CHỨC NĂNG ĐỀ KHÁNG CỦA CƠ THỂ

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 36303)

   CHỨC NĂNG ĐỀ KHÁNG CỦA CƠ THỂ

    -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

     Để bảo vệ sức khỏe, trong thế giới đầy mối nguy hại cho con người, tạo hóa đã trang bị bên trong cơ thể con người một hệ thống phòng thủ đặc biệt, hay còn gọi là sự đề kháng của cơ thể, mang những đặc tính như những vũ khí bén nhạy, để chống lại những đe dọa gây hại cho cơ thể đến từ bên ngoài, như các trường hợp tai nạn, bạo hành, bệnh tật, . . . Để kiện toàn chức năng đề kháng, cơ thể phải dùng đến những đặc tính chống đỡ của lớp thành vách ngoại biên, nhiều chất đề kháng bên trong, và một hệ thống điều chỉnh tinh vi cao độ, . . . Để hiểu rõ tính chất căn bản của sự đề kháng cơ thể, chúng ta lần lượt tìm hiểu về những đặc tính sau đây : 1-Những Dấu Hiệu Báo Động (Warning Signals), 2-Hành Động Phản Xạ (Reflex Action), 3-Đau Nhức Là Triệu Chứng An Toàn (Pain is A Safe Guard), 4-Tuyến Phòng Thủ Đầu Tiên (First Line of Defense), 5-Sự Xâm Nhập Qua Môi Giới Truyền Nhiễm (Invasion by Infectious Agents), 6-Bạch Huyết-Lymph, Đường Dây Phòng Thủ Thứ Nhì (Lymph - A Second Line of Defense), 7-Cơ Chế Phòng Thủ Hóa Học(Chemical Defensers), 8-Tính Miễn Nhiễm (Immunization), 9-Sự Nhiễm Trùng Tổng Quát (General Infections),10-Tính Hồi Phục Sức Khỏe (Recovery).

1- DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG (WARNING  SIGNALS): 

     Các cơ quan tri giác có nhiệm vụ giúp cơ thể nhận thức được những báo động trước khi tai nạn, hoặc một mối tấn công sắp đến. Thí dụ như mắt có thể nhận thấy, hay tai có thể nghe những âm thanh nguy hiểm, mũi có thể ngữi khám phá ra những mùi gây nguy hiểm, từ ngọn lửa đưa đến, hay hơi độc của chất hóa học.  Sự cảm ứng của da cũng rất hữu dụng, trong việc khám phá ra sự tiếp xúc với  những loài côn trùng, bò rất chậm chạp, và các loại động vật khác, mà chúng có thể gây nên những vết cắn nguy hiểm trên cơ thể.  Ngoài ra, việc cảm ứng của da còn giúp chúng ta xác định được nhiệt độ quá nóng, hay  quá lạnh, hoặc cách cấu tạo và đặc tính của những vật thể đặc hay lỏng, khi tiếp xúc đến chúng.

     Tất cả những nhận thức từ các giác quan đều có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh.  Một dấu hiệu báo động được nhận xuyên qua mắt, tai, mũi, và da, đều do dây thần kinh truyền lên não bộ.  Sau đó, não ra lệnh hành động thích nghi.  Nếu có nhiều thời gian, đây có thể là một hành động có ý thức.  Thí dụ như trong lúc đang lái xe, và nhận thấy sự kẹt xe, trong một khoảng đường sắp đến.  Lập tức, anh chạy chậm lại, để quan sát vị thế.  Sau đó, anh nên quyết định việc gì phải làm sắp tới.  Ngoài ra, trong lúc lái xe,  anh nhận thấy một chiếc xe ở phía trước, bất ngờ thắng gắp lại.  Lập tức, chân anh cũng đạp thắng xe giống như thế, trước khi anh có thời gian suy nghĩ, để bắt kịp vị thế. Quyết định nhanh, và bất ngờ nầy được gọi là hành động phản xạ (Reflex Action).  Tương tự như thế, hành động phản xạ xảy ra khi anh né tránh nhanh, không cần suy nghĩ, trong lúc có một vật đang ném hướng vào đầu anh.  Hoặc bàn tay lập tức giật mạnh nhanh ra khỏi một vật nóng khi bất ngờ bị chạm vào.

2- HÀNH ĐỘNG PHẢN XẠ ( Reflex Action ) :

     Trong da có những cơ quan rất nhỏ, được gọi là cơ quan tiếp nhận (Receptors).  Mỗi cơ quan nầy đều có mỗi chức năng cho mỗi cảm giác khác nhau như : nóng, lạnh, đau, ngứa, êm. Từ những cơ quan tiếp nhận này, những sợi dây thần kinh đi xuyên qua những thân thần kinh (Nerve Trunks) khác nhau, để đến trung tâm thần kinh (Nerve Center), hay hạch (Ganglion) bao gồm một chuỗi thần kinh nằm bên ngoài xương sống, trong những vùng thuộc bụng, ngực, cổ, và những nơi khác bên trong đầu.

     Ngoài ra, những cơ quan tiếp nhận còn phát sinh sức ép đẩy, chuyển tới những dây thần kinh khác, trong cách nầy giống như sự tiếp âm điện thoại, mang chuyển tiếng nói từ máy điện thoại nầy đến máy khác, và thông điệp được chuyển vận đến não bộ.  Sau đó, não bộ phát sinh những động lực chuyển đến trung tâm thần kinh trong cột xương sống, và từ đó, bằng những sợi dây thần kinh khác chuyển tới những bắp thịt, có mang những cơ quan tiếp nhận cảm giác thích nghi, để thực hiện vai trò của chúng.  Thí dụ như đôi mắt, mũi, hay các ngón tay, .  Vì vậy, khi chúng ta nhìn chăm chú, hoặc ngửi, hoặc cảm giác một đối tượng đang kích thích đến những cơ quan tiếp nhận nơi da, chúng ta sẽ nhận thấy được đối tượng đó là cái gì. Nếu trường hợp khẩn cấp, toàn thể hành động được rút ngắn lập tức, không cần suy nghĩ.  Thí dụ như khi chúng ta sờ vào lò sưởi nóng, cảm giác đau nóng chạy vụt đến trạm tiếp cảm cột xương sống.  Nơi đây, sự đau nóng được chận lại, và truyền đến những dây thần kinh thích nghi, để ra chỉ thị ép buộc những bắp thịt liên hệ lập tức rút ra khỏi vùng tiếp xúc nóng.  Sự ngăn chận cảm giác tại cột xương sống làm giảm được những ảnh hưởng có thể nguy hiểm đến não bộ.

3-ĐAU NHỨC LÀ BÁO ĐỘNG MẤT AN TOÀN :

     Thật ra, cơn đau nhức là tình trạng báo động sự mất an toàn của cơ thể, một biểu lộ có sự sai trái của một số chức năng trong cơ thể, cần được đặc biệt chú ý đến.  Những cảm giác đau nhức được biểu lộ qua nhiều cách khác nhau như : Cơn đau nhức có thể kéo dài liên tục, hay gián đoạn từng cơn, dữ dội (nhanh mạnh), hay ngấm ngầm (chậm nhẹ), đau nhói hay nóng bỏng, . . . chúng luôn luôn cần được loại bỏ bằng những cách khác nhau.  Bản chất của não không cảm giác đau, nhưng các màng bao phủ não bộ lại có tính nhạy cảm. Các đường ruột không có tính chất nhạy cảm khi bị cắt xén, nhưng có phản ứng đau đớn, lúc bị xoắn tréo lại, hay bị kéo giật ra, hoặc bị xưng phồng với chất hơi (Gas).  Liên hệ mật thiết với cơn đau nhức thường là những cảm giác khó chịu khác như :  ngứa ngáy, chóng mặt, mệt mỏi, uể oải, . . .

     Hai chất hóa học Endorphins và Enkephalins được phát sinh trong não bộ là loại hóa học an thần tự nhiên “Natural Morphins” được tiết ra để đáp ứng làm giảm cơn đau nhức trong cơ thể.  Sự bài tiết hai chất nầy còn được gây ra bởi một số thuốc kích thích, và phương pháp châm cứu, để giúp làm giảm sự đau nhức.  Ngoài ra, các thuốc Valium, Opium, và Librium đều có tác dụng ngăn chận những cơn đau nhức, mà không ảnh hưởng đến những cảm giác khác trong cơ thể.

4- TUYẾN PHÒNG THỦ ĐẦU TIÊN:

     Phần da và những chất màng nhầy (hay chất nhờn) của cơ thể là tuyến phòng thủ đầu tiên, có nhiệm vụ ngăn chận sự xâm nhập của vi trùng gây bệnh. Hệ thống hô hấp, và tiêu hóa thường được xem ở tận bên trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng cũng có những bộ phận tiếp giáp bên ngoài, được bao phủ với những màng nhầy, nhằm chống lại sự thấm thấu của vi trùng. Các đơn vị phòng thủ do phần da cung cấp gồm nhiều loại khác nhau như:   

     4.1-Những lớp ngoài của phần da là các màng tế bào chết, tạo nên mô tầng bao phủ tự nhiên, để cản trở vi trùng xâm nhập từ bên ngoài. Những tầng lớp nầy có thể bị làm trầy, nhưng không gây tác hại đến cơ thể.

     4.2-Chất dầu nhờn của phần da bắt nguồn từ những tuyến bả nhờn tiết ra, có tính chất không thấm nước, và giúp ngăn ngừa sự tấn công của vi trùng.

     4.3-Những màng nhầy (chất nhờn) mang tính chất hóa học, chúng được tiết ra có công dụng ngăn cản, và chống lại sự tấn công của vi trùng.

     4.4-Nước bọt mang tính chất acid nhẹ có trong miệng, và mạnh hơn chất acid chứa trong bao tử. Cả hai chất nầy là lợi khí, để tối thiểu hóa sự tấn công của các vi khuẩn. Trong mũi, màng nhầy có chứa ít chất Cilia, và cấu trúc những sợi lông nhỏ có nhịp rung động hướng ra ngoài hai lỗ mũi, để đẩy các chất bẫn, bụi, vi khuẩn ra ngoài.

     4.5-Những mạch máu trong da đẩy dồn máu đến vùng bị đe dọa, để mang theo những lực lượng chống đỡ sự phát triển của vi trùng.

5-SỰ XÂM NHẬP QUA MÔI GIỚI TRUYỀN NHIỄM:                                          

     Khi phần da bị phá vỡ sẽ tạo nên một vết thương, và vùng bị ảnh hưởng chung quanh vết thương. Trước tiên, chất huyết tương (Clotted Blood) trong máu có nhiệm vụ bao phủ lên trên mặt vết thương.  Ngoài việc ngăn chận sự chảy máu nơi vết thương, huyết tương còn tạo nên một màng phòng thủ chống lại sự nhiễm trùng.  Nếu sự nhiễm trùng xảy ra vào lúc bị thương, vùng bị ảnh hưởng chung quanh vết thương trở nên viêm, thâm đỏ, và đau nóng, hay bị rung động.  Sau đó, vết thương có thể trở nên ung mũ.  Lập tức, nhiều lượng máu được đẩy mạnh đến vùng bị thương.  Cho nên, tạo ra sự gia tăng nhiệt độ nơi đó. Những tế bào bạch huyết (White Blood cells) trong máu thoát ra khỏi các mạch máu, để đi xuyên qua các thành mao quản mỏng, và thấm thấu vào các mô tầng (Tissues). Nơi đó, chúng cố gắng mọi nỗ lực để vô hiệu hóa, và tiêu diệt những vi khuẩn xâm nhập.

     Ngoài ra, Interferon là một loại chất đạm (Protein), có tính chất cơ chế phòng thủ không riêng biệt, để chống lại sự nhiễm độc. Interferon có thể sinh ra bởi nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể, để chống lại sự nhiễm độc của một loại tế bào đặc biệt. Không như những chất kháng thể khác, Interferon có thể bước vào bên trong những tế bào bị nhiễm độc, để hoạt động ngăn chận hàng loạt mầm độc. Các y sĩ có thể cung cấp Interferon  cho những bệnh nhân bị nhiễm độc tố, nhằm nâng cao sức đề kháng của họ. Sự xâm nhập vào cơ thể bởi những nhiễm độc tố như : Vi khuẩn, mầm độc, mốc meo, được xem như một trận chiến. Có những cuộc chạm trán nhỏ địa phương, tại những điểm tấn công.  Sau đó, những trận chiến lớn xảy ra.  Trong cuộc chiến tranh nầy, những tế bào và những thành phần hóa học của máu, những tế bào mô tầng, và các phần chất lỏng mô tầng bạch huyết, được thể hiện như những lực lượng đề kháng của cơ thể, có nhiệm vụ chống lại với những độc tố ngoại xâm.  Những tế bào bạch huyết cầu (White Blood Cells) có thể được so sánh như lực lượng bộ binh, chiến đấu bằng tay, và tẩy sạch chiến trường sau khi hành động.

     Những vi khuẩn xâm nhập chỉ huy cuộc tấn công hóa học, chống lại những mô tầng cơ thể. Chúng sinh ra những chất hóa học, được gọi là độc tố, kháng nguyên, hay Immunogens, nhằm gây  độc hại cho cơ thể.  Những chất độc nầy có thể xuất hiện nơi vùng vi khuẩn tấn công, hoặc tại các nơi khác, trên khắp cơ thể.  Chúng có thể gây nguy hại cho các cơ quan tim, thần kinh hệ, thận. Ngoài ra, chúng còn tạo nên những cơn nóng sốt cho cơ thể.

6-BẠCH HUYẾT(LYMPH) PHÒNG THỦ THỨ HAI:

     Khi chọc thủng được tuyến phòng thủ đầu tiên, và xâm nhập vào bên trong cơ thể, vi khuẩn còn phải đối đầu với đường dây phòng thủ thứ hai của Bạch Huyết (Lymph).

     Bạch Huyết là một thành phần nằm trong mô tầng lỏng, được dẫn lưu bởi một chuỗi động mạch (vessels) đi song song với những tĩnh mạch (veins).  Sau cùng, Bạch Huyết được chuyển vào hai động mạch lớn. Hai mạch Bạch Huyết nầy đi xuyên qua những mô tầng mềm xốp, được gọi là những hạch Bạch Huyết (Lymph Nodes) mà chúng nằm chung quanh vùng đáy cổ như là những trạm phòng thủ chiến lược, có nhiệm vụ như những cái bẫy chống sự nhiễm trùng. Thí dụ như những mô tầng lỏng (fluid Tissues) từ tay đi xuyên qua những hạch Bạch Huyết gần eo cùi chỏ, và vào nách.  Những mô tầng lỏng từ chân đi xuyên qua những hạch Bạch Huyết gần đầu gối, và đi vào trong phần hán. Những hạch Bạch Huyết nầy được tràn ngập với một loại các tế bào Bạch Huyết đặc biệt (Lymphocytes).  Chúng có thể phá vỡ tiến trình nhiễm độc trầm trọng, và tạo nên những ung thối (Abscesses), và chúng bảo vệ những cấu trúc chính, cũng như các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Sau khi vi khuẩn vượt qua những tuyến phòng thủ cục bộ, sự nhiễm trùng thường đánh dấu bằng những đường thâm đỏ, chạy từ điểm bị thương lên đến cánh tay hay chân. Đây là hiện tượng của những mạch Bạch Huyết bị xưng phồng. 

     Ngoài ra, còn có những hệ thống hạch Bạch Huyết và các mạch Bạch Huyết dẫn lưu mà chúng giúp cho những  cơ quan nội tạng, trong cách thức giống như những hạch Bạch Huyết giúp cho hai tay và hai chân. Trong trường hợp chứng bệnh phổi (Tuberculosis), vi trùng lao tấn công vào những hạch Bạch Huyết, một cách kém mãnh liệt nhưng bền bỉ hơn. Trong điều kiện thuận lợi của cơ thể, những buồng nhỏ (Nodules) được gọi là những u lao (Tubercles) được phát sinh, có nhiệm vụ bắt giữ những vi khuẩn xâm lăng một cách dài hạn. Sau cùng, những u lao nầy có một lớp vỏ bọc ngoài với chất Calcium.  Sau đó, nếu cơ thể trở nên yếu đuối vì mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng, hay nhiễm trùng nặng hơn, thành vách của những u lao nầy bị bể vỡ ra, và phóng thích những vi khuẩn bị giam cầm, để tấn công cơ thể, dần dần cơ thể bị nhiễm bệnh.

7-PHÒNG THỦ HÓA HỌC (Chemical  Defensers):

      Trái với cơ chế phòng thủ thông thường (Non-Specific Defense Mechanism), một hệ thống phòng thủ khác được gọi là Cơ Chế Miễn Nhiễm  Riêng Biệt (Specific Immune Mechanism) có nhiệm vụ đáp ứng với ngoại chất, mà cơ thể đã có lần xúc tác. Những ngoại chất  nầy bao gồm các mầm độc từ Viruses, và những độc tố của vi khuẩn (Bacterial Toxins), được gọi là những kháng nguyên. Cơ thể phản ứng với những kháng nguyên này trong cách như sau:

     Trong phản ứng thể dịch (In Humoral Response), cơ thể sản xuất những chất hóa học phòng thủ được gọi là Kháng Thể. Kháng Thể là những chất Đạm (Proteins) được sinh ra bởi những tế bào Bạch Huyết gọi là B-Lymphocytes (B-Cells), mà chúng thành hình nguyên thủy trong tủy xương (the bone marrow). Tùy theo mỗi Kháng Nguyên riêng biệt (specific Antigen) xuất hiện, lập tức, cơ thể đáp ứng, bằng cách sản xuất ra Kháng Thể (Antibody) thích nghi, để kết hợp với loại Kháng Nguyên đó, trong hình thức tương hợp giống như ổ khóa và chìa khóa. Sự liên hợp Antibody - Antigen nầy sẽ làm trung lập trực tiếp với Kháng Nguyên (Antigen), hoặc nó sẽ gây nên một phản ứng sưng viêm, bởi việc tác động lẫn nhau với những chất đạm huyết tương (Blood Plasma Protein), được gọi là những Bổ Thể (Complements). Nếu những Bổ Thể nầy được khơi động, chúng sẽ gây nên Tính Thực Bào (Phagocytosis) tối đa, để những tế bào Bạch Huyết (Phagocytes) nhận chìm các sinh vật xâm lăng.

     Hơn nữa, đối với Kháng Thể (Antibodies) được tiết ra bởi B-Cells, hệ thống miễn nhiễm riêng biệt cũng có liên hệ đến số lượng Bạch Huyết Bào (Lymphocytes) được gọi là T-Cells, để sinh ra một phản ứng tế bào (A Cellular Response). T- Cells được sinh ra bởi Tuyến Ức (Thymus Gland) và tấn công trực tiếp vào quân xâm lăng đến từ bên ngoài. T-Cells có nhiều loại khác nhau như :

    7.1-Killer T- Cells có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt trực tiếp các tế bào bị nhiễm độc.

     7.2-Helper T-Cells có nhiệm vụ giúp cho B-Cells bắt đầu sản xuất Antibody.

     7.3-Memory T-Cells  ghi nhận các Antigens xâm nhập vào các mô tầng trước đây.

     7.4-Suppressor T-Cells làm chậm lại, hay chấm dứt sự phản ứng miễn nhiễm. T-Cells trở nên dễ nhạy cảm với loại Kháng Nguyên riêng biệt (specific Antigen), vì trước kia chúng đã có lần được đặt vào Kháng Nguyên đó. Cho nên, khi gặp nhau trong tương lai chúng rất dễ kết hợp với nhau. B-Cells được nằm trong những cơ quan Bạch Huyết Bào (Lymphoid Organs), và tiết ra Kháng Thể (Antibodies) dùng để phản ứng với Kháng Nguyên (Antigens).  Trái lại, T-Cells tìm đến vùng bị nhiễm độc, để kết hợp với Kháng Nguyên (antigens).

8-TÍNH MIỄN NHIỄM (IMMUNIZATION):

     Có nhiều loại tính miễn nhiễm khác nhau như sau :

     8.1-Miễn Nhiễm Tự Nhiên(Natural Immunity)có được từ Kết quả sau một cơn bệnh. 

     8.2-Miễn Nhiễm Nhân Tạo(Artificial Immunity) : có được qua tiến trình tạo ra bởi con người.

     8.3-Mẫu Miễn Nhiễm Năng Động(Active Immunity) có tính chất tùy thuộc vào sự kích thích của sự phòng vệ riêng biệt cơ thể.  Sự miễn nhiễm như thế có thể kéo dài trong nhiều năm. Những chất thường cung cấp tạo nên tính miễn nhiễm lâu dài là những Kháng Nguyên (Antigens).  Thí dụ như trong việc bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa (Small Pox), và bệnh chó dại (Rabies), người ta dùng cách tiêm chủng vào cơ thể những Kháng Nguyên bằng những Virus sống, nhưng bị làm suy yếu. Hoặc một số tiêm chủng vi khuẩn, với những vi khuẩn chết trong tình trạng không còn hoạt động. Một số tiêm chủng độc tố (Toxoids) với những độc tố bị làm suy yếu. Tất cả sự tiêm chủng nhằm kích thích những mô tầng trong cơ thể, để tạo nên những Kháng Thể nhằm chống lại những Kháng Nguyên của bệnh tật.

    8.4- Mẫu Miễn Nhiễm Thụ Động (Passive Immunity): do bởi cơ giới phòng vệ của cơ thể không được kích thích. Cho nên, những kháng chất hóa học, những kháng độc tố (Antitoxins) được đưa thẳng vào bên trong cơ thể.  Sư miễn nhiễm thụ động nầy chỉ có tính cách tạm thời.

Một số người đã tìm thấy sự khó khăn để phân biệt giữa Vaccines, Toxoids, Serums (huyết thanh), và Antitoxins (kháng độc tố).

    -Vaccine là sự tiêm chủng với những Virus, hay cấy những vi khuẩn.

    -Toxoid được chuẩn bị từ môi trường trung dung cấy chất lỏng, mà trong đó những vi khuẩn hay Virus đã trưởng thành, và sinh ra những độc tố của chúng.

    -Một Serum (Huyết Thanh) là một phần chất lỏng của máu con người, hay động vật, mà có chứa những chất tạo ra sự miễn nhiễm.

    -Một Antitoxin là chất tạo sự miễn nhiễm được tinh chế rút ra từ Huyết Thanh (Serum).

    Vào năm 1798, y sĩ người Anh, Edward Jenner, đã khởi xướng cách thức ngăn ngừa bệnh đậu mùa (Small Pox), bằng việc tiêm chủng vào cơ thể người ta chất đậu bò (Cow Pox).Hiện nay, sự thực hiện việc chủng đậu rất phổ thông, và bệnh đậu mùa (Small Pox) chỉ còn lại tại một số vùng rất hẻo lánh, mà sự chủng ngừa đã bị chểnh mảng. Ngoài ra, việc chủng ngừa cần được khuyến khích, để tạo sự miễn nhiễm cho các trẻ em đối với một số bệnh như sau: Bạch Hầu (Diptheria), Ho Gà (Whooping Cough), Uốn Ván hay Phong Đòn Gánh (Tetanus), Tê Liệt (Polio), Cúm (Flu), Sởi (Measles), Ban hay Sởi Đỏ (Rubella), . . .

9-NHIỄM TRÙNG TỔNG QUÁT(General Infection):

     Có một số bệnh nhiễm trùng quá mãnh liệt, đến nỗi những độc tố tràn ngập nhanh chóng vào tất cả vùng đề kháng nơi xâm nhập, và bước vào dòng máu. Trong một số trường hợp, sự nhiễm trùng được tiến thẳng vào đường máu, nếu bệnh nhân không có sự tiêm chủng miễn nhiễm trước, sự nhiễm trùng như thế thường xảy ra rất nghiêm trọng, và đôi khi có thể chết người. Sự nhiễm trùng có thể xảy ra trong những trường hợp: cơn sốt thấp khớp (Rheumatic Fever), cơn sốt thương hàn (Typhoid Fever), và sự nhiễm trùng kinh niên ở những van tim (Heart Valves) gây bởi loại vi khuẩn liên cầu (Streptococus). Chúng có thể vượt qua cơ chế miễn nhiễm của cơ thể, để đi xuyên qua sự phát triển dần dần của những Kháng Thể (Antibodies).  Do đó, tiến trình bệnh trạng cần phải có một sự tranh đấu không ngừng, giữa sự nhiễm trùng và sức đề kháng. Kết quả sau cùng đưa đến là sự bình phục, hay bệnh tật kinh niên, hoặc bị chết.

 

10-TÍNH HỒI PHỤC SỨC KHỎE (Recovery):

       Ngay khi bệnh nhân được hồi phục, một số cơ quan hay mô tầng có thể bị ít nhiều suy yếu, vì những bộ phận nầy đã bị tổn thương trong lúc lâm bệnh. Trong trường hợp nầy, cơ thể vẫn có thể tiếp tục hoàn thành chức năng của nó một cách bình thường, nếu sự tổn thương của các tế bào không quá trầm trọng, chúng có thể phục hồi chức năng của chúng. Còn các tế bào đã bị chết có thể được thay thế một phần, bởi các tế bào khác, có cùng tính chất tương tự.Ngoài ra, nếu hậu quả việc trị lành bệnh mang đến một bệnh chứng khác, hoặc thương tật, hay sau cuộc giải phẫu lưu lại quá nhiều vết thẹo cho mô tầng, và sự thay thế một số tế bào quá nhỏ. Cho nên, sự giới hạn chức năng của các bộ phận nầy có thể xảy ra. 

     Tuy nhiên, cơ thể còn có một tuyến phòng thủ sau cùng để sang bằng sự giới hạn nầy, do bởi có quá nhiều mô tầng dự bị, trong nhiều trường hợp, mô tầng dự bị sẽ có đầy đủ chức năng, để kịp thời đáp ứng cho những nhu cầu bình thường của cơ thể.  Hơn nữa, như kết quả được biết, nhiều người với một số bộ phận, hay mô tầng bị thương tổn, mà họ vẫn sống lâu và khỏe mạnh dưới sự chăm sóc cẩn thận của y khoa.   

     Sau khi bị thương, nhiều mô tầng có thể được thay thế. Những mô tầng về cơ bắp, da, ngay như xương cũng đều được lành mạnh, phục hồi chức năng bình thường, ngoại trừ trường hợp vết thương quá trầm trọng. Những bộ phận chính yếu như tim có mức độ bình phục cao, sau một cơn bệnh trầm trọng, do từ độc tố bệnh yết hầu (Diphtheria Toxin), cơn sốt bệnh thấp khớp (Rheumatic Fever), hoặc ngay như bệnh công tim (Heart Attack). Đối với gan và thận, sự hồi phục bình thường có nhiều phần khó khăn hơn. Trái lại, những màng mỏng chứa chất nhờn của phổi, bao tử, ruột già, và những bộ phận nội tạng khác còn có khả năng xúc tiến phục hồi, sau khi chúng bị thương tổn trầm trọng. 

     Ngoài ra, một số bộ phận nhất định có thể làm thế chức năng của những bộ phận khác đang bị suy yếu. Thí dụ như bao tử có thể bị cắt bỏ hoàn toàn, và sự tiêu hóa vẫn còn tiếp diễn trong đường ruột, với một hiệu quả rất kém, nếu một ít thói quen ăn uống được sửa đổi. Sự cắt bỏ hay sự bất lực của những tuyến nội tiết (glands) hiện nay có thể được cứu chữa bằng việc cung cấp những kích thích tố (Hormones) tương xứng, mà những tuyến nầy tiết ra vào lúc bình thường. Việc dùng Tuyến Giáp Tố (Thyroxin) bằng đường miệng, và việc thay thế chất Insulin bằng cách chích vào thịt của bệnh nhân là những thí dụ điển hình. Trái lại, có những mô tầng đặc biệt không thể được thay thế bằng cách chữa trị, mỗi khi bị tàn phá. Thí dụ như dây thần kinh dùng trong việc nghe bị tê liệt, chức năng nghe của tai bị mất vĩnh viễn. Sự nhìn thấy của mắt bị mất khi dây thần kinh thị giác bị hư hoại. Khi những tế bào của các dây thần kinh cảm giác đặc biệt, não bộ, và cột xương sống bị hủy diệt, chúng không thể được thay thế bởi những tế bào thần kinh khác, nhưng được thay thế bởi mô tầng sẹo (scar tissue).  Vì vậy, khi một vùng não bị tàn phá, có liên hệ đến một chức năng nhất định ở vùng nào đó, lập tức, bộ phận nơi đó bị tê liệt. Thí dụ như sự kiểm soát bắp thịt ở vùng bàn tay, hay bàn chân, bàn tay và bàn chân sẽ bị tê liệt, nếu những bắp thịt khác không thể thay thế được những bắp thịt bị mất.  Thật ra, việc hồi phục toàn thể hay ít nhất một phần nào đó có  thể xảy ra sau khi vùng não bị chấn thương, nhưng đây là trường hợp những tế bào thần kinh vùng não chỉ bị tổn thương, chớ không bị hủy diệt. Nhiều tế bào thần kinh có những tua sợi dài mang những xung lực (sức đẩy ép tới lui) tới một điểm ở xa, hay mang những xung lực về từ  một điểm đó.  Nếu một tua sợi như thế bị cắt đứt nhưng tế bào không bị hủy hoại, chức năng sẽ phục hồi khi một tua sợi mới được tăng trưởng để thay thế tua sợi bị thương.Trong tiến trình chữa trị liên quan đến những mô tầng kém đặc biệt, những tế bào mới được cấu tạo chỉ trong trường hợp mô tầng được hoàn toàn tái tạo và phục hồi chức năng của nó./.

         -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn