SINH LÝ CƠ THỂ CON NGƯỜI

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 39477)

        SINH LÝ CƠ THỂ CON NGƯỜI

 

      -Dr.VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền,N.D.

    

     Căn nguyên sinh lý cơ thể con người được bắt nguồn bởi những tế bào (cells). Những tế bào cùng loại kết hợp lại thành mô tầng (tissues), nhiều mô tầng cùng loại kết hợp thành cơ quan (organs), và sau cùng nhiều cơ quan thành hệ thống (systems).

     Do đó, cơ thể con người có thể sống được là do sự phối hợp nhịp nhàng của những chức năng kỳ diệu từ nhiều hệ thống khác nhau trong cơ thể.

     Hình dáng tổng quát của thân thể chúng ta, từ đầu mình xuống đến tay chân; nếu không có bộ xương (skeleton) làm thành một khung chống đỡ và di động. Có lẽ, cơ thể chúng ta sẽ bị sụp đổ, và chỉ là một khối thịt mềm nhũn không hơn không kém.

1-BỘ XƯƠNG VÀ BẮP THỊT (Bones & Muscles):

     Bộ xương không chỉ cung cấp cho các bắp thịt có nơi điểm tựa móc nối với nhau, mà còn tạo thành khung tổng quát giúp cho da bao bọc bên ngoài, cũng như bảo vệ vững mạnh cho những mô tầng (tissues) và cơ quan ở bên trong. Thí dụ những phần xương chính yếu như: bộ xương sọ bao phủ và bảo vệ não bộ, bộ xương sườn bảo vệ trái tim và phổi, bộ xương hông và bàn tọa, . . .

     Bộ xương được cấu tạo bởi hơn hai trăm (200) mảnh xương khác nhau, và liên kết bởi những khớp xương (joints), đầu khớp xương có một chất co giãn như cao su được gọi là sụn (cartilage), và dây chằng (ligaments).

     Chính nhờ vào những khớp xương mà những phần xương trong bộ xương được cử động. Thí dụ như đầu, cổ, vai, khuỷu tay, cổ tay, các ngón tay, xương sống, xương hông, đầu cỗ bàn chân, các ngón chân, . . .

     Xương có tính rắn chắc và nhẹ, bởi vì bên ngoài được cấu tạo bởi hỗn hợp các khoáng chất rắn chắc như: calcium, và có thớ sợi, chất keo mềm dẻo. Bên trong xương là vỏ bọc khô rắn, có những lỗ hổng (lacunae) chứa ngập những tế bào sống (osteocytes) tắm đầy máu như những tế bào khác trong cơ thể.

     Trong khi xương và khớp xương cho phép cơ thể cử động, những bắp thịt vững mạnh cung cấp sức lực (force) cho sự cử động của cơ thể.

     Cơ thể con người có được hơn sáu trăm (600) bắp thịt (muscles). Chúng cho phép cơ thể cử động một phần, hay toàn phần. Bắp thịt chiếm hơn phân nữa (50%) sức nặng toàn thân.

2-NHỮNG GIÁC QUAN (Senses):

     Trong Thân Thể, những giác quan báo cho chúng ta biết những gì sắp xảy ra trong thế giới sống quanh chúng ta. Ngay khi chúng ta đang ngũ, giác quan cũng tiếp nhận những cảm giác, một số từ bên trong cơ thể, một số khác từ bên ngoài, và cung cấp tín hiệu về não bộ (brain), qua những đường dây thần kinh (nerves). Những dây thần kinh giống như những đường dây điện thoại của thân thể.

     Thân thể có năm (5) giác quan chính yếu, để truyền báo cho chúng ta những quan sát về thế giới bên ngoài từ đôi mắt, nghe những âm thanh từ đôi tai, ngửi mùi từ mũi, nếm vị từ lưỡi, và sờ mó đụng chạm để cảm giác từ hầu hết làn da trên cơ thể.

     Ngoài ra, còn có những giác quan nội tại, như cảm giác đau đớn, và những cơ quan thăng bằng ở bên trong lỗ tai, để giúp cơ thể giữ được thăng bằng trong lúc di chuyển.

3-NÃO BỘ:

     Não bộ ở bên trong đầu chúng ta, não bộ có sự cấu tạo phức tạp kỳ diệu nhất trong vũ trụ. Hình thể giống như một hạt đậu lớn, có chất màu xám ẩm ướt, với bề mặt nhăn nheo. Cân nặng trung bình khoảng 3.3 pounds (1.5 Kg). Não bộ là trung tâm của hệ thống thần kinh (nervous system); một tập hợp khoảng một trăm tỷ tế bào thần kinh bé tí (100 billion neurons).

     Tế bào thần kinh có nhiệm vụ dẫn truyền những xung lực điện và hóa học, từ một tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh kế tiếp; để sinh ra tất cả những tư tưởng, và việc kiểm soát gần tất cả những tín hiệu cảm giác, trong mỗi lần ghi nhận và hành động.

     Hệ thống thần kinh (nervous system) là một tập hợp những dây thần kinh trong thân thể. Mỗi dây thần kinh có nhiệm vụ mang truyền những tín hiệu mệnh lệnh từ não đến những cơ quan và bắp thịt trong thân thể. Và ngược lại, nó gởi lui về não những tin tức của thế giới bên trong, cùng bên ngoài cơ thể chúng ta.

     Trung tâm hệ thống thần kinh (the central nervous system) gồm có não bộ (brain) và chùm dây thần kinh dọc theo trụ dây xương sống (the bundle of nerves along the spinal cord). 

     Tất cả những dây thần kinh từ trung tâm thần kinh được phát tỏa ra thành nhiều chi nhánh trên khắp cơ thể. Những dây thần kinh vận động (motor nerves) có nhiệm vụ điều khiển và kiểm soát những hành động. Những dây thần kinh cảm giác (sensory nerves) có nhiệm vụ dẫn truyền những tin tức báo về não bộ.

     Những dây thần kinh vận động và cảm giác thường thường đi chung thành một cặp đôi. Vì thế, một tổn thương trầm trọng trên trụ dây xương sống có thể gây nên tình trạng tê liệt một phần hay toàn phần cơ thể của chúng ta.

     Khi chúng ta: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, da tiếp xúc, hay lưỡi nếm bất cứ một vật gì; lập tức, xung lực do điện hoặc hóa học, thúc đẩy truyền những tin tức này đến não bộ. Thí dụ, với một miếng bánh Pizza trước khi ăn, mắt nhìn thấy và mũi ngửi mùi pizza. Lập tức, lực điện và chất hóa học thúc đẩy dây thần kinh cảm giác báo tin về cho não biết. Não liền gởi tín hiệu qua thần kinh vận động ra lệnh cho tay và miệng, để lấy miếng Pizza đưa vào miệng để ăn.

4-HỆ THỐNG TUYẾN NỘI TIẾT & KÍCH THÍCH TỐ (Endocrine System & Hormones):

      Trong cơ thể, có nhiều loại tế bào khác nhau. Có một số loại tế bào sản xuất ra những sứ giả hóa học, được gọi là những chất kích thích tố (hormones). Những sứ giả hóa học này được đưa vào trong máu, để gây ảnh hưởng trên các chức năng của những tế bào khác. Thí dụ như những tế bào ở trong các tuyến yên (pituitary gland), tuyến giáp trạng (thyroid gland), và tuyến thượng thận (adrenal gland). Có khoảng ba mươi (30) chất kích thích tố khác nhau được tuần hoàn trong máu.

      Tuyến yên (pituitary gland) có hình dạng nhỏ như hột đậu, và được gọi là tuyến chủ yếu (master gland), vì nhiệm vụ của nó tiết ra những chất kích thích tố (hormones) để kiểm soát những tuyến khác. Thí dụ, nó tiết ra chất kích thích tố giáp trạng để kiểm soát tuyến giáp trạng; bởi vì tuyến giáp trạng (thyroid gland) kiểm soát cách hoạt động của những tế bào.

     Tuyến yên (pituitary gland) còn tiết ra chất kích thích tố tăng trưởng (growth hormone), để giúp thân thể chúng ta được phát triển cao lớn trọn vẹn. Nếu cơ thể  có quá nhiều chất kích thích tố tăng trưởng (growth hormone), chúng ta sẽ cao lớn nhiều hơn. Trái lại, nếu có quá ít, thân thể sẽ trở nên quá thấp nhỏ.

     Khi thần kinh bị căng thẳng, vì kinh sợ hay đang bị lâm nạn. Chính lúc đó, đôi tuyến thượng thận (adrenal glands) gia tăng cường độ, để tiết ra chất kích thích tố “adrenaline”, và gây cho cơ thể bị kích động mãnh liệt, nhằm giúp chúng ta sẵn sàng để đối đầu (to fight), hay bỏ chạy (or to flight) trước tình  cảnh như thế. 

     Hiện tượng này khiến cho số lượng máu phụ trội từ những cơ quan khác tập trung vào những bắp thịt. Hơi thở và nhịp tim trở nên nhanh hơn. Số lượng đường phụ trội được đưa thêm vào trong dòng máu. Đôi đồng tử (pupils) trong mắt mở rộng lớn ra.

     Tất cả tình trạng sinh lý trong cơ thể đều sẵn sàng cho hành động, vì những cơ bắp sẽ có nhiều đường (sugars) và dưỡng khí (oxygen) hơn, và chất kích thích tố Adrenaline giúp cho chúng ta trở nên mạnh hơn và nhanh nhẹn hơn.

5-HỆ THỐNG TUẦN HOÀN (Circulatory System):

     Hệ thống tuần hoàn gồm có quả tim và những mạch máu như: động mạch, tĩnh mạch và mao quản.

     Tim có nhiệm vụ bơm đẩy máu luân chuyển khắp châu thân.

     Máu mang những chất dinh dưỡng và dưỡng khí (oxygen) đến những tế bào, và mang loại bỏ những khí dơ thán khí (carbon dioxide) từ tế bào. Thí dụ: Sau khi chúng ta dùng bữa ăn xong, máu mang những chất dinh dưỡng vừa mới tiêu hóa từ ruột non (tiểu tràng), đến những tế bào trong những phần khác nhau của cơ thể.

     Nhiệm vụ thiết yếu nhất của hệ thống tuần hoàn là để mang dưỡng khí (oxygen) đến những tế bào của cơ thể (body's cells), và mang loại bỏ ra ngoài những thán khí dơ bẩn (carbon dioxide) từ các tế bào.

     Quả tim được chia ra làm hai phần riêng biệt đều nhau, để bơm thành hai dòng máu chính lưu thông trong thân thể.

     Phần bơm bên phải của tim dùng đẩy máu đến phổi. Nơi phổi, máu tiếp nhận dưỡng khí (oxygen) và loại bỏ thán khí (carbon dioxide).

     Máu này (có dưỡng khí) quay về phần bơm bên trái của tim; nơi đây, máu mang dưỡng khí được đẩy phân phối dưỡng khí cho khắp châu thân, từ đầu xuống tay chân. Rồi nó mang lấy những thán khí (carbon dioxide) của những tế bào, để quay về phần bơm bên phải của tim. Chu kỳ tuần hoàn cứ thế tiếp tục.

     Trong máu có các hồng cầu mang sắc tố Hemoglobin, vì nó có chứa phân tử sắt (Iron molecules).

     Chất sắt giúp cho máu mang được nhiều dưỡng khí (oxygen) hơn. Máu có màu đỏ vì mang dưỡng khí (oxygen). Máu trở nên màu xanh đậm vì mang khí dơ bẩn thán khí (carbon dioxide).

     Do đó, chúng ta ăn uống cần phải có vừa đủ chất sắt (iron) trong thực phẩm. Máu còn có chứa chất hình dĩa nhỏ (platelets), và những tế bào bạch huyết cầu (white blood cells).

     Những platelets giúp cho máu dễ đông đặc lại (thành khối), để giúp việc ngưng chảy máu trên mặt vết thương.

     Tế bào bạch huyết cầu (white blood cells) có nhiệm vụ ngăn chống, và giết những vi trùng gây tổn hại cho cơ thể.

6-HỆ THỐNG HÔ HẤP (Respiratory System):

     Trước khi hệ thống tuần hoàn máu có thể phân phối dưỡng khí (oxygen), hệ thống hô hấp cần phải lọc lấy dưỡng khí (oxygen) từ không khí.

     Hệ thống hô hấp gồm có mũi, khí quản, cuống phổi, buồng phổi, và những tiểu khí bào.

     Bình thường, không khí được đưa vào cơ thể xuyên qua đường mũi, và rất kỳ diệu, tại sao có những lông bên trong đường mũi? –Xin thưa rằng những lông mũi, và chất nhờn (thường gọi là nước mũi) có nhiệm vụ giúp lọc sạch không khí, để giữ trong sạch cho phổi, bằng việc chận giữ lại những tiền tố nhỏ li ti được hít vào. Thí dụ những hợp chất của bụi, chất dơ, phấn hoa, và chất nhờn khô, . . .

     Từ mũi, không khí được hít vào trong khí quản (windpipe hay trachea).

     Khí quản là một ống trống thông hơi, được cấu tạo bởi những cái vòng bằng chất sụn (cartilage rings).

     Khi khí quản tiến gần đến hai buồng phổi, nó được tách ra làm hai, và tạo thành hai cuống phổi (two bronchi).

     Mỗi cuống phổi đi vào trong mỗi buồng phổi, và được tách ra thành nhiều chi nhánh ống nhỏ hơn, và nhỏ hơn, cho đến khi chúng chấm dứt vào trong những túi bé tí chứa không khí gọi là tiểu khí bào (Alveoli).

     Những tiểu khí bào này được bao quanh bởi những mao quản dồi dào máu, và máu hấp thụ dưỡng khí cũng như loại bỏ thán khí, từ những tiểu khí bào này. 

 7-Hệ Thống Tiêu Hóa (Digestive System):

     Để có chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, con người chúng ta cần phải ăn uống và tiêu hóa thực phẩm.

     Trước tiên, khi thực phẩm được vào ở trong miệng, chúng ta cần phải nhai. Việc nhai kỷ nhằm biến thực phẩm trở nên nhỏ hơn, và giúp tiêu hóa được dễ dàng hơn.

     Đồng thời, nước bọt (saliva) được tiết ra bên trong miệng, để làm cho thực phẩm trở nên mềm ướt, và dễ di chuyển hơn.

     Trong nước bọt (saliva) cũng có chứa chất kích thích tố tiêu hóa Enzymes, nhằm giúp phá vỡ những chất dinh dưỡng ra thành nhiều phần nhỏ hơn.

     Chất Enzymes trong nước bọt cũng có tính biến đổi nhanh chóng chất tinh bột (starches) trở thành chất đường (sugars).

     Sau khi thực phẩm được nhai nghiền nát nhỏ, nó được di chuyển xuống thực quản (esophagus), cho đến khi vào trong bao tử.

     Trong bao tử, có khi thực phẩm rơi vào trong một dung dịch acid rất mạnh. Lúc đó, thực phẩm bị khuấy tung lên và được trộn lẫn với acid và chất kích thích tố tiêu hóa enzymes.

     Acid giúp giết những vi trùng mà chúng tiềm ẩn trong thực phẩm. Cùng lúc, chất enzymes giúp phá vỡ thực phẩm để trở thành nhỏ hơn. Sau đó, thực phẩm đi vào trong ruột non (small intestine).

     Trong ruột non (tiểu tràng), chất kích thích tố tiêu hóa (enzymes) được gia tăng từ tụy tạng (pancreas) và thành trong của ruột non (tiểu tràng).

     Mật do các tế bào gan sản xuất (hepatic secretion of bile) để giúp phá vỡ những chất béo (fats).

     Vào lúc này, thực phẩm được phá vỡ ra thành những phân tử (molecules) nhỏ và nhỏ hơn. 

     Sau những chất dinh dưỡng được thấm thấu xuyên qua những thành vách ruột non (tiểu tràng), và đi vào trong máu. Máu mang những chất dinh dưỡng này đến gan, và các tế bào trong cơ thể.

    Ngoài ra, những chất không được hấp thụ vào trong ruột non, kể cả chất sơ (fibers) của thực vật, tiếp tục đi xuyên qua ruột gìa. Nơi đây, ruột già thấm hút tất cả nước của những chất không được hấp thụ này, để đưa vào máu. Sau đó, những chất cặn bã được bài tiết ra ngoài.

8-HỆ THỐNG BÀI TIẾT (Excretory System):

     Hệ thống bài tiết bao gồm ruột già, hậu môn, các tuyến mồ hôi, và hệ thống nước tiểu (the urinary system).

     Về hệ thống nước tiểu, con người có hai quả thận lớn (two large kidneys) dùng làm công việc tống bỏ những chất cặn bã hay những chất độc hại có chứa trong máu.

     Hai quả thận có nhiệm vụ lọc mọi vật ra khỏi máu, và sau đó, tái hấp thụ lại chỉ với những vật mà cơ thể cần thiết đến.

     Có nghĩa là hai quả thận không chấp nhận tất cả những chất cặn bã hay chất độc hại đang có; chúng chỉ chấp nhận những gì mà cơ thể cần thiết đến.

     Do đó, nếu chúng ta có quá nhiều chất như: muối, đường, hay sinh tố C, số lượng phụ trội của những chất này sẽ phải bị tống xuất ra ngoài cơ thể.

     Nitrogen là cặn bã quan trọng nhất mà hai quả thận phải loại bỏ nó ra ngoài. Chất Nitrogen được sinh ra, khi những tế bào trong cơ thể phá vỡ chất amino acids (do những khối proteins tạo thành) để có năng lực (energy).

     Những chất Nitrogen làm cho nước tiểu có màu vàng. Việc thí nghiệm phân tích nước tiểu (urinalysis) có thể xác định bệnh chứng của người ta. Thí dụ, một người có quá nhiều chất đường trong nước tiểu của họ, họ có thể đang mang chứng bệnh tiểu đường (diabetes).

     Trong hai quả thận, nếu có vấn đề cần thiết để cắt bỏ một quả thận, người ta vẫn sống khỏe mạnh với một quả thận. Nhưng nếu còn đủ hai quả thận vẫn tốt hơn một.

 9-NÊN TẬP SỐNG KHỎE & SỐNG HẠNH PHÚC:

     Trong việc bảo trì sức khỏe, cơ thể cần có nhiều nước, vì thế chúng ta nên dùng nhiều chất lỏng trong ngày như: uống nhiều nước lọc, hay nước ép trái cây (ít nhất sáu ly lớn một ngày). Khi chúng ta tập thể dục, làm công việc lao động, hay bên ngoài trời nóng nực, chúng ta nên uống nhiều nước lọc hơn; không nên chờ đến lúc bị khát nước.

     Ngoài việc dùng chất lỏng, cơ thể còn đòi hỏi những thực phẩm lành mạnh, để giúp chúng ta tăng trưởng và đủ năng lực làm việc. Do đó, để bồi bổ, chúng ta cần tiêu thụ những chất như: chất đạm (proteins) cho bắp thịt; chất vôi (calcium), phosphorous cho bộ xương; và các sinh tố (vitamins) cho nhiều tế bào khác nhau.

     Trong việc ăn uống, chúng ta nên chọn những thực phẩm lành mạnh như: trái cây, rau cải, ngũ cốc, và sản phẩm từ chất sửa. Trái lại, chúng ta nên  tránh dùng quá nhiều chất đường(sugar) và chất béo (fat).

     Hơn nữa, việc ngủ nghỉ đóng một vai trò không kém quan trọng. Bộ máy cơ thể sẽ không chạy tốt, để có thể thực hiện những chức năng hàng ngày, nếu chúng ta không có đủ giờ giấc ngủ nghỉ. Hãy tưởng tượng đến thân thể và đôi mắt mệt mỏi như thế nào, sau một đêm thiếu ngủ. Hơn nữa, não bộ của chúng ta cũng cần sự ngủ nghỉ.

     Ngoài ra, chúng ta nên thường xuyên vận động thể dục, để giúp cho hệ tuần hoàn máu, bộ máy hô hấp được điều hòa khí huyết. Nếu suốt ngày ngồi nhà xem tivi, xem phim bộ, hay chơi video game, chúng ta sẽ không có đủ thời gian vận động thân thể. Như thế bắp thịt và tim mạch dễ bị suy yếu.

     Do đó, sức đề kháng trong thân thể sẽ bị yếu dần, và những bệnh chứng dễ phát sinh. Thuốc lá và rượu là những chất độc hại, chúng ta cần nên tránh.

     Sau cùng, chúng ta nên làm những việc để mang lại những niềm vui thú cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Thí dụ, bạn thích chơi quần vợt, nên chơi nhiều hơn. Nếu bạn thích nói chuyện với bạn bè, bạn nên tìm những bạn để nói chuyện.

     Ngoài ra, nếu bạn không có việc gì vui thích để làm, bạn nên cố gắng tìm, và thử qua một số việc, cho đến khi bạn tìm thấy những việc mà bạn vui thích.  Đời người thật là ngắn ngủi như “Bóng câu qua ngõ”, và từ xưa đến nay, người ta sống ai mà không chết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử”. Vì vậy, Chúng ta nên tận dụng thời gian, để sống khỏe và hạnh phúc. . .

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền,N.D.                                                              

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn