BỆNH LÝ HỌC TÂY Y : CHƯƠNG 01-Bệnh Lý Dẫn Nhập: Bài 01- CẤU TRÚC CƠ THỂ

25 Tháng Giêng 20223:46 CH(Xem: 4736)

SÁCH HIỂU BỆNH NGỪA BỆNH, Bệnh Lý Học Tây Y
CHƯƠNG 01- Bệnh Lý Dẫn Nhập gồm có tám (8) bài sau đây :
01-Cấu Trúc Cơ Thể. 02-Vi Khuẩn / Bacteria. 03-Siêu Vi Khuẩn / Viruses.
04-Phòng Bệnh Hơn Trị Bệnh. 05-Viêm Sưng / Inflamation. 06-Bốn Dấu Hiệu Quan Trọng.
07-Tính Hồi Phục Sức Khoẻ. 08-Khái Niệm Triệu Chứng./.

Bài 01- CẤU TRÚC CƠ THỂ

    -Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.

      Khi khảo sát về cấu trúc và chức năng cơ thể con người, nhà sinh lý học thường chia cơ thể con người ra nhiều hệ thống sinh lý khác nhau. Mặc dù mỗi hệ thống đều có những chức năng khác biệt, nhưng tất cả đều hoạt động có tính hỗ tương, và tập hợp có chung mục đích để tạo nên sức sống cho cơ thể con người. Trước tiên, cấu trúc của cơ thể đều được bắt nguồn từ các đơn vị cơ bản nhất được gọi là Tế Bào (Cell). Các tế bào cùng loại tập họp lại thành nhóm được gọi là Mô (Tissue). Các mô cùng loại tập họp lại thành nhóm được gọi là Cơ Quan (Organ). Một nhóm cơ quan cùng làm việc với nhau để tạo thành một Hệ Thống (System); và có nhiều hệ thống khác nhau trong cơ thể. Mỗi hệ thống có liên quan đến một chức năng đặc biệt, hoặc một nhóm chức năng tương quan đến những hệ thống khác. Tất cả các hệ thống này có tính hổ tương với nhau, để tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh và sống động của cơ thể con người. Sau đây là các chức năng của mỗi hệ thống:

      1-Hệ Xương Cốt (The Skeletal System) gồm có bộ xương, sụn và các cấu trúc dây chằng để liên kết với chúng. Hệ thống xương nhằm để bảo vệ, hỗ trợ cho các mô mềm, và đóng vai trò một giàn khung để làm điểm tựa cho các cơ bắp.

     2-Hệ Cơ Bắp (The Muscular System) gồm có các bắp thịt, gân, những màng bọc ngoài của các cơ bắp, và các túi chứa dầu trơn (bursae); nhằm để tạo ra những chuyển động của thân thể.

     3-Hệ Tuần Hoàn (The Circulatory System) gồm có tim, các động mạch, tĩnh mạch và mao quản. Hệ thống tuần hoàn chịu trách nhiệm di chuyển các chất dinh dưỡng, chất phế thải, và một số chất đạm đặc biệt (như các kích thích tố), và các tế bào trong cơ thể.

    4-Hệ Hô Hấp (The Respiratory System) liên quan đến việc trao đổi chất khí, và việc tiếp nhận dưỡng khí (oxygen) cần thiết cho tất cả những mô và các tế bào của cơ thể.

     5-Hệ Tiêu Hóa (The Digestive System) liên quan đến hấp thụ biến chế đồ ăn uống ra chất dinh dưỡng, và loại bỏ chất phế thải. 

     6-Hệ Thần Kinh (The Nervous System) gồm có ba hệ thống như sau: -hệ thống thần kinh trung ương (The Central Nervous System) (não bộ và cột tủy sống); -hệ thống thần kinh ngoại vi (The Peripheral Nervous System) (những dây thần kinh bên ngoài não và cột tủy sống); và -hệ thống thần kinh tự trị (The Autonomic Nervous System) (kiểm soát các chức năng tự động nội bộ của cơ thể,  và một phần trùng lặp với cả hai ngoại vi và trung ương  thần kinh hệ). Hệ thống thần kinh thu thập và phân tích những tin tức từ ngoại giới đến các chức năng nội thể, để kiểm soát và phối hợp với các chức năng của cơ thể.

     7-Hệ Nội Tiết (The Endocrine System) sản xuất và dùng các kích thích tố như là sứ giả hóa học tuần hoàn, để kiểm soát và ảnh hưởng đến các chức năng bên trong cơ thể.

  8-Hệ Bạch Huyết (The Lymphatic System) cũng là một hệ thống chuyển vận quan trọng cho cơ thể. Nó có nhiệm vụ chuyển vận các mô lỏng thặng dư đến các tĩnh mạch, và di chuyễn chất béo từ ruột đi vào các dòng máu. Nhiệm vụ quan trọng khác là để bảo vệ cơ thể. Do đó, một số yếu tố của hệ bạch huyết được xem giống như một hệ miễn nhiễm (The Immune System).

    9-Hệ Tiết Niệu (The Urinary System) có nhiệm vụ kiểm soát sự thăng bằng của chất lỏng, chất muối , và sự bài tiết ra ngoài chất phế thải-ni tơ trong cơ thể.

     10-Hệ Sinh Dục (The Reproductive System) liên hệ đến sự sinh sản các thế hệ con cháu tiếp theo, và liên kết trong quá trình phát triển thai nhi với việc phát triển hệ tiết niệu./

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn