SỨC KHỎE: NHẬN THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 53011)

  SỨC KHỎE: Nhận Thức & Trách Nhiệm

   -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.
    -Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ,
    Soạn Giả Sách  " SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC,
                                 Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
   
(xuất bản 02/2009, & tái bản 08/2010)  
                                                              


     
       Danh từ “Sức Khỏe” có ý nghĩa trừu tượng và rộng rãi. Cho nên, sức khỏe đã có nhiều định nghĩa khác nhau. Thông thường, người ta cho rằng sức khỏe là tình trạng vắng bóng của bệnh tật. Để thay vào đó một định nghĩa bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau về sức khỏe, vào 1946, Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới “The World Health Organization” đã định nghĩa: “Sức khỏe không chỉ là tình trạng vắng bóng của bệnh chứng hay tàn tật, mà còn là tình trạng hạnh phúc  về thể chất, tinh thần và xã hội.”


       Ngoài ra, một định nghĩa khác, có tính chất thực tế hơn về sức khỏe, được đưa ra bởi The Joint Committee on Health Problems in Education of the U.S. National Educational Association and the American Medical Association: “Sức Khỏe là điều kiện giúp cá nhân có khả năng huy động tất cả tiềm lực thuộc về trí tuệ, cảm xúc, và thể chất, để tạo cho đời sống của họ được nhiều thuận lợi nhất.”. Định nghĩa này rất hữu ích, và thích hợp nhất cho đại đa số cá nhân, dù thể chất và tâm thần của họ ở bất cứ tình trạng nào; ngay như bị khuyết tật.


       Đối với con người, sức khỏe tốt là tình trạng lạc quan của cơ thể và tâm hồn. Tất cả mọi người đều mong muốn có được sức khỏe tốt. Khi sức khỏe trở nên yếu kém, người ta có thể tìm ra nguyên nhân để điều trị, và phục hồi sức khỏe trở lại bình thường. Việc bảo vệ sức khỏe chính là vấn đề hiểu biết những nguyên nhân, và những vấn đề gây ra bệnh tật. Từ đó, người ta có thể dùng những bước tiến thích nghi, để ngăn chận bệnh chứng.

       Hơn nữa, sự tiến bộ kỹ thuật y khoa đã được ứng dụng vào việc chẩn đoán bệnh, và tạo tính miễn nhiễm, đã giúp con người phòng chống lại một số lớn bệnh tật.  Ngoài ra, việc ý thức về cách sống khỏe hợp vệ sinh cũng đóng một vai trò thiết yếu, trong đời sống lạc quan của con người. Cho nên, trong phạm vi đời sống cá nhân, mỗi người chúng ta cần phải ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho chính riêng mình. Hơn nữa, trong lãnh vực cộng đồng xã hội, chính quyền y tế và những cấp lãnh đạo cộng đồng cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi sinh, và sức khỏe cho những thành viên trong cộng đồng.

1-YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỨC KHỎE:
      Sức khỏe, phần lớn, tùy thuộc vào những vấn đề, mà chúng ta không thể kiểm soát được như: huyết thống di truyền, môi sinh, thói quen sinh sống, tuổi già, nghề nghiệp, phái tính, và chủng tộc, . . .

      Trước tiên, sức khỏe một phần được quyết định bởi tính di truyền từ dòng tộc. Số phận chúng ta có dễ bị phát sinh ra nhiều bệnh tật hay không? Một phần còn tùy thuộc vào lúc chúng ta mới bắt đầu thành thai nhi trong bụng mẹ; do sự thừa hưởng những tế bào căn nguyên, từ sự phối hợp tinh trùng và trứng giữa cha mẹ. Nếu được thừa hưởng những tế bào căn nguyên yếu kém, và có tính chất gây nên chứng bệnh u sơ, chúng ta có thể sẽ không tránh khỏi sự phát sinh chứng bệnh nầy, trong cuộc đời còn lại.

      Tuy nhiên, những người có nguồn gốc bệnh di truyền, việc có hay không có sự phát sinh những chứng bệnh nầy, còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác; phần lớn là do thói quen sinh sống của họ.Thí dụ về các thói quen: ăn uống, thể dục, hút thuốc lá, và uống rượu, là những yếu tố quan trọng khác, để quyết định sức khỏe.


      Theo nghiên cứu, thói quen sống khỏe, cùng với những thử nghiệm truy tầm bệnh (Screening tests) thích đáng có thể giúp tiết chế sự ảnh hưởng nhạy cảm, phát sinh bệnh di truyền trong tương lai. Môi sinh cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, và tính nhạy cảm phát sinh những bệnh chứng của người ta. Thí dụ, việc phơi nắng quá độ sẽ gia tăng nguy hiểm về ung thư da. Việc sống tại những vùng cao độ (như: đồi núi, cao nguyên), với bầu không khí rất loãng, có thể đưa đến những vấn đề xấu cho sức khỏe. Nhất là các chứng bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, tại các đô thị, dân chúng phải chịu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm cao độ, và hệ thống hô hấp có thể bị thương tổn, để sinh ra các bệnh chứng phổi và bệnh suyễn (asthma).

       Ngoài ra, thói quen sinh sống cũng đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Hầu hết, những thói quen sinh sống như: việc chọn lựa thực phẩm, vận động thân thể, giờ giấc ăn ngủ, . . .thường được hình thành từ trong gia đình khi còn thơ ấu. Thí dụ: việc tập cho con trẻ có thói quen sống mẫu mực, ngay từ lúc mới sinh. Do đó, cha mẹ đã chuẩn bị cho chúng những thói quen sống hữu ích, để thích nghi trong đời sống khỏe khi chúng trưởng thành, và việc lưu giữ những thói quen nầy được dễ dàng hơn, trong cuộc đời còn lại của chúng. Trái lại, một số cha mẹ gặp cảnh khó khăn không thể tạo điều kiện sống khỏe cho con trẻ. Thí dụ, họ không có đủ tài chánh để tạo điều kiện tốt trong việc ăn uống và nhà ở cho con họ.

      Tuy nhiên, để trau dồi sức khỏe, việc cần thiết là biết sửa sai những thói quen không thích đáng trong đời sống. Thí dụ, việc quan sát kỷ lưỡng những thái độ thường lệ nơi chúng ta, để nhận diện, và loại bỏ những hành vi bất xứng, có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, những thay đổi có tính chất dài hạn cũng cần được quan tâm đến. Thí dụ như: việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá, gia tăng thời gian tập thể dục, hay tập thói quen ăn uống thực phẩm lành mạnh hơn. Tất cả có thể là việc khó khăn để thực hiện và duy trì. Nhất là có những áp lực của hoàn cảnh xã hội. Nếu thế, việc cần thiết là nhờ đến sự trợ giúp của gia đình, thân hữu, và các chuyên viên sức khỏe.

      Ngoài ra, còn có những yếu tố quyết định khác ảnh hưởng đến sức khỏe như: tuổi thọ, phái tính, chủng tộc, và nghề nghiệp. Thí dụ, chứng nguy hiểm về bệnh đau tim thường gia tăng với tuổi già, và dễ xảy ra hơn với phái nam, người Á Châu, và những người có việc làm ngồi một chỗ, ít di chuyển. Nếu nghề nghiệp có tính chất nguy hiểm, thí dụ như việc xây cất, việc làm phải tiếp xúc thường xuyên với các chất hóa học, . .  . Do đó, tính thận trọng. đề phòng tai nạn trong lúc làm việc, là yếu tố thiết yếu nhất, để bảo vệ sức khỏe của công nhân.

2-VIỆC KHÁM  SỨC KHỎE (Checkups):
      Để tìm hiểu tính chất căn nguyên di truyền, và kịp thời chữa trị bệnh chứng, chúng ta cần biết càng nhiều càng tốt, về những điều kiện sức khỏe hiện hữu trong gia tộc chúng ta. Có thể có một vài loại bệnh di truyền nào đó. Đặc biệt là bệnh ung thư, hay bệnh tim có thể đã xảy ra trong số những người thân tộc dưới tuổi 50. Do đó, chúng ta nên phác họa một sơ đồ sức khỏe gia tộc (theo chiều dọc và ngang), về những bệnh tật hiện hữu của những người thân.

      Sau đó, chúng ta nên sắp xếp với y sĩ, để kiểm tra toàn bộ sức khỏe (general checkups) của chúng ta. Trước tiên, y sĩ sẽ kiểm tra tổng quát về tình trạng sức khỏe hiện hữu, và có những lời khuyên để thay đổi thói quen sinh sống như: nên tiết giảm những thực phẩm có chất béo cao độ, hay thường xuyên tập thể dục, . . .Như thế có thể giúp giảm thiểu mối nguy hiểm phát sinh những bệnh chứng di truyền nơi chúng ta. Ngoài ra, y sĩ còn có thể giúp chúng ta trong những thử nghiệm truy tầm bệnh chứng (Screening tests) và có thể sớm khám phá ra những bệnh mới phát sinh, để kịp thời điều trị, và ngăn chận sự phát triển của bệnh.


      Việc khám sức khỏe (Checkups) thường xuyên, và định kỳ giúp chúng ta giám sát những thay đổi trong sức khỏe, và tránh được những biến chứng từ những căn bệnh hiện có.Vào những thời điểm nhất định của cuộc đời, đặc biệt vào tuổi cao niên, chúng ta cũng nên có những thử nghiệm truy tầm bệnh chứng (Screening tests), để sớm khám phá ra những dấu hiệu mới của bệnh nếu có, như các chứng ung thư đường ruột, hay ngực, . . .

3-TRÁCH NHIỆM  CÁ NHÂN:

     Trong phạm vi đời sống cá nhân, mỗi người chúng ta cần phải ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho chính riêng mình. Nếu muốn có một tình trạng sức khỏe tốt lành mỗi cá nhân nên tự tạo cho mình một mẫu mực sống khỏe có thể áp dụng được. Để đạt mục tiêu như thế, sau đây là vài hướng dẫn căn bản đáng được lưu tâm: Để phòng bệnh, hàng năm, mỗi cá nhân nên có những định kỳ để y sĩ khám sức khỏe tổng quát, và nha sĩ khám răng; mặc dù sức khỏe trong người vẫn cảm thấy bình thường. Việc khám thường xuyên còn tùy thuộc vào tuổi thọ, và điều kiện sức khỏe của mỗi cá nhân.

     Ngoài ra, chúng ta nên thường lắng nghe những nhịp điệu hòa hợp bên trong cơ thể, bằng cách chính chúng ta làm quen với những dấu hiệu báo động của cơ thể, qua những triệu chứng bệnh sơ khởi. Khi phát hiện sự nhiễm bệnh, chúng ta nên tìm cách điều trị lập tức, không được trì hoãn. Trong lúc điều trị, chúng ta nên tuân hành sự chỉ dẫn của y sĩ điều trị. Hơn nữa, việc có đủ thời gian để nghỉ ngơi tịnh dưỡng cũng được xem trọng.

      Trong việc ăn uống, những thực phẩm cần phải có đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhất là phải có một cân bằng thích đáng về các chất đạm (proteins), chất đường (carbohydrates), và chất béo (fats). Ngoài ra, thực phẩm còn giúp cho cơ thể có thêm năng lượng, sinh tố (vitamins), và chất khoáng (minerals).

      Hơn nữa, để có sự cân đối của thân thể, chúng ta nên giữ một sức nặng tương xứng với kích thước hình dáng của chính mình. Nếu cần thay đổi sức nặng cơ thể, chúng ta nên tham khảo với y sĩ, hoặc chuyên viên dinh dưỡng, để có một chương trình dinh dưỡng hàng ngày. Đồng thời, việc tập thể dục thường xuyên rất được khuyến khích. Bởi vì, thể dục, ngoài việc tạo sự cân đối cơ thể, còn giúp phát triển tốt cho các hệ thống như: cơ bắp, gân, xương, tuần hoàn máu, hô hấp dưỡng khí, . . .

     Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có đủ thời gian để ngủ nghỉ. Mỗi cá nhân có nhu cầu thời gian ngủ nghỉ khác nhau. Thông thường, đối với người lớn, thời gian cho giấc ngủ trung bình mỗi đêm vào khoảng bảy (7) đến tám (8) tiếng đồng hồ.
 

     Để bảo đảm an toàn, chúng ta nên tránh những nơi, hay việc có thể gây thương tổn cá nhân, và luôn tôn trọng nguyên tắc bảo vệ an toàn cá nhân. Hơn nữa, chúng ta nên học tập những gì cần phải làm, khi có trường hợp cấp cứu xảy ra. Vì sự quan tâm cẩn thận và thời gian cấp bách trong tình thế cấp cứu vô cùng quan trọng, cho việc cứu chữa mạng sống con người, và phòng ngừa những tổn thương trầm trọng có thể xảy ra.

     Về tinh thần, chúng ta nên phát triển một quan niệm lạc quan, và có cái nhìn tích cực về đời sống. Thí dụ như: -xây dựng nghề nghiệp, để có thể thành đạt được trong khả năng của chúng ta; -tạo những mối liên hệ đầy ý nghĩa với những người khác; -dùng thời gian để góp phần vào những hoạt động văn hóa, xã hội, và giải trí. Tất cả những sự việc nầy đều quan trọng cho hầu hết mọi người, trong việc mưu cầu hạnh phúc, và sức khỏe tốt cho thể chất lẫn tâm thần.

    Ngoài ra, chúng ta cần phải học tập cách thức để đối phó với những căng thẳng tinh thần (tensions), và cố gắng quá sức (stress), trong đời sống hàng ngày. Nếu có những vấn đề khó khăn, ngoài khả năng, chúng ta có thể nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân hay chuyên viên.


     Đặc biệt đối với một số thói quen thông thường, chúng ta nên lưu ý đến như: -Nên tránh việc tự dùng thuốc trị bệnh, khi dùng thuốc nên tham khảo với y sĩ điều trị; -Nên chấm dứt việc hút thuốc lá, theo nghiên cứu việc hút thuốc lá rất nguy hiểm, làm tổn hại sức khỏe con người; -Nếu có dùng rượu, nên dùng điều độ với lượng nhỏ; khi phát hiện bị nghiện rượu, lập tức nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên viên điều trị.

4-TRÁCH NHIỆM CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG:
     Trong phạm vi cộng đồng địa phương, cấp vùng, và quốc gia, chính quyền y tế, và những cấp lãnh đạo cộng đồng cần phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn môi sinh, và sức khỏe cho những thành viên trong cộng đồng. Đặc biệt nhất là những vùng đông đảo dân cư, và trong những vùng người dân có đời sống thấp kém.

     Ở vùng nông thôn, người dân hưởng được không khí trong lành. Trái lại, cư dân thành thị sống trong bầu không khí ô nhiễm, bởi những làn khói đen của các nhà máy kỹ nghệ, và xe hơi di chuyển ồn ào náo nhiệt. Trong tình trạng như thế, cộng đồng phải có trách nhiệm về tệ nạn nầy. Cộng đồng nên có những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

     Trong đời sống thành thị, chính quyền địa phương, và cộng đồng cần phải gánh lấy trách nhiệm về việc cung cấp nước. Bởi vì, nguồn cung cấp nước đôi khi được mang vào thành phố từ những khoảng cách xa xôi ngàn dặm. Chính quyền địa phương, và cộng đồng còn phải cung cấp hiệu quả trong việc tập trung và mang bỏ những vật dư thừa rác bẩn. Hơn nữa, những tiện nghi về nhà ở còn phải được cung cấp đầy đủ bởi chính quyền.

     Ngoài ra, chính quyền địa phương, và cộng đồng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những dịch vụ khác, thí du; thực phẩm và sửa. Việc tích cực kiểm tra tính chất vệ sinh đối với những thực phẩm cần phải được xem trọng. Cộng đồng cần có đủ số cảnh sát viên để bảo đảm an ninh cho những thành viên trong cộng đồng. Luật lệ lưu thông phải được thi hành, và kỹ nghệ phải được kiểm tra để nhân công làm việc trong điều kiện an toàn, không bị nguy hiểm do các hóa chất kỹ nghệ gây ra.

      Cộng đồng cũng phải cung cấp bệnh viện và dưỡng đường. Việc chăm sóc sức khỏe tại gia và những đơn vị xe cứu thương rất cần thiết cho cư dân trong cộng đồng. Hơn nữa, nhiệm vụ quan trọng nhất của cộng đồng là việc cung cấp giáo dục sức khỏe cho dân chúng. Nhiều cộng đồng có tổ chức những đơn vị xe di động đến viếng thăm những trường học, và những khu xóm cư dân, để giáo dục sức khỏe, thông tin, lưu ý những dấu hiệu bệnh chứng thông thường, và cung cấp những dịch vụ chích ngừa miễn phí cho dân chúng. Những chương trình tiêm chủng phòng bệnh cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, và cộng đồng.

     Hiện nay, những việc tiêm chủng được thực hiện, để chống lại những bệnh chứng đã có lần gây tử vong, hay tàn phế cho nhiều người. Hơn nữa, trong nhiều quốc gia, việc bắt buộc chủng ngừa một số bệnh đặc biệt cho trẻ em phải có trước khi nhập học, và cho những du khách khi đến thăm những vùng mà có những bệnh chứng xuất hiện tại địa phương.
Ngoài ra, để có thêm tin tức về sức khỏe cộng đồng, người ta có thể liên lạc với những tổ chức sức khỏe thuộc về quốc gia, cấp vùng, và địa phương ./.

         -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn