YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TINH THẦN

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 45691)

 

YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TINH THẦN

      -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

                                                                                      

      Về sức khỏe tinh thần, có số người luôn luôn lành mạnh, số khác lâm vào tình trạng, đôi khi, lúc khỏe lúc không; và số còn lại hầu hết không bao giờ có sự bình thường. Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao lại có những trường hợp như thế? Những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta? Chúng ta có thể làm được gì để trau dồi sức khỏe nếu có những vấn đề như thế? Và cách nào chúng ta có thể nâng cao những tính chất tích cực mà tinh thần chúng ta đã có?

     Theo các nhà tâm lý, hầu hết những cách thức diễn dịch tinh thần là hậu quả trực tiếp từ những kinh nghiệm sống, và thường là phản ứng học được từ những kích thích của văn hóa, xã hội, và môi sinh. Cũng như, từ những tình cảm bẩm sinh sẵn có, do tính chất huyết thống di truyền, khi con người mới được sinh ra. Nói chung, sức khỏe tinh thần thường là kết quả của sự ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại biên và nội giới sau đây.

1-NHỮNG YẾU TỐ NGOẠI BIÊN:

     Sức khỏe tinh thần của chúng ta được dựa vào cách chúng ta nhận thức những kinh nghiệm sống của chúng ta. Trong khi một số kinh nghiệm dưới sự kiểm soát của chúng ta, và số khác thì không. Những ảnh hưởng ngoại biên là những yếu tố trong đời sống mà chúng ta không thể kiểm soát được. Thí dụ: cha mẹ hoặc những người khác đã nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn, và môi trường vật thể mà trong đó chúng ta sinh trưởng.

     1.1-Gia Đình: Gia đình là nguồn ảnh hưởng căn bản trên sự phát triển tâm lý và tình cảm của chúng ta. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình hạnh phúc, có sự giáo dục lành mạnh; chúng sẽ dễ trở nên những người trưởng thành hữu dụng, và biết thích nghi với cuộc sống.

     Trái lại, những trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình đầy tính chất tệ hại như: những lạm dụng về bạo lực, dâm dục; hành vi tiêu cực, sự nghi ngờ, sự tức giận, nghiện thuốc phiện, cha mẹ bất hòa, . . . ; chúng có thể sẽ có nhiều khó khăn để thích nghi vào cuộc sống tương lai.

     Ngoài ra, không hẳn tất cả những trẻ từ gia đình lành mạnh có giáo dục sẽ trở nên những người hữu dụng, và biết cách thích nghi với cuộc sống về sau; và ngược lại. Vì còn có những yếu tố khác hơn gia đình, trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến con người. Thí dụ như: môi trường sinh sống, và xã hội.

     1.2-Môi Trường Sinh Sống: Trong môi trường sinh sống, những biến cố vật thể tiêu cực có thể gây ra một số thiệt hại đến sức khỏe tinh thần.

     Ngoài ra, những sự việc căng thẳng dai dẳng, tình trạng bất ổn, và những mối đe dọa đều có thể gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến tinh thần. Thí dụ: trong những vùng cư ngụ có nhiều tội ác, bạo hành, buôn bán cần sa ma túy, thất học, . . . ; những đứa trẻ lớn lên trong những nơi này có thể bị ảnh hưởng xấu về mặt tâm lý. Mặt khác, những vấn đề xấu khác cũng có thể xảy ra cho những người tốt.      

     1.3-Những Mối Quan Hệ Xã Hội: Mặc dù chúng ta có được sự ủng hộ tinh thần chính yếu từ gia đình thân tộc, và những thân hữu, nhưng những mối quan hệ thân thiết ngoài xã hội cũng có thể giúp chúng ta, trong những lúc khó khăn nhất.

     Vì qua những người quen thân trong xã hội, chúng ta có thể tiếp chuyện, chia sẻ những quan điểm, và thể hiện những hành vi tốt xấu, mà không bị lo sợ mất lòng nhau. Do đó, những mối quan hệ xã hội có thể thêm phần hữu ích trong việc lành mạnh hóa sức khỏe tinh thần chúng ta.

2-NHỮNG YẾU TỐ NỘI GIỚI:

     Mặc dù những kinh nghiệm sống ảnh hưởng chúng ta trong những cách tương đối rõ ràng, nhưng những yếu tố nội giới cũng đang tác động tế nhị hơn, để khiến chúng ta thể hiện tính chất con người của chúng ta một cách cụ thể hơn.

     Một số những yếu tố này nằm trong cơ thể chúng ta như: những đặc điểm di truyền (hereditary traits), sự thể hiện chức năng của kích thích tố (hormones), tình trạng sức khỏe thể chất (kể cả sự tác động của thần kinh), và những điều kiện sức khỏe tâm thần. Nếu một trong những yếu tố này có vấn đề sai trái, nó sẽ khiến cho sức khỏe tinh thần bị suy sụp.

     Trong những năm trưởng thành, những thành công và thất bại của chúng ta trong những lãnh vực như: trường học, thể thao, thân hữu, tình cảm trai gái, việc làm, và mỗi khía cạnh sống khác, tất cả đều ảnh hưởng tế nhị, để hình thành những nhận thức, và lòng tin về giá trị cá nhân, cũng như khả năng tự giúp chúng ta. Từ đó, những nhận thức và lòng tin này đã luân phiên ảnh hưởng nội tại trong sức khỏe tinh thần của chúng ta. 

     2.1-CÁ TÍNH: Cá tính chúng ta là một sản phẩm pha trộn duy nhất của những đặc tính, mà chúng phân biệt giữa chúng ta và những người khác. Những yếu tố về di truyền, môi trường, văn hóa, và kinh nghiệm sống, tất cả đều ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của chúng ta.

     Đối với mỗi người chúng ta, số lượng ảnh hưởng được sử dụng bởi bất cứ những yếu tố này đều không giống nhau. Cá tính chúng ta xác định cách thức chúng ta phản ứng trước những thử thách của đời. Nó cũng xác định cách thức chúng ta thể hiện lòng tự ái và những cảm giác của chúng ta; cũng như, cách để giải quyết những bất như ý.

     Theo những lý thuyết gia tâm lý, chúng ta có một sức mạnh tâm lý, không chỉ để hiểu biết thái độ của chúng ta, nhưng còn để thay đổi nó một cách linh động hơn. Vì vậy, chúng ta có thể tạo ra những cá tính riêng của chúng ta. Do đó, một hình ảnh hoàn hảo về sự phát triển cá tính, có lẽ, đòi hỏi việc phối hợp những quan điểm khác nhau của tất cả những lý thuyết gia về cá tính con người.

     2.2-LứaTuổi Và Tính Trưởng Thành: Mặc dù những yếu tố quyết định chính xác về cá tính không thể định nghĩa rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu biết chắc rằng những cá tính của chúng ta không cố định.

     Nói cách khác, chúng thay đổi tự nhiên, tùy theo những tiến trình biến đổi của đời sống thân tâm chúng ta. Vì vậy, những tính khí của chúng ta cũng thay đổi khi chúng ta lớn lên. Thí dụ: Những cảm xúc cực độ được thể hiện vào tuổi thanh thiếu niên. Sau đó, hầu hết chúng ta học cách kiểm soát chúng, khi chúng ta tiến đến tuổi thành nhân.

      Ngoài ra, những năm đại học đánh dấu một thời kỳ chuyển tiếp đáng chú ý cho những thanh niên trẻ, khi họ dọn ra khỏi gia đình cha mẹ, để tạo đời sống riêng tư của họ như những người trưởng thành độc lập.

     Đối với hầu hết chúng ta, đây là một bước thay đổi tự nhiên để tiến tới tuổi trưởng thành. Hầu hết với tuổi thanh niên, sự chuyển tiếp đến đời sống độc lập sẽ được dễ hơn, nếu họ sớm học tập những nhiệm vụ của người thành nhân ./.

     -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn