-Nên có tinh thần cầu tiến và trau dồi khả năng, để nâng cao mức sống của mình.

     4.2-Điều Làm Phiền (Worry): Điều làm phiền là mối lo âu rất nhẹ, nhưng nó luôn dễ xâm chiếm tâm trí nhiều hơn những nỗi lo âu (anxiety), như vừa đề cập ở trên. Điều làm phiền có tính chất quấy rầy, làm cho nạn nhân rất khó chịu, nhưng luôn luôn không là mối tổn hại trầm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

     Điều làm phiền có khuynh hướng gây ra sự bất an cho chúng ta. Thí dụ: Những học sinh lo lắng về bài học và những lời phê của thầy giáo mà chúng nhận được; từ đó chúng mang nặng những cảm giác bất an, vì bị ảnh hưởng những lời phê của thầy giáo. Sau đây là một số cách đề nghị tốt để khắc phục điều làm phiền (worry) chúng ta:

       4.2.1-Nên Nhận Thấy Sự Vô Ích, Và Phù Phiếm Của Nó: Trước tiên, chúng ta hãy tự hỏi -Chúng ta có thể làm được gì hữu ích cho sự việc mà chúng ta đang buồn phiền lo sợ?  Khi chúng ta không thể làm được gì để giúp ích cho mối lo sợ đó. Tại sao chúng ta phải buồn phiền? Thí dụ: Nếu bạn đang lo sợ tai nạn sẽ xảy ra cho người thân đang trên chuyến du lịch, bạn nên ghi nhớ rằng đó là việc ngoài khả năng của bạn, bạn không thể làm gì được để giúp tránh tai nạn trên chuyến du lịch của người thân; vì vậy, việc lo sợ này là vô ích và có tính phù phiếm, tốt hơn bạn nên suy nghĩ tốt đẹp về chuyến du lịch đầy thú vị mà người thân của bạn đang có.

       4.2.2-Nên Tập Trung Vào Chủ Đề Trong Tầm Tay Của Mình: Đừng mang điều lo phiền của ngày hôm qua và ngày mai vào trong mỗi việc đang làm ngày hôm nay, vì tâm trí tập trung vào chủ đề trong tầm tay của chúng ta là việc làm tốt để chế ngự những điều làm phiền chúng ta. Thí dụ: Một học sinh vừa qua giờ học Toán, và giờ Anh Văn đang bắt đầu, học sinh này chỉ nên tập trung tâm trí vào Anh Văn, mà không nên bận tâm đến môn Toán vừa qua, trong lúc học Anh Văn.

     Hoặc một người công nhân ngoài giờ làm việc đang chơi đánh banh, chỉ nên tập trung vào việc chơi banh, không nên suy nghĩ về công việc trong giờ làm việc, và ngược lại.

     Ngoài ra, nếu bạn là người khôn ngoan, bạn sẽ học được những việc trong quá khứ, và tạo được việc làm tốt nhất ở hiện tại, rồi hướng về tương lai với một tâm hồn thanh thản, và không biết lo sợ. Được như thế, bạn là người đang gặt hái được vô số kinh nghiệm tốt lành.

     4.2.3-Nên Có Óc Thực Tế:  Nên nghĩ về cách nào, và những gì thật sự rất hiếm có thể  xảy ra làm cho chúng ta lo sợ. Thí dụ: Việc xảy ra tai nạn máy bay rất hiếm có, trong khi tai nạn lái xe hơi lại thường dễ xảy ra hơn. Vì vậy, việc di chuyển bằng máy bay an toàn hơn là việc lái xe hơi. Nếu chúng ta có óc thực tế về những điều chắc hẳn như thế, chúng ta sẽ sớm khám phá ra rằng thường có rất ít điều làm phiền đến chúng ta.

     4.2.4-Nên Phơi Bày Ra Những Vấn Đề Của Chúng Ta: Chúng ta nên vạch rõ ra trước mắt những gì đang làm chúng ta lo phiền, và hãy thực sự xem xét chúng. Vì nếu những điều làm phiền lo không được vạch rõ ra, trí tưởng tượng của chúng ta dường như có thể  phóng đại và tràn ngập chúng một cách dai dẳng.

     Khi chúng ta thật sự vạch rõ và phân tích chúng, lúc đó, chúng ta mới nhận thấy chúng dường như không quá lớn, như trí tưởng tượng của chúng ta. Thí dụ: Đội “A” đang lo sợ sẽ không thắng được Đội “B” trong trận đấu bóng rổ sắp đến. Đội “A” bị lo sợ vì Đội “A” đã để sự tưởng tượng tích lũy to lớn về mối lo sợ này. Nhưng nếu họ vạch rõ ra những vấn đề xem xét và phân tích, họ sẽ nhận thấy không có gì là thực sự quan trọng để lo sợ, trong khi họ sẽ tận dụng hết khả năng của họ trong trận đấu, để phân thắng bại. Rồi trận đấu bóng này sẽ sớm chìm vào quên lãng.

     4.2.5-Nên Tiên Liệu Những Hậu Quả Có Thể Xảy Ra: Nên nghĩ về những gì tệ hại nhất có thể đưa đến, nếu những điều lo sợ của chúng ta thật sự xảy ra. Thí dụ: Cậu Tuấn đang lo sợ về việc các bạn học cùng lớp có vẻ bất bình với cậu ta. Cậu Tuấn nên nghĩ trước về những gì tệ hại nhất có thể xảy ra? -Các bạn đồng lớp có thể kém thân mật hơn khi gặp Tuấn trong lần tới. -Tuấn có lẽ cần làm hay nói cái gì để làm sáng tỏ vấn đề với họ. -Tuấn nên tạo những cơ hội để sớm làm bạn trở lại với họ.

     4.2.6-Nên giữ Cơ Thể Ở Tư thế Thư Giãn: Khi chúng ta lo sợ, cơ thể chúng ta bị đặt trong tình trạng căng thẳng; vì thế, chúng ta nên cố gắng giữ tư thế thư giãn. Thí dụ: chúng ta có thể giữ tư thế thư giãn bằng cách nằm nghỉ ngơi tịnh dưỡng; tốt nhất là đi bách bộ, hay chơi các môn thể thao, hoặc làm những việc gì khác, mà chúng ta nghĩ rằng chúng sẽ giúp ích cho việc thư giãn cơ bắp của chúng ta./. 

  -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.                                         

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn