PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 31606)

      PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH

             -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D. 

                                                             

1-KHÁI NIỆM VỀ VIỆC PHÒNG BỆNH:

     Theo y khoa cổ truyền, việc trị bệnh thường căn cứ trên những hiện tượng của triệu chứng, để xác định loại bệnh chứng đang xuất hiện, sau đó việc điều trị mới được áp dụng. Trái lại, việc phòng bệnh nhằm mục đích ngăn ngừa, không để bệnh chứng xảy ra, hay chẩn đoán để sớm biết, và tiêu diệt bệnh chứng vừa mới chớm nở, mà thường không có những triệu chứng biểu hiện trong giai đoạn sơ khởi. Vì vậy, việc phòng bệnh là một phần của y khoa và ngành chăm sóc sức khỏe, nhằm để nâng cao sức khỏe và giảm thiểu những nguy hiểm, xuyên qua những phương cách ứng dụng để tránh bệnh chứng, sự tàn phế, và tình trạng sớm thiệt mạng đối với con người.

     Ngoài ra, việc phòng bệnh còn tùy thuộc vào những yếu tố như: tuổi thọ (age), phái tính (sex), lịch sử gia đình (family history), thói quen (habit) cách sống (lifestyle), và môi trường thể chất và xã hội (physical and social environment). Tuy nhiên, khi một người nhận thức được những yếu tố bất lợi trong chính họ, họ cũng có thể tự áp dụng những bước tiến cải thiện để tối thiểu hóa chúng.

     Trong đời sống, con người không thể tiên liệu được sự may rủi, tốt xấu, và bệnh tật. Tuy nhiên, dựa vào  cấu tạo di truyền tính, và lịch sử gia đình, người ta có thể tiên liệu được một số bệnh chứng có thể xảy ra cho chính họ. Mặc dù không thể kiểm soát chúng, nhưng người ta có thể nhận biết một số đầu mối để phát sinh bệnh chứng nhất định nào đó. Thí dụ, một người với lịch sử gia đình có bệnh tiểu đường, họ có thể ở mức độ cao hơn những người khác để phát sinh bệnh tiểu đường. Vì vậy, họ nên quan tâm trong việc kiểm tra định kỳ mức độ đường trong máu, và tiếp nhận sự hướng dẫn của y sĩ để ngăn ngừa việc phát khởi bệnh tiểu đường. Tương tự như thế với những chứng bệnh khác như: bệnh ung thư ruột, ung thư ngực với phái nữ, bệnh tim, . . .

     Ngoài ra, thói quen cách sống (habits, lifestyles) cũng là một yếu tố khác đáng quan tâm trong việc xác định khuynh hướng sinh bệnh của con người. Thí dụ, một người biết cách xử lý những cố gắng quá sức (stress) trên những sự việc cũng là một yếu tố quan trọng. Vì việc làm giảm thiểu những áp lực hay sự cố gắng quá sức lực (stress) có thể giúp giảm thiểu mức áp huyết, để tránh những mối nguy hiểm của chứng đột quỵ (stroke), và cơn đau tim (heart attack). Mặt khác, những thói quen hút thuốc lá và không vận động thân thể có thể gia tăng những mối nguy sinh bệnh chết người. Tuy nhiên, để tránh những nguy hiểm sinh bệnh, người ta có thể cải thiện những thói quen này bằng cách chấm dứt tật hút thuốc lá và năng tập thể dục. Hơn nữa, một người có thói quen thường ăn nhiều thực phẩm có chất béo, họ có thể ở vào tình trạng gia tăng nguy hiểm của bệnh xơ cứng động mạch (atherosclerosis). Vì vậy, họ nên có y sĩ cố vấn  về chế độ ăn uống, và định kỳ kiểm soát mức độ mỡ trong máu (cholesterol level) của ho.

     Về phương diện môi trường thể chất và xã hội (thí dụ, tính quá khích hay bạo lực trong cộng đồng, nơi làm việc có tính nguy hiểm), những môi trường như thế cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy những yếu tố này cũng được quan tâm khi việc xác định những mối nguy hiểm của người ta. Thí dụ, một người làm việc với chất amiăng (asbetos), họ dễ có nguy cơ để phát sinh chứng bệnh phổi. Vì vậy, các nhà chăm sóc sức khỏe đề nghị những công nhân này nên được chụp hình phổi định kỳ để kiểm tra tình trạng phổi của họ. Cũng như, việc dùng những thiết cụ an toàn cho họ tại nơi làm việc như: việc mang mặt nạ có bộ phận lọc không khí. Một thí dụ khác, với những việc làm có những động tác, lập đi lập lại thường xuyên của sự duỗi cổ bàn tay như: việc làm dây chuyền lắp ráp trong kỹ nghệ, hay việc dùng máy đánh chữ vi-tính (computer keyboard); những việc như thế có thể sinh ra chứng đau nhức cổ tay (carpal tunnel syndrome), và gây hại đến những dây thần kinh, dây gân, dây chằng có liên hệ trong việc sử dụng lập đi lập lại của những phần nhất định trên cơ thể.

2-GIÁ TRỊ CỦA VIỆC PHÒNG BỆNH:

      Ngành y khoa phòng bệnh có thể giúp ích trong việc nâng cao sức khỏe con người, và có nguồn lực tiềm tàng giúp giảm thiểu tổn phí trong việc chăm sóc sức khỏe cho đại chúng. Một trong những thành công nhất của lịch sử y khoa phòng bệnh là sự phát triển và phổ biến  những việc tiêm chủng ngừa bệnh (vaccines). Bằng chứng những bệnh truyền nhiễm đã được giảm tối đa, hơn 99% trong số trường hợp cao điểm nhất của các bệnh như: bạch hầu (diphtheria), ho gà (pertussis hay whooping cough), uốn ván hay phong đòn gánh (tetanus), quai bị (mumps), sởi (measles), sởi đỏ (rubella), và bại liệt nơi trẻ em (polio).

     Y khoa phòng bệnh cũng có liên hệ đến những chương trình kiểm tra tìm bệnh (screening programs), mà chúng đã giúp giảm thiểu một số lớn tử vong do những bệnh chứng khác nhau gây ra. Thí dụ, bệnh ung thư cổ tử cung (cervical cancer) đã có lần là nguyên nhân thường nhất, gây thiệt mạng cho phái nữ Mỹ, nhưng kể từ 1955, nó đã được giảm thiểu đến 75% sau khi được áp dụng những chương trình kiểm tra tìm bệnh (screening programs), qua việc dùng Papanicolaou (Pap) smear. Từ đó, phái nữ bình thường đã được khuyên mỗi định kỳ vài năm nên có Pap smear một lần. Ngoại trừ, những phụ nữ có mối nguy hiểm cao nên có Pap smear mỗi năm thường xuyên hơn.

     Mặc dù các nhà chăm sóc sức khỏe đã cố gắng khuyến khích người ta nên chọn những cách sống lành mạnh hơn (healthier lifestyles), nhưng việc khuyến khích của họ đã không đạt được nhiều hiệu quả trong quần chúng. Bằng chứng cho thấy bởi ba chứng bệnh dẫn đầu trong số tử vong tại Hoa Kỳ: bệnh tim mạch, ung thư, và đột quỵ (stroke), đã liên hệ với những thói quen hay cách sống đáng thương của người ta, nhất là việc hút thuốc lá, việc dùng thực phẩm chứa chất béo cao độ cũng như cholesterol, và không tập thể dục thường xuyên.

     Sự kiện này đã cho thấy, mặc dù các nhà chăm sóc sức khỏe có thể giải thích những mối nguy hiểm gây bệnh của con người, và khuyến khích những thái độ chọn lựa tốt hơn, nhưng điều quan trọng nhất là do mỗi con người cá nhân, họ cần phải tự cảnh giác ở chính họ, và họ có thể tự quyết định làm những gì để cải thiện cách sống của họ được lành mạnh hơn.

3-THÀNH PHẦN TRONG VIỆC PHÒNG BỆNH:

     Có bốn thành phần chính trong ngành y khoa phòng bệnh: 1-Việc chủng ngừa (vaccinations) để ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm như: bệnh sởi (measles), bệnh bại liệt trẻ em (polio); 2-Chương trình kiểm tra tìm bệnh (screening programs) như chứng áp huyết cao, tiểu đường, và ung thư; 3-Việc dùng thuốc để ngừa bệnh (chemoprevention hay drug therapy) như thuốc làm giảm cholesterol để ngừa xơ cứng động mạch (atherosclerosis), thuốc aspirin ngừa đau tim hay công tim (heart attack), hay chứng đột quỵ (strokes), thuốc chống huyết áp cao để giảm áp huyết và ngừa chứng đột quỵ (strokes); 4-Việc cố vấn giúp người ta biết chọn cách sống lành mạnh như: tránh hút thuốc lá, dùng thực phẩm lành mạnh, và việc dùng dây nịt an toàn (seat belts) khi ngồi trong xe, . . . Những thành phần trong việc phòng bệnh được cung cấp để hoàn thành một trong ba vị thế ngừa bệnh như: sơ khởi, thứ nhì, và thứ ba:

     Trong vị thế ngừa bệnh sơ khởi (primary prevention), Người ta áp dụng những cách như: việc tiêm chủng ngừa, việc dùng thuốc ngừa bệnh, và cố vấn để tạo cách sống lành mạnh, nhằm để tiêu  diệt mầm mống bệnh chứng trước khi chúng bắt đầu phát sinh, cũng như giảm thiểu hay loại bỏ những yếu tố nguy hiểm gây hại cho sức khỏe. Trong những cách ngừa bệnh này, việc tùy thuộc vào lớp tuổi và các yếu tố có khuynh hướng sinh bệnh của mỗi người luôn luôn được chú ý đến.

     Trong vị thế ngừa bệnh thứ nhì, Những chương trình kiểm tra tìm bệnh (screening programs) được áp dụng, để khám phá và điều trị bệnh chứng sớm hơn, thường trước khi những triệu chứng xuất hiện, nhằm tối thiểu hóa những hậu quả bất lợi do bệnh chứng gây ra. Thí dụ: việc dùng quang tuyến X chụp hình để phát hiện ung thư ngực (breast cancer) qua mammography, và ung thư nhiếp hộ tuyến (prostate cancer).

     Ở vị thế ngừa bệnh thứ ba (tertiary prevention), một bệnh chứng có tính kinh niên được chế ngự để ngăn ngừa sự  mất thêm chức năng khác trong cơ thể. Thí dụ, việc ngừa bệnh ở vị thế thứ ba cho người bệnh tiểu đường (diabetes) được tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ mức đường trong máu, việc chăm sóc da được tốt lành, và năng tập thể dục để ngừa bệnh tim mạch. Ngoài ra, việc phòng bệnh ở vị thế thứ ba còn có thể liên hệ đến việc cung cấp những dịch vụ giúp đỡ và hồi phục sức khỏe, để tối đa hóa tính  chất của đời sống bệnh nhân, như là việc phục hồi sức khỏe từ những vết thương, bệnh công tim (heart attack), hay đột quỵ (stroke). Nó cũng bao gồm những tình trạng phiền phức trong số những người khuyết tật, như là việc ngăn ngừa  chứng lở loét vì nằm  liệt giường trong số những người khuyết tật./.

        -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn