YẾU TỐ DƯỠNG SINH CĂN BẢN

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 32112)

 

 

YẾU TỐ  DƯỠNG SINH  CĂN BẢN

 

   -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

  -Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ,

  Soạn Giả Sách  " SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC,

                                Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "

(xuất bản 02/2009, & tái bản 08/2010)

 

          Ngày nay, cuộc sống con người quá phức tạp, nhiều đổi thay, đến nỗi khuynh hướng xây dựng sức khỏe thân tâm, đạo đức phải tùy thuộc vào tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội,... Để rồi, việc bảo tồn sức khỏe phần lớn trở nên thứ yếu. Đa số người ta cho rằng sức khỏe tốt của con người được thể hiện qua năng lực thể chất, do một sức mạnh tiềm tàng giúp họ có được một khả năng làm việc năng động, dẻo dai, và không bị mệt mỏi.

       Theo khoa cơ thể học tây phương, sự trẻ trung hay già yếu của con người, phần lớn, tùy thuộc vào điều kiện của hệ thống tuần hoàn máu trong cơ thể. Ngoài ra,  phép dưỡng sinh đông phương quan niệm rằng con người là tiểu vũ trụ, chịu ảnh hưởng vào đại vũ trụ thiên nhiên. Vì thế, để có một sức khỏe tốt, con người phải biết cách sống hòa điệu với tạo hóa, phù hợp với luật vận hành thiên nhiên.

       Thiên nhiên đã có từ lâu. Thiên nhiên là bầu trời, trái đất, khí hậu, thời tiết, sinh vật muôn loài, những vật chất thuộc ngũ hành:kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tất cả những tài nguyên, công trình sáng tạo của nhân loại đều đến từ thiên nhiên. Thiên nhiên luôn có những phương thuốc bổ ích, cứu chữa lành bệnh cho con người nói riêng, và cho các loài sinh vật nói chung.

       Sau đây là bảy yếu tố dưỡng sinh căn bản rất cần thiết cho sức khỏe con người : 1-Không khí trong lành, 2-Nước sạch tinh khiết, 3-Thức ăn tươi tốt, 4-Ánh nắng mặt trời, 5-Vận động thân thể, 6-Nghỉ ngơi tịnh dưỡng, và 7-Sức khỏe tâm trí. Nói một cách khác, bảy yếu tố căn bản nêu trên là những phương thuốc thiên nhiên giúp cho cơ thể con người có một sức đề kháng phòng bệnh, trong thế giới đầy ô nhiễm.

1-KHÔNG KHÍ TRONG LÀNH :

      Không khí được cấu tạo bởi các thành phần: 21% Dưỡng khí (Oxygen), 1% Nọa khí (Argon), Neon, Xeon, Krypton, và 78% khí Nitrogen, ngoài ra, còn có bụi, hơi nước, khói, vi trùng, Nitric Acid, Sulfuric Acid,... Không khí được hít vào trong phổi, phần Dưỡng khí (Oxygen) được chất Huyết Đạm (Hemoglobin) của Hồng Huyết Cầu (Erythrocytes) trong máu tiếp nhận, để đưa đi nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể.

     Trong cơ thể, Dưỡng khí phá vỡ những chất không cần thiết, và loại bỏ những chất cặn bã. Nhiệt lượng trong cơ thể có được cũng nhờ Dưỡng khí sinh ra. Nhiệt lượng đốt cháy và biến những thức ăn thành chất bổ dưỡng để cung cấp cho các tế bào. Do đó, không có Dưỡng khí, cơ thể không thể tăng trưởng được.

     Hiện nay, nhiều thành phố đầy khói ô nhiễm là mối đe dọa lớn cho sức khỏe chúng ta, vì thiếu không khí trong lành. Thán khí (Carbon Dioxide) là khí dơ bẩn, được loại bỏ ra ngoài cơ thể bằng đường hô hấp, để hòa tan vào trong không khí. Sau đó, Thán khí được hữu dụng hóa bởi sự sống thực vật. Để rồi, thực vật lại bài tiết dưỡng khí ra ngoài không khí. Do đó, không khí giữ được thể trong lành. Cho nên, những khu vực có nhiều cây cỏ, lá xanh, chính là nơi sống rất tốt cho chúng ta, để hít thở không khí trong lành.

     Ngoài ra, sự thay đổi khí hậu, phong cảnh từ vùng thung lũng đến các vùng đồi núi, trong lúc đi du lịch, thường là một phương thuốc tốt, giúp cho một số bệnh nhân được lành mạnh, vì nhận được không khí trong lành nơi cao độ. Sức sống cơ thể được cung cấp bởi 60% năng lượng từ không khí qua hơi thở, và 40% năng lượng từ thức ăn được tiêu hóa. Do đó, chúng ta cần phải hít thở không khí trong lành, vì cơ thể cần dưỡng khí để sống.  

 2-NƯỚC SẠCH  TINH  KHIẾT :

     Nước là một chất chính yếu thuộc các dung dịch ở trong cơ thể như : máu, bạch huyết, nước cường toan, chất nhờn giữa khớp xương, nước tiểu, mồ hôi,... Tổng số nước chứa trong cơ thể chiếm khoảng 60% sức nặng cơ thể.  Người càng ở tuổi già, số lượng nước trong cơ thể thường bị giảm.

     Trong một cơ thể khỏe mạnh, số lượng nước được mang vào cơ thể phải tương xứng bằng với số lượng nước được bài tiết ra ngoài, trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Số lượng nước được mang vào cơ thể, phần lớn, do sự khát nước, khiến ta phải uống nước. Cũng như, nước có chứa trong các thực phẩm chúng ta ăn như : rau cải, trái cây, có chứa đến 90% nước. Cá thịt chứa từ 60 - 75% nước. Các thực phẩm khô có khoảng 20% nước.

     Do đó, nếu cơ thể bị thiếu nhiều nước, người ta sẽ bị khô héo, trở nên bị ép xác. Theo Bác sĩ Flaks: “-Một người khỏe mạnh bình thường, trung bình, cần phải uống tám ly nước lọc hàng ngày, để đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể”(1ly = 8 fl oz X 8 ly = 64 fl oz =1/2 galon = 1.89 lít nước ). Nước trong cơ thể có ba nhiệm vụ căn bản như sau:

     -Chuyển Vận : Nước là một dung môi làm mềm các thực phẩm, và giúp thực phẩm di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa. Trong máu có độ 90% nước, dùng để vận chuyển các chất bổ dưỡng đến các tế bào sống. Trong tiến trình bài tiết, qua phổi, da và thận, nước vận chuyển các chất cặn bã, chất độc, từ các tế bào chết để loại bỏ ra ngoài cơ thể.

     -Điều Hòa Thân Nhiệt: Thân nhiệt chúng ta được điều hòa trung bình ở 98.6 độ F., nhờ vào sự tự điều nhiệt của nước trong máu, và hiệu quả dịu mát của mồ hôi qua sự bài tiết của da.

     -Cử  Động: Các khớp xương cử động được dễ dàng là nhờ có chất nước nhờn trong đó. Hai buồng phổi nhờ có nước trong các màng phổi mà tạo nên những cử động phồng lên, xẹp xuống, trong lúc chúng ta hít thở không khí.

3-THỨC ĂN TƯƠI TỐT :

     Thông thường, thức ăn ở vào thể lỏng hoặc thể cứng, gồm có sáu chất căn bản, thuộc vào hai loại hữu cơ và vô cơ : -Hữu Cơ (Organic) như các chất Đường (Carbohydrate), Đạm (Protein), Béo (Fat), và Sinh tố (Vitamin).-Vô Cơ (Inorganic) như các chất Nước (Water), Khoáng (Mineral) gồm có Calcium, Phosphore, Sulfur, Chlorine, Sodium, Potassium, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm, . . . Khi được đưa vào cơ thể, những thức ăn được tạo thành một hỗn hợp hóa chất, để hoàn thành ba nhiệm vụ căn bản sau đây:

     31-Cung cấp năng lượng (calories) để làm việc hàng ngày. Đa số, do chất Đường, Đạm, Béo tạo ra năng lượng.

      32-Cấu tạo và duy trì những tế bào kiến trúc thể tạng trong cơ thể.

     33-Điều hòa các hoạt động và sự biến năng trong đời sống các tế bào. Hai nhiệm vụ sau được hoàn thành bởi các khoáng chất, sinh tố, và nước.

     Thức ăn là phương thuốc thiên nhiên của cơ thể. Các Sinh tố (vitamin), chất Đường Sucrose, và Khoáng chất (Minerals) được tìm thấy nhiều ở trong thực vật, rau cải, và trái cây. Rau cải chứa nhiều Khoáng chất hơn trái cây. Trái cây chứa nhiều Sinh tố và chất Đường Sucrose hơn rau cải. Chất Đạm và chất Béo phần lớn có từ thịt của  động vật (heo, bò, gà, vịt) và hải sản (cá, cua, tôm, tép).

     Để nuôi dưỡng các tế bào, cơ thể cần có những thức ăn tươi tốt. Mỗi tế bào có những sinh hoạt riêng biệt. Chúng cần có những khoáng chất khác nhau, để hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau. Tế bào gan không làm công việc như các tế bào ở các tuyến, hạch. Tế bào xương không cùng nhiệm vụ như tế bào máu.

     Mỗi phần trong cơ thể được nuôi dưỡng tùy theo số lượng khoáng chất và sinh tố được dành riêng cho những mô (tổ chức) khác nhau. Cơ thể có được khỏe mạnh hay bệnh tật, một phần lớn, đều do bởi những thức ăn uống hàng ngày. Theo Bác sĩ Henry Bieler : “-Trong thực phẩm, có thứ gây nên bệnh tật, nhưng cũng có loại dùng như phương thuốc trị lành bệnh.”

    Cơ thể con người là một thể chất hóa học, luôn luôn biến chuyển. Mỗi giây đồng hồ, những tế bào củ phải chịu đào thải, để nhường chỗ cho những tế bào mới vừa được thành hình. Những tế bào mới nầy được sáng tạo bởi những chất hóa học rút từ các thức ăn. Cho nên, chúng ta cần phải thận trọng trong phép ăn uống, để cung cấp đầy đủ các chất bổ dưỡng cho cơ thể. Do đó, thức ăn tươi tốt là nguồn dinh dưỡng góp phần vào việc tạo sức khỏe lành mạnh cho con người.

4-ÁNH NẮNG MẶT TRỜI :

     Ánh nắng mặt trời cung cấp sức nóng cần thiết cho trái đất. Dưới ảnh hưởng của sức nóng và ánh sáng mặt trời, thế giới thực vật phát sinh điện năng. Sự gia tăng điện năng nầy làm tăng trưởng nhanh các loài động vật và thực vật. Đối với cơ thể con người, nếu không có đủ số lượng ánh sáng cần thiết, lượng dưỡng khí trong cơ thể sẽ bị suy giảm. Trái lại, lượng thán khí gia tăng.

     Ánh sáng có nhiệm vụ giúp cho máu tạo ra chất Alkaline bằng cách loại trừ thán khí. Ánh sáng và sức nóng mặt trời còn giúp gia tăng số lượng điện năng trong các bắp thịt, và gây nên phản ứng hóa học tích cực, để điều hòa nhiệm vụ dinh dưỡng trong cơ thể con người. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời còn mang đến chất bổ xương (calcium) cần thiết cho cơ thể. Chúng ta có những thức ăn tươi tốt, nhưng thiếu ánh nắng mặt trời, sức khỏe sẽ bị khiếm khuyết.

5-VẬN ĐỘNG THÂN THỂ :

      Sự vận động thân thể là việc rất cần thiết cho sức khỏe con người. Những phương pháp vận động thể dục và các môn chơi thể thao đều có mục đích phát triển tính dẻo dai của bắp thịt, làm giảm nhẹ hoặc tiêu trừ tính căng thẳng thần kinh, sau những giờ nhọc nhằn tâm trí. Hơn nửa, sự vận động thân thể còn có nhiều ích lợi, làm gia tăng sự vững mạnh của bộ xương. giúp điều hòa nhiệm vụ của các bộ phận trong cơ thể như : tim, phổi, gan, thận, ruột, bao tử, tuyến hạch bài tiết, . . 

      Tổ tiên chúng ta, trước kia, sống nhiều ở miền quê, sông núi, đầy không khí trong lành, với công việc đồng áng năng động. Hiện nay, chúng ta sống tập trung nhiều vào thành phố, điều kiện sống thiếu sức khỏe, với việc làm phần lớn bị giới hạn trong nhà, cửa tiệm, văn phòng, và hãng xưởng. Những nghề nghiệp của chúng ta, phần lớn, ngồi làm việc một chỗ, thân thể bị gò bó, tâm trí nặng nề lo âu tranh sống, trong cảnh chật vật, náo nhiệt của thị thành.

     Đời sống tiện nghi, máy móc tự động đã thay thế phần lớn sức lao động của con người, và khiến con người trở nên thụ động, chỉnh mãn đánh mất sự vận động tự nhiên trong công việc hàng ngày, một tính chất có lợi cho sức khỏe con người. Do đó, việc vận động thân thể theo phương pháp thể dục và các môn chơi thể thao không thể thiếu được, trong đời sống khỏe của chúng ta.

6-NGHỈ NGƠI TỊNH DƯỠNG :

     Việc tái tạo quân bình cho sức khỏe, trong đời sống hàng ngày, là việc làm rất cần thiết cho cơ thể của chúng ta. Sau những giờ làm việc, lao tâm lao lực, cơ thể chúng ta trở nên mệt mỏi. Để phục hồi sức khỏe bình thường, chúng ta cần phải có đủ giờ cho giấc ngủ ban đêm, và sự nghỉ ngơi tịnh dưỡng ban ngày. Cơ thể mỗi người có một sức chịu đựng giới hạn khác nhau. Cho nên, bất cứ lúc nào, sự nghỉ ngơi cảm thấy cần thiết, chúng ta nên bắt đầu ngay, trong lúc còn có sức chịu đựng. Chúng ta không nên để tình trạng kiệt sức xảy ra, rồi đưa đến sự tổn thương trầm trọng cho sức khỏe.

     Những cách thức nghỉ ngơi thông thường là nằm tựa lưng xuống để tịnh dưỡng, hay nằm nhắm mắt lại, để có một giấc ngủ ngắn hạn. Hoặc ở tư thế ngồi yên lặng, thoải mái một mình, đầu óc không suy nghĩ, tay chân không làm bất cứ việc gì. Những nơi lý tưởng cho sự nghỉ ngơi cần có sự yên tĩnh, và không khí trong lành như những nơi có có vườn cây xanh mát.

     Ngoài ra, các trò chơi giải trí còn là phương cách tích cực nghỉ ngơi tốt, giúp ích cho cơ thể, loại bỏ những nổi nhọc nhằn, do sự căng thẳng thần kinh và bộ não gây nên, trong công việc hàng ngày. Đôi khi, chúng ta còn nên biết gác bỏ qua một bên tất cả những sự việc bận tâm, để có ngày giờ rảnh rang, giúp cho tâm trí được tiêu khiển, trong một chiều hướng khác với công việc hàng ngày. Thí dụ như việc đi du lịch, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, thăm viếng bạn bè, bà con xa gần, hoặc thực hiện những việc làm tiêu khiển mà chúng ta yêu thích.

7-SỨC KHỎE TÂM TRÍ :

     Sự sống con người được thể hiện trong cả hai thế giới vật chất lẩn tinh thần. Trong mỗi cá nhân, thân xác là phần vật chất, cụ thể. Tâm trí thuộc về tinh thần, trừu tượng. Tuy nhiên, thân xác không phải là con người thật sự. Thân xác chỉ là hiện thân cho con người tinh thần, với bản chất thật sự của chúng ta. Tinh thần giống như làn sóng điện radio, tivi. Chúng ta không trông thấy được nhưng nó hiện hữu qua kinh nghiệm, hiệu quả gián tiếp, mà chúng ta chỉ cảm nhận được qua tiếng nói của máy thu thanh, hình ảnh xuất hiện trên máy thu hình. Tinh thần nằm trong sự cấu tạo, ý nghĩa điều hành của vũ tru, lẫn đời sống cá nhân chúng ta.

     Nói một cách khác, thân xác giống như cây nến được thắp sáng, nhờ vào ngọn lửa đốt cháy của đời sống tinh thần. Joubert đã viết: “-Không có thế giới tinh thần, thế giới vật chất trở nên thế giới khó hiểu, nhàm chán “, và Marcus Aurelius có nói: “-Tư tưởng dẫn đạo đời sống chúng ta.” Tư tưởng của con người đóng một vai trò quan yếu trong sức khỏe tâm trí. Những tư tưởng tích cực tốt, có tính chất xây dựng, dễ tạo cho con người có tinh thần lạc quan yêu đời, có lợi cho sức khỏe tâm trí. Ngược lại, những tư tưởng tiêu cực xấu, con người sẽ trở nên bi quan yếm thế, làm suy yếu, bệnh hoạn tâm trí.

     Trong đời sống phức tạp hàng ngày, nhiều nghịch cảnh khổ tâm, phiền não, có thể đưa đến các chứng bệnh tâm thần, do sự khủng hoảng thần kinh não bộ, hoặc sự mất thăng bằng giữa các chất hóa học trong cơ thể. Vì thế, đôi khi, chúng ta nên biết mềm dẻo, điều chỉnh, hoặc phải chấp nhận hoàn cảnh sống của mình, để thích nghi với những sự việc bất như ý.

     Bác sĩ B. W. Bauer, M.D. đã đưa ra định nghĩa về một sức khỏe tâm trí tốt, ở trạng thái bình thường như sau: “-Tâm trí chúng ta phải có khả năng hòa hợp thích đáng trong chính con người chúng ta, cũng như với những người khác, và với hoàn cảnh sống chung quanh.” Tâm trí có một sức mạnh vô hình, ảnh hưởng trên thân xác. Do đó, tâm trí có thể tạo cho con người trở nên mạnh khỏe, yếu kém, bệnh tật, hạnh phúc, hoặc đau khổ,...

     Đời sống tình cảm an hòa sẽ giúp chúng ta có được khả năng bình tĩnh, để khắc phục những chướng ngại trong đời sống hàng ngày. Đời người thường được kết thúc bởi một trong bốn nguyên nhân: bệnh tật, tai nạn, tự tử, và già yếu. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất đưa đến tử vong là bệnh tật.

     Theo bác sĩ Joe D. Nicholas, có sáu nguyên nhân chính gây nên bệnh tật như: cảm xúc, dinh dưỡng, trúng độc, nhiễm trùng, tai nạn, và bệnh di truyền. Trong đó, cảm xúc là nguyên nhân đứng hàng đầu. Cảm xúc là kẻ sát nhân mạnh nhất, gây nên bởi những mối rầu buồn, sợ hãi, lo nghĩ, hờn giận, oán ghét, ganh tị. Bất cứ một cảm xúc nào chiếm hữu trong tâm trí, đều gây nên một xung đột tâm lý, và dẫn đến sự căng thẳng tinh thần, lẫn thể xác. Những giận dữ, lo sợ là những trường hợp xúc động tiêu hao năng lực chúng ta.

     Theo các nhà nghiên cứu, bệnh tim là một nguyên nhân chết người lớn nhất hiện nay. Những xúc cảm trái ngược trong con người đã ảnh hưởng lớn đến quả tim, để gây nên những triệu chứng về bệnh tim. Vì sự xung đột tâm lý trong con người, dẫn đến sự căng thẳng tinh thần. Rồi thần kinh hệ chuyển động bất  thường, và hệ thống động mạch bị co rút lại, làm đình trệ sự lưu thông máu đỏ, trong việc nuôi dưỡng các tế bào sống trong cơ thể.

     Chính các thớ thịt tim cũng không có đủ máu đỏ để hoạt động. Do đó, triệu chứng đau nhói trong tim được phát hiện. Nếu sự xung động tâm lý được tiếp tục kéo dài, rồi những yếu tố khác của bệnh vẫn phát hiện. Sau đó, bệnh nhân sẽ có chứng huyết xuyên (máu đỏ bị ngưng động lại trong mạch máu). Dần dần, dẫn đến các chứng cứng động mạch, đường máu tắt nghẽn,...

    Theo Bác sĩ Joe D. Nicholas, M.D., nếu anh oán ghét tôi, tôi sẽ trở nên một vết đau nhức ở bên trong cổ của anh. Sự xung động nầy gây nên một sự căng thẳng nơi bắp thịt cổ, sự căng thẳng tiếp tục, và sau cùng nó biến thành chứng nhức đầu. Cũng như, khi anh tức giận một người, anh sẽ có một cảm giác đầy hơi, uất khí trong bao tử. Vì sự xung động gây nên sự căng thẳng thần kinh, và làm cản trở nhiệm vụ bình thường của các tuyến nội tiết trong bao tử, và ruột. Nếu anh ăn trong lúc tức giận, thực phẩm sẽ không được tiêu hóa, vì thiếu các chất thủy dịch vị (chất nước hóa học do các tuyến nội tiết trong bao tử tiết ra, để tiêu hóa thực phẩm). Nếu sự xung động kéo dài, các yếu tố khác của bệnh bao tử được dịp hiện diện và tiếp tục. Sau cùng, chứng bệnh bao tử sẽ xuất hiện.

      Các nhà thẩm quyền y khoa, hiện nay, đã tìm thấy rằng 80% về các bệnh thể tạng được bắt nguồn, hoặc được nâng cao từ các nguyên động lực tâm thần như: lo âu, sợ hãi, buồn  rầu, oán giận, ganh tị,....Những cảm xúc mạnh về tâm trí dễ tạo nên những ảnh hưởng xấu trên các cơ quan trong cơ thể.

      Do đó, đời sống tình cảm an hòa rất cần thiết, để giúp chúng ta tạo được sự quân bình cho sức khỏe tâm trí, trong cuộc sống phức tạp hàng ngày. Muốn được như thế, chúng ta nên lưu ý đến ba khả năng sau đây: 1-Kiểm soát được những cơn tức giận, và các tham vọng quá đáng. 2-Khuất phục được sự sợ hãi, kinh hoàng. 3-Loại trừ được nỗi lo âu, phiền não.

      Nói chung, thiên nhiên là phương thuốc sống động, mà thượng đế đã ban cho muôn loài. Những món quà từ bà mẹ thiên nhiên, nếu được dùng đúng cách, không chỉ giải quyết được những vấn đề sức khỏe của thế giới, mà còn là một cách mạng cho nền văn minh hiện đại của con người. Cơ thể con người là một lâu đài thiên nhiên. Không có một đầu tư cho tương lai nào, quan trọng bằng đầu tư sức khỏe thân tâm.

     Phần đông, chúng ta thường bị ám ảnh trong việc tìm kiếm sức khỏe, qua những hiệu thuốc quảng cáo trên tivi, báo chí thương mại. Tại sao? chúng ta không chịu nhận thức rằng: -Hầu hết, những bệnh tật thường đến từ những ý nghĩ và hành động sai lầm của chúng ta. Cũng như, thiên nhiên thường là một vị đại lương y căn bản cần thiết cho sức khỏe con người. Nếu chúng ta biết quan tâm đến bảy yếu tố dưỡng sinh căn bản nêu trên, tức là chúng ta thực hiện được phương thuốc thiên nhiên, trong tinh thần “-Phòng bệnh hơn là trị bệnh”.

      Ngoài ra, trong cuộc sống vội vã hiện nay, tinh thần vật chất vụ lợi đã thống trị xã hội con người, đến nỗi câu nói: “-Tôi không có thời giờ rảnh rang”, được nghe thường nhất, để chỉnh mãn việc chăm sóc sức khỏe, hạnh phúc, và việc giải trí tiêu khiển cần thiết. Cho nên, tốt hơn, chúng ta nên dùng thời gian, đừng để thời gian dùng chúng ta.

      Cũng như, vì lòng tham vô đáy, mãi say mê tranh danh đoạt lợi, đa số chúng ta đang đánh mất ý nghĩa cao thượng của chữ “Nhàn”, để rồi mệt mỏi, hao mòn sức khỏe, bệnh tật già yếu ở gần một bên. Thật đáng tiếc cho quan niệm sống “-Tri Túc Tri Nhàn” sau đây của người xưa, chẳng được bao nhiêu người quan tâm đến, trong xã hội văn minh, tranh sống vật chất hiện nay: “-Tri Túc, Tiện Túc, Đãi Túc, Hà Thời Túc.  Tri Nhàn, Tiện Nhàn, Đãi Nhàn, Hà Thời Nhàn “.  Xin tạm dịch như sau: “-Biết Có Vừa Đủ, Là Đầy Đủ Rồi, Đợi Cho Đầy Đủ, Không Bao Giờ Đủ.  Biết Dành Giờ Rảnh, Là Có Rảnh Rồi, Đợi Cho Thật Rảnh, Không Bao Giờ Rảnh”./.

                  -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

                                                                                             

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn