GIẤC NGỦ DƯỠNG THẦN

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 33776)

   GIẤC NGỦ DƯỠNG THẦN

   -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

                                                                                

1-KHÁI NIỆM VỀ GIẤC NGỦ:

       Việc ngủ nghỉ là một trong những yếu tố quan trọng để bảo dưỡng sức khỏe con người. Nếu mất ngủ dài hạn, chúng ta dễ bị tổn thương trong cuộc sống hàng ngày

     Theo thống kê hiện nay, 1/3 dân Mỹ đang bị đau khổ do chứng  mất ngủ; trong số này, nhiều người có thể vượt qua được chứng mất ngủ, vì họ biết thích nghi thay đổi cách sống (lifestyle) hàng ngày của họ. Nếu chứng mất ngủ thường xảy ra, chúng ta nên tham khảo với y sĩ

      Theo nghiên cứu, cơ thể và tâm trí con người cần phải có thời gian để nghỉ ngơi, và hồi phục khí lực sau những sinh hoạt trong ngày. Vì trong lúc ngủ, cơ thể con người đi dưới một chuỗi tiến trình hồi phục, và bảo tồn năng lực. Theo nghiên cứu, có hai loại ngủ: Ngủ với mắt di động (REM sleep: Rapid Eye Movement sleep), và Ngủ với đôi mắt bất động (Non-REM sleep: Non-Rapid Eye Movement sleep). Trong khi ngủ với mắt di động (REM sleep), hoạt động não bộ gia tăng, việc mơ mộng xảy ra, và sự thông tin được tiến hành để tăng cường trí nhớ và sự hiểu biết.

      Trái lại, trong khi ngủ với đôi mắt bất động (Non-REM sleep) gồm có bốn (4) giai tầng: giai tầng 1, 2, và 3 là ngủ nhẹ; trong lúc ngủ nhẹ, chúng ta có thể thức tỉnh một cách tự phát; và giai tầng 4 là ngủ mê say nhất, trong lúc ngủ mê say, chúng ta rất khó thức tỉnh.

    Mỗi Non-REM sleep, và REM sleep kéo dài khoảng 90 phút. Một chu kỳ của một giấc ngủ trung bình được bắt đầu tạo bởi ba phần tư (3/4) Non-REM sleep, và kết thúc bởi một phần tư (1/4) REM sleep.

2-NHU CẦU CẦN THIẾT CHO GIẤC NGỦ:

     Theo sinh lý học, giấc ngủ của con người vận hành theo chu kỳ hàng ngày, do sự điều chỉnh của đồng hồ tự nhiên bên trong cơ thể. Mặc dù người ta có khuynh hướng ngủ nghỉ vào ban đêm, và thức tỉnh trong lúc ban ngày, theo chu kỳ thích nghi với những nhu cầu cá nhân.

      Số lượng thời gian của giấc ngủ cần thiết thay đổi theo lớp tuổi con người, và tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Thí dụ: Trẻ mới sinh ra cần ngủ đến 16 tiếng một ngày; người lớn, hầu hết, cần ngủ trung bình từ 7 đến 8 tiếng một đêm.

     Thông thường, thời lượng cần thiết cho giấc ngủ sẽ bị suy giảm theo đà gia tăng tuổi già của con người. Nhiều người cao niên, ở tuổi 60, chỉ cần 6 tiếng cho giấc ngủ ban đêm, mặc dù họ có thể ngủ thêm ngắn hạn vào lúc ban ngày.

     Hầu hết, người ta có thể chịu đựng vượt qua vài đêm thiếu ngủ, hay thức trắng đêm, mà sức khỏe không bị tổn hại. Ngoài ra, vào lúc con người bị bệnh, hay đang dưỡng bệnh, người ta nhận thấy thời gian ngủ nghỉ cần thiết nhiều hơn lúc sức khỏe bình thường.

3-VIỆC TẠO NÊN GIẤC NGỦ TỐT LÀNH:

      Để có một giấc ngủ tốt lành lúc ban đêm, người ta nên có cách sống khỏe mạnh (healthy lifestyle), và tạo được một thói quen hàng ngày trước khi lên giường ngủ.

      3.1-Cách Sống Khỏe Mạnh (Healthy Lifestyle):

      Cách sống khỏe mạnh bao gồm những việc như: năng tập thể dục, dùng điều độ rượu, cà phê, và tránh hút thuốc lá, là những yếu tố căn bản có thể giúp cho người ta tạo được giấc ngủ tốt lành về đêm.

     Việc năng tập thể dục giúp nâng cao sự bình tĩnh về tâm lý, và khỏe mạnh về thể chất; vì chất kích thích tố Endorphins trong não được gia tăng, và việc tập thể dục giúp loại bỏ sự mệt mỏi của cơ thể.

     Chất Caffeine và Nicotine là những chất có tác dụng kích thích trên hệ thống thần kinh, và có thể chống lại sự buồn ngủ của con người. Do đó, người ta nên tiết giảm dùng cà phê vào buổi chiều và tối.

     Việc từ bỏ hút thuốc lá sẽ mang ích lợi cho giấc ngủ, và tốt cho sức khỏe nói chung.

     Rượu là chất làm giảm đau, chúng ta không nên dùng để giúp cho giấc ngủ, vì giấc ngủ do rượu sẽ không lành mạnh như giấc ngủ bình thường.

      3.2-Thói Quen Trước Khi Đi Ngủ:

      Một thói quen cố định trước khi đi ngủ có thể giúp chúng ta dễ thư giãn hơn, để tiến đến một giấc ngủ bình thường. Thói quen của người ta có thể là việc nghe radio, đọc sách, hay tập vài động tác thư giãn cơ thể trước giờ đi ngủ.

     Ngoài ra, người ta còn có thể ngâm mình trong nước nóng, trong một thời gian ngắn (khoảng từ 15 đến 30 phút) trước khi đi ngủ, hoặc có thể uống một ly sửa nóng trước khi đi ngủ.

     Đặc biệt, người ta nên tránh làm việc trễ vào buổi tối. Hơn nữa, giường ngủ phải được tiện nghi thoải mái, và phòng ngủ nên có thoáng khí dễ chịu, không quá nóng, hay quá lạnh.

4-NHỮNG TRIỆU CHỨNG  MẤT NGỦ:

      Bằng cách nào người ta có thể tự biết được mình thực sự đang bị chứng mất ngủ (insomnia)? Sau đây là một số triệu chứng về sự mất ngủ, mà người ta thường nhận thấy như:

     -Cảm thấy bần thần, không được tươi tỉnh, sau khi thức dậy. -Cảm thấy buồn ngủ trong những lúc làm việc, xem ti-vi, đọc sách, hay  lái xe, . .  -Không thể tập trung tinh thần vào công việc làm, hay việc học. -Có trở ngại trong việc ghi nhớ những sự việc. –Thường bị đãng trí,  quên những gì đang làm. Thí dụ, đang đi trên đường phố, người ta quên không biết mình đang muốn đi đâu. -Thời gian phản ứng của cơ thể bị làm chậm lại, không còn nhanh nhẹn nữa; đặc biệt lúc chơi thể thao hay lái xe. -Cần phải có các giấc ngủ ngắn, hầu như vào mỗi ngày.

     Những triệu chứng này có thể không xuất hiện tất cả cùng một lúc. Mặc dù, người ta có thể chỉ có một hay hai triệu chứng này, nhưng không thể bảo đảm cho rằng do sự mất ngủ gây ra.

     Hầu hết, người ta thường không nhận biết rằng họ có vấn đề mất ngủ, bởi vì chứng bệnh mất ngủ được thành hình một cách chậm chạp, từ từ trong nhiều năm. Cho nên, người ta khó mà nhận diện nó.

5-PHÂN LOẠI CHỨNG MẤT NGỦ:

      Chứng mất ngủ (insomnia) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả những loại mất ngủ. Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng chứng mất ngủ chính nó không phải là sự rối loạn về ngủ, mà là một triệu chứng của một vấn đề khác.

     Tổng quát, chứng mất ngủ được tiêu biểu cho đặc tính của một giấc ngủ không yên, hay giấc ngủ bị gián đoạn, hoặc sự bất lực để bắt đầu đi vào giấc ngủ. Nếu người ta bị thức dậy sớm hơn dự định, hay thức dậy với cảm giác bần thần, không thoải mái; đó cũng là những triệu chứng của chứng mất ngủ.

     Giấc ngủ rất cần thiết cho sự sống khỏe về tâm thần và thể chất của chúng ta. Do đó, việc hiểu biết về những nguyên nhân mất ngủ không thể thiếu được trong việc điều trị thích đáng chứng bệnh này. Có các loại chứng mất ngủ như:

     1-Mất ngủ tạm thời ngắn hạn, do bởi một biến động tạm thời trong cuộc sống.

     2–Mất ngũ kinh niên dài hạn, do bởi hậu quả của nhiều yếu tố phức tạp về tâm-sinh lý, và những chứng bệnh gây cho khó ngủ hay giấc ngủ bị gián đoạn trong nhiều tháng năm.

     3–Mất ngủ vì thiếu rượu do bởi thói quen uống một ít rượu trước khi đi ngủ để tìm cảm giác thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Lâu ngày trở nên bị nghiện rượu và cần uống một lượng nhiều hơn.

     4–Mất ngủ vì môi sinh do những điều kiện nơi sinh sống kích thích khiến bị khó ngủ như thời tiết, sự ồn ào náo nhiệt,…

     5-Mất ngủ vì dị ứng thức phẩm ăn uống.

     6-Mất ngủ từng hồi trong đêm, mặc dù dễ rơi vào giấc ngủ bình thường, nhưng giấc ngủ bị gián đoạn từng hồi trong đêm. Giấc ngủ kéo dài từ 60–90 phút, rồi thức giấc 30 phút, và lần lượt những chu kỳ khác trong suốt đêm. Đa số thức giấc vẫn không biết lý do.

     7–Mất ngủ vì khó bắt đầu đi vào giấc ngủ mong muốn. Tuy nhiên, nằm trên giường khoảng 30 phút hay lâu hơn mới bắt đầu chợp mắt ngủ được.    

 6-NHỮNG RỐI LOẠN THƯỜNG GÂY MẤT NGỦ:

      Ngoài ra, sự mất ngủ còn do bởi một số chứng rối loạn thông thường thuộc về tinh thần và thể chất sau đây:

     1-Sau một chuyến bay dài, mất ngủ vì mệt mỏi, và qua nhiều vùng có múi giờ khác nhau.

     2-Sau giờ giấc thay đổi ca xuất làm việc như từ ngày qua đêm, và ngược lại.

     3-Do rối loạn đường tiêu hóa như: về thực quản, bao tử, ruột do các chứng ợ chua, đau bụng, đau ngực, tiêu chảy,…

     4-Do cảm giác buồn chán như thất vọng, trầm cảm,…

     5-Do ảnh hưởng thay đổi thời tiết.

     6-Hội chứng đôi chân bất an (Restless Legs Syndrome): Đây là một chứng rối loạn thần kinh thuộc vùng tứ chi, nhất là ở đôi chân. Người bị chứng này tay chân bị kích thích di động một cách không tự kiểm soát được. Họ cảm thấy đôi  chân của họ thường không được thoải mái, bất an, và khiến họ không thể ngủ được.

     7-Chứng ngáy & ngừng thở lúc ngủ đêm (Snoring & Sleep Apnea): Chứng này là hậu quả do chu kỳ lập lại việc đóng mở của phần trên khí quản; và khi bệnh nhân hít hơi vào, những thành bên trong khí quản co siết lại, cản trở không khí, do đó, hơi thở bị đình hoãn lâu khoảng 20 giây đồng hồ.

     Chu kỳ này lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt đêm, và gây nên sự mất ngủ cho bệnh nhân. Theo các nhà khoa học, chứng bệnh này do bởi sự mất quân bình nơi phần não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát hơi thở. Hoặc do sự tắc nghẽn của khí quản. Sự tắc nghẽn này có thể do di truyền, hay chất mỡ tích lũy đóng quanh những thành bên trong khí quản.

    8-Chứng mộng du (Somnambulism): Đây là chứng rối loạn trong giấc ngủ, khiến cho bệnh nhân thực hiện một số hành động trong lúc đang ngủ như: nói chuyện một mình, ngồi dậy ra khỏi giường ngủ, và đi tới đi lui, hoặc làm những công việc lặt vặt trong nhà, Khi thức tỉnh, bệnh nhân không còn nhớ rỏ những gì đã làm trong đêm vừa qua. Theo hội y khoa Hoa kỳ, có hơn bốn (4) triệu người Mỹ đang bị chứng bệnh mộng du trong lúc đang ngủ. Chứng mộng du thường gây nên tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân, và người sống chung quanh với họ.

      Nói chung, trong việc bảo vệ sức khỏe, việc ngủ đầy đủ của con người có tầm quan trọng giống như việc ăn uống, và vận động thân thể. Bởi vì, giấc ngủ mang đến nhiều ích lợi cho con người, trong việc nâng cao chức năng tâm thần, phục hồi sự tươi trẻ, và bồi đắp vào những hao mòn hàng ngày của cơ thể./.

     -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn