STRESS: CỐ GẮNG QUÁ SỨC

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 31412)

 

STRESS: CỐ GẮNG QUÁ SỨC

 

 -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

1-KHÁI NIỆM STRESS:

     Theo nghĩa thông thường, Stress là sự cố gắng quá sức lực để đưa đến tình trạng tiêu hao sinh lực của con người, trong đời sống hàng ngày. Về phương diện thể chất và tinh thần, stress là điều kiện của cơ thể phát sinh để đáp ứng với những khó khăn đang xảy ra, hay được dự liệu trong cuộc sống. Do đó, stress còn có thể hiểu như:

     -Những kích thích, hoặc vấn đề gây ảnh hưởng sự quân bình của cơ thể hay tinh thần.  -Những nhu cầu đáp ứng với những điều kiện, hay tình thế khác nhau, trong đời sống hàng ngày. -Những dự liệu về các nhu cầu, tình thế, và mối đe dọa có thể xảy ra trong tương lai.

     Tổng quát, stress có hai đặc tính: -Lạc quan (positive hay eustress) và –Bi quan (negative hay distress).

     Stress bi quan bắt đầu gây nên những lo âu, sợ hãi. Trong khi stress lạc quan mang đến những niềm vui khoan khoái, các dự đoán êm đẹp.

     Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát đúng mức, stress lạc quan có thể nhanh chóng trở nên bi quan, nguy hại cho sức khỏe. Thí dụ, sau thời kỳ kết hôn, hay sau chuyến du lịch, cơ thể bị tiêu hao nhiều sinh lực, vì chịu đựng việc cố gắng quá sức trong niềm vui (stress lạc quan).

     Nếu người ta không kiểm soát mức độ vui chơi, cơ thể sẽ trở nên quá mệt mỏi, kiệt sức, và đưa đến những bệnh chứng phát sinh.

     Do đó, từ stress lạc quan trở nên bi quan. Trong cùng một vấn đề hay một kích thích, tùy theo cách nhận định và phản ứng của mỗi cá nhân khác nhau, hậu quả lạc quan hay bi quan của stress cũng khác nhau. Dù hậu quả như thế nào, stress luôn luôn khiến cho cơ thể tạo nên những phản ứng sinh lý, và tiêu hao sinh lực.

     Theo nhà sinh học Hans Selye, sự ảnh hưởng của stress trên cơ thể con người được gọi là Hội Chứng Thích Nghi Tổng Quát (G.A.S. – The General Adaptation Syndrome) mà cơ thể phản ứng lần lượt qua 3 giai đoạn: 1-Báo động (Alarm), 2-Đề kháng (Resistance), và Kiệt sức (Exhaustion).

2-NGUYÊN NHÂN GÂY RA STRESS:

      Nguyên động lực gây nên stress được gọi là STRESSOR. Đây là những nguồn lực phát sinh từ ngoại giới hoặc nội thể như sau:

     -Sự kiện môi sinh là những nguồn lực từ thiên nhiên, địa lý, và nhân sinh, gây ảnh hưởng đến vùng sinh sống của chúng ta đều tạo nên những stress.

     -Biến chuyển trong cuộc sống là tất cả những việc thay đổi về hoàn cảnh, và giao dịch trong cuộc sống hàng ngày, thuộc về cá nhân, gia đình, việc làm, và tài chánh đều là những động lực đưa đến stress.

     -Biến chuyển sinh lý trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống bình thường của chúng ta như: bệnh tật, sự giới hạn cử động của cơ thể, sự biến đổi tâm-sinh lý tùy từng lứa tuổi như: thiếu niên, thanh niên, trung niên, và cao niên, … đều là động lực tạo nên stress.

     -Thói quen xấu được thể hiện qua hành vi, thái độ trong cách sinh sống hàng ngày đều là nguyên nhân đưa đến stress.    

      Ngoài ra, những người có tinh thần cạnh tranh cao độ, rất khó có được sự thư giãn trong người, và họ có thể gặp nhiều nguy cơ phát sinh những chứng bệnh do stress gây nên. Cũng như những người cố gắng đè nén những cảm giác lo âu, giận dữ, hay chịu đựng trong lúc có những stress đưa đến. Những người nầy có thể bị tổn thương từ những căng thẳng chồng chất gây ra.

3-DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG STRESS:

     “Sống là tranh đấu”, muốn sinh tồn con người cần phải tranh đấu. Vì thế, trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều vấn đề lớn nhỏ khác nhau. Do đó, stress gây ảnh hưởng cho mọi người. Dù muốn hay không muốn chấp nhận nó. Stress vẫn hiện hữu, và đóng một vai trò quan trọng, mà chúng ta phải trả một giá xứng đáng, trong việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân, gia đình, và xã hội. Cho nên, chúng ta cần nhận thức stress qua những dấu hiệu báo động sau đây:

    3.1-Stress Bi Quan: Nếu có hơn 3 dấu hiệu sau đây, chúng ta đang ở tình trạng stress bi quan:

         3.1.1-Dấu Hệu Về Thói Quen: Giấc ngủ bất thường. An uống quá lượng. Uồng nhiều rượu. Gia tăng dùng nhiều loại thuốc. Thường gây nhiều tai nạn nhỏ,…

         3.1.2-Dấu Hiệu Tinh Thần: Cảm thấy không có khả năng làm chậm lại và thư giãn. Dễ tức giận với kích thích nhỏ. Lo âu và căng thẳng tinh thần trong nhiều ngày. Cảm tưởng thường làm việc sai lầm. Không có khả năng để tập trung tư tưởng. Thường có hoặc kéo dài những cảm giác nhàm chán,…

         3.1.3-Dấu Hiệu Thể Chất: Thân thể mệt mỏi. Trở ngại tình dục. Nhức đầu vì căng thẳng. Bàn tay và chân bị lạnh. Đau nhức bắp thịt cổ và vai. Trở ngại tiêu hóa. Buồn nôn và mửa. Không thích ăn. Bị tiêu chảy. Lở loét trên da. Tim hồi hộp và đập mạnh. Bị táo bón. Đau nhức trong người. Bệnh dị ứng hay suyễn bộc phát. Hơi thở ngắn và khó khăn. Cơ thể thường bị ớn lạnh.

   3.2-Stress Lạc Quan: Khi mọi việc tiến hành tốt đẹp, chúng ta không thấy những dấu hiệu báo động của stress xuất hiện. Sau đây là những dấu hiệu lạc quan của stress: -Khả năng hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Đủ khả năng để gánh vác trách nhiệm. Làm việc hiệu quả dưới những áp lực uy quyền, tình thế khó khăn, và những điều kiện giới hạn. Biết nhẩn nại trước mọi thất bại. Thích nghi được mọi thay đổi. Thể hiện được lòng tin cậy với mọi người. Thể hiện tình thân thiện và giúp đỡ những người chung quanh. Có tinh thần độc lập và tự tin. Dẽ dàng thích nghi với các điều kiện thư giãn và ngủ nghỉ.

4-VIỆC TỐI THIỂU HÓA NHỮNG TỔN HẠI DO STRESS GÂY RA: Để tối thiểu hóa những tổn hại do stress gây ra, chúng ta nên quan tâm đến những việc như: -Bảo tồn sức khỏe.–Nhận diện nguyên nhân stress. –Tiên liệu vấn đề sẽ xảy ra.–Từ stress đưa đến khủng hoảng:

     4.1-Việc Bảo Tồn Sức Khỏe: Chúng ta nên cố gắng trau dồi sức khỏe tâm thần và đời sống khỏe, bằng việc giữ gìn tốt đẹp những mối liên hệ với những người trong gia đình, bảo tồn tình thân hữu với những người bạn.

     Cũng như, chúng ta nên có những sinh hoạt vui chơi lành mạnh, trong lúc nhàn rỗi để thêm phần thú vị, và tránh được những mối buồn phiền và stress do sự nhàm chán gây ra, trong lúc trống không của việc ăn không ngồi rồi.

     Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên có thể giúp làm nhẹ được trạng thái căng thẳng của thể chất. Tuy nhiên, chúng ta không quên tìm hiểu để thực hành những bài học tập để làm thư giãn cơ thể một cách có ý thức.

        4.2-Nhận Diện Nguyên Nhân Stress: Một cách hữu dụng để nhận diện những nguồn gốc của Stress là nên giữ một sổ nhật ký, ghi nhận hàng ngày những vấn đề xảy ra, và cách thức phản ứng đối với chúng như thế nào. Sau vài tuần lễ, nên đọc ôn lại nhật ký, và nhận định xem những vấn đề nào đã làm cho chúng ta bị Stress.

     Sau đó, chúng ta nên ghi nhận những Stress nào đã làm cho chúng ta phản ứng tốt hơn, hay tệ hại hơn; và cố gắng nhận định những sinh hoạt nào đã làm giảm thiểu mức độ Stress của chúng ta.

        4.3-Việc Tiên Liệu Những Vấn Đề Sẽ Xảy Ra:

     Nếu chúng ta biết trước rằng chúng ta sớm muộn phải đối diện với những vấn đề Stress; chúng ta nên chuẩn bị kỷ lưỡng cách thức, mà chúng ta cảm nhận có một cơ hội tốt để giải quyết Stress một cách thành công.

     Nếu vấn đề Stress dường như quá lớn để đối diện trong một lúc, chúng ta nên chia vấn đề Stress nầy ra thành nhiều phần nhỏ hơn, để giải quyết làm nhiều lần, thì dễ dàng hơn.

     Nếu chúng ta có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong một thời gian ngắn giới hạn, chúng ta nên liệt kê những vấn đề nầy, theo thứ tự quan trọng và khẩn cấp nhất, và giải quyết chúng theo thứ tự ưu tiên có tính chất quan trọng và khẩn cấp trước nhất.

     Việc giới hạn những vấn đề không quan trọng và kém khẩn cấp, nhằm để bảo tồn thời gian và sức lực của chúng ta. Nếu có một người nào đó thường đòi hỏi trên chúng ta những nhu cầu nặng nhọc, chúng ta nên cố gắng đặt ra những giới hạn đối với họ; như thế chúng ta có thể tránh được những Stress quá đáng.

        4.4-Từ Stress Đến Sự Khủng hoảng: Stress là một phản ứng bình thường đối với sự khủng hoảng. Trong hầu hết những trường hợp, Stress không cần thiết là một nguyên nhân liên hệ đến sự khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu Stress dẫn đến những triệu chứng không thể kiểm soát được, chính nó có thể trở nên một tình trạng khủng hoảng.

     Trong trường hợp nầy, chúng ta nên nhờ đến sự giúp đỡ của những người trong gia đình và bạn hữu. Hơn nữa, nên thăm y sĩ để được giúp đỡ điều trị những triệu chứng nầy, hoặc tham khảo với những y sĩ điều trị tâm lý nếu thấy cần thiết./.

   -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

 

          

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

-          .                             

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn