TUỔI THỌ ĐỜI NGƯỜI

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 47230)

 

  TUỔI THỌ ĐỜI NGƯỜI

      -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

                                                           

1-MƯỜI THỜI KỲ TUỔI THỌ CON NGƯỜI:

     Theo các nhà tâm lý giáo dục, đời sống tâm sinh lý của con người được diễn biến và tiến trình lần lượt qua mười (10) thời kỳ tuổi thọ sau đây:

Thời Kỳ1: Thai Nhi (Prenatal Period). 9  tháng 10 ngày.

Thời Kỳ2: Sơ Sinh (Infancy Period). 2  Tuần  Đầu Đời.                           

Thời Kỳ3: Sơ Nhi (Babyhood Period).Sau 2 tuần – 2 tuổi.   

Thời Kỳ4: Ấu Nhi (EarlyChildhood). Tuổi 02 – 05.     

Thời Kỳ5: Thiếu Nhi (Late Childhood): Tuổi 06 - 10.    

Thời Kỳ6: Thiếu Niên, (Pre-Adolescence) Tuổi 11 – 14.

Thời Kỳ7: Thanh Niên, (Adolescence). Tuổi 15 - 19.    

Thời Kỳ8: Tráng Niên, (Early Adulthood). Tuổi 20 - 39.    

Thời Kỳ9: Trung Niên (Middle Adulthood). Tuổi 40 – 64.    

Thời Kỳ10: Cao Niên (Late Adulthood). Tuổi 65–về sau.

     Trong đời sống con người, không hẳn tất cả mọi cá nhân cùng nhau tiến đến những thời kỳ tuổi thọ vào cùng một lúc, và không hẳn mọi người đều có thể sống xuyên qua tất cả những thời kỳ nầy. Bởi vì, một số người có thể chết, hay bị giết trước khi họ sống trọn vẹn trong thời kỳ tuổi thọ bình thường của họ. Tuy nhiên, nếu được sống trường thọ, con người phải theo tiến trình lần lượt của mười (10) thời kỳ tuổi thọ nói trên. Trong mỗi thời kỳ, đều có những vấn đề biến chuyển khác nhau về thể chất lẫn tinh thần, và chúng cần phải được giải quyết trước khi mỗi cá nhân có thể tiến đến thời kỳ tuổi thọ kế tiếp. Nếu thiếu sót điều kiện nầy, kết quả cá nhân sẽ lâm vào tình trạng non kém, bị trở ngại trưởng thành trong cuộc sống .

2-ĐẶC TÍNH TUỔI THỌ CON NGƯỜI:

     Xưa nay, qua nhiều thế hệ, các nhà nghiên cứu nhận thấy đời sống con người hiện nay có hai đặc tính như sau:

    2.1-Ưu thế thiên về dân số người trẻ vào lúc xưa không còn nữa, mà được thay thế bởi những người già sống lâu hơn. Theo nghiên cứu, hiện nay, những tỷ lệ dân số thuộc mỗi thời kỳ tuổi thọ khác nhau, trở nên gia tăng một cách đồng đều; và vào một lúc nào đó, khoảng cách của những tỷ lệ nầy sẽ tiến đến gần ngang nhau.Theo Trung Tâm Kiểm Tra Dân Số Quốc Gia Hoa Kỳ (The Census, National Center For Health Statistic, Washington, D.C.,1977), tỷ lệ dân số Hoa Kỳ ở mỗi thời kỳ tuổi thọ khác nhau, vào năm 1970, được lượng giá sẽ tiến đến khoảng cách gần bằng nhau vào năm 2030. Sở dĩ, có sự thay đổi  nầy, vì số trẻ em được sinh ra hiện nay ít hơn trong quá khứ, do sự nâng cao các phương pháp ngừa thai hữu hiệu, và sự tiến bộ y khoa, cùng với môi trường sinh sống được cải thiện đã giúp cho sức khỏe con người càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong số người ở mỗi thời kỳ tuổi thọ, có sự khác biệt do số phái nữ chiếm đông hơn phái nam; đặc biệt, ở thời tuổi cao niên, nhất là những năm cuối đời.

   2.2-Tuổi thọ con người vào thế kỷ 20 đã được gia tăng hơn bao giờ hết, trong lịch sử loài người trước đây. Thí dụ, tại Hoa Kỳ, từ 1900, tuổi thọ người Mỹ trung bình được gia tăng gần 27 năm (từ 48 đến 75 tuổi). Trong đó, ở mức trung bình, người Mỹ da trắng có tỷ lệ sống lâu hơn những sắc dân thiểu số khác. Thí dụ; vào năm 1900, triển vọng tuổi đời cho phái nam da trắng là 48.2 năm; cho phái nữ da trắng là 51 năm. Đến năm 1970, triển vọng tuổi đời được nâng cao cho phái nam da trắng là 67.5 năm, và cho phái nữ da trắng được nâng cao là 75 năm. Trái lại, đối với người da đen, và những nhóm sắc dân thiểu số khác, triển vọng tuổi đời cho cả hai phái nam lẫn nữ có nhiều năm ít kém hơn người da trắng.

     Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của người da đen cao hơn người da trắng, hay những sắc dân thiểu số khác. Thí dụ, theo thống kê Hoa Kỳ năm 1989, số tử vong được tính trên tỷ lệ 100,000 dân số Hoa Kỳ như sau:  số tử vong của người da đen là 2,024 được so sánh với các sắc dân khác như: 1,316 người Mỹ thổ dân da đỏ, 1,014 người gốc Tây Ban Nha, 816 người da trắng, và 660 người Mỹ gốc Á Châu (theo tài liệu Adams & Benson, 1991).

     Nói chung, nguyên nhân chính dẫn đến tử vong người Mỹ, phần lớn, từ các bệnh tim, đột quỵ (stroke), ung thư, tai nạn và giết người. Riêng về số tử vong do tai nạn và giết người, người da đen có tỷ lệ cao hơn tám lần người da trắng; người Mỹ gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ cao hơn bốn lần người da trắng không thuộc gốc Tây Ban Nha.

    Đặc biệt, nhóm người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương với nhiều chủng tộc khác nhau, trong những năm gần đây, đã có dân số gia tăng nhanh nhất tại Hoa Kỳ. Dân số gia tăng nầy kể cả giữa những người Mỹ gốc Á Châu trước đây (như người Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, và Phi Luật Tân), và những người Á Châu mới nhập cư, cùng với những người tỵ nạn gần đây từ Đông Nam Á. Nói chung, số tử vong của người Mỹ gốc Á Châu và đảo Thái Bình Dương có một tỷ lệ thấp nhất đối với những sắc dân khác tại Hoa Kỳ. Thí dụ, mặc dù bệnh tim mạch là nguyên nhân chính đưa đến sự chết cho họ, nhưng tỷ lệ tử vong về bệnh nầy vẫn thấp hơn, sánh với người Mỹ da trắng và những sắc dân thiểu số khác. Cũng như, tỷ lệ tử vong của họ về trẻ em, tai nạn giết người, và tự tử vẫn thấp hơn đối với những nhóm sắc dân khác.

3-NHỮNG ĐIỀU KIỆN ẢNH HƯỞNG  TUỔI THỌ:

     Trong đời sống, không một ai có thể tiên đoán được tuổi đời của một cá nhân là bao lâu. Đây là một sự thật, từ xưa đến nay. Tuy nhiên, theo A. Scheinfeld đề nghị ba yếu tố sau đây, được chú ý nhất để có thể phỏng đoán tổng quát, về triển vọng tuổi thọ của chúng ta:

      3.1-Yếu tố thứ nhất là “Môi Trường Sinh Sống”: bao gồm những hoàn cảnh, người vật chung quanh, trong đó chúng ta đã khởi đầu cho cuộc sống; và dưới những “Điều Kiện” nào chúng ta đã và đang sống sau đó.

     3.2-Yếu tố thứ hai là “Tính Chất Di Truyền” nặng nhẹ nơi tổ tiên chúng ta, bao gồm những chứng bệnh di truyền, sự khiếm khuyết đặc biệt trong lúc thai nhi, tính đề kháng cơ thể, và phái nam hay nữ của chúng ta.

     3.3-Yếu tố thứ ba“Sự May Rủi Trong Đời Người” Tùy theo sự may rủi đưa đến có thể gây ảnh hưởng lâu dài hay rút ngắn tuổi đời chúng ta.

    3.4-Ngoài ra, theo nghiên cứu khoa học, tuổi thọ đời người dài hay ngắn còn chịu ảnh hưởng dưới những điều kiện sau đây:

           3.4.1-Tính Di Truyền (Heredity): Tuổi thọ của một cá nhân còn tùy thuộc vào huyết thống của gia tộc như tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

           3.4.2-ĐặcTínhThểChất -Physical Characteristics: Cơ thể cá nhân với tầm vóc trung bình có khuynh hướng sống lâu hơn những cá nhân quá cao hay quá thấp, hoặc có sức nặng dưới hay trên mức trung bình.

           3.4.3-ĐiềuKiện ThểChấtChung (General Physical Condition): Một cá nhân có những điều kiện thể chất tốt trong suốt cuộc đời, đặc biệt nhất là trong những năm trưởng thành: từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên, thường có nhiều thuận lợi để sống lâu hơn.

          3.4.4-Phái Tính(Sex):Nữ  thường sống lâu hơn nam.

          3.4.5-Sắc Dân (Race): Ở Châu Mỹ, những dân da đen, Puerto Ricans, và những sắc dân thiểu số khác có tuổi thọ ngắn hơn những dân da trắng.

          3.4.6-Địa Lý (Geographic Location): Người sống trong thành phố, và vùng ngoại ô có khuynh hướng sống lâu hơn người sống nơi vùng thôn dã, do kết quả của phương tiện y khoa và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

          3.4.7-Mức Sống Xã Hội Kinh Tế (Socioeconomic Level): Mức sống xã hội-kinh tế càng cao, tuổi thọ càng dễ có khuynh hướng kéo dài hơn.

          3.4.8-Sự Thông Minh (Intelligence): cá nhân có mức thông minh cao, và người làm việc về trí tuệ thường sống lâu hơn người kém thông minh.

          3.4.9-Giáo Dục (Education): Người được giáo dục tốt thường có khuynh hướng sống lâu hơn người bị giới hạn giáo dục.

          3.4.10-Việc Hút Thuốc Lá, Uống Rượu (Smoking and Drinking): Người không hút thuốc lá và không uống

 

rượu có khuynh hướng sống lâu hơn người hút thuốc lá và uống rượu một cách quá độ.

          3.4.11-Tình Trạng Hôn Phối (Marital Status): Người đang sống kết hôn, hay đã có lần kết hôn thường sống lâu hơn người chưa bao giờ kết hôn.

          3.4.12-Năng Lực Cao (Efficiency): Người có năng lực cao thường sống lâu hơn người không có năng lực, vì họ tiêu xài ít năng lực hơn trong việc làm của họ.

          3.4.13-Mối Lo Âu (Anxiety): Thường bị đau khổ từ mối lo âu, vì việc làm, gia đình, vấn đề kinh tế tài chánh, hay những việc khác, thường dẫn đến tình trạng áp huyết cao, và có thể làm giảm ngắn tuổi thọ đời người.

          3.4.14-Hạnh Phúc (Happiness): Người có niềm vui hợp lý hàng ngày, và được hài lòng với cuộc sống bình thường, sẽ có khuynh hướng sống lâu hơn những người đau khổ và không hài lòng về đời sống của mình.

          3.4.15-Nghề Nghiệp (Occupation): Nghề nghiệp mưu sinh có thể ảnh hưởng mạnh trên tuổi thọ con người.

      Theo A. Scheinfeld, thí dụ sau đây về mức tuổi thọ có liên hệ đến một số nghề mưu sinh của người Mỹ La Tinh:

     -Mức Tuổi Thọ Cao (lần lượt tuổi thọ từ cao xuống thấp như): nghề giáo sư đại học (college professors), Cán Sự Xã Hội (Social Workers), Nghề Giáo (Teachers), Kỹ Sư (Engineers), Tu Sĩ (Clergymen), Nông Gia (Farmers), Thư Ký Văn Phòng (Clerical Workers), Y Sĩ & Nhà Giải Phẫu (Physicians & Surgeons), Quản Lý Viên (Managers), Chủ Nhân Nghiệp Vụ (Proprietors), Công Chức Văn Phòng (Civil Officials), Luật Sư (Lawyers), Thẩm Phán (Judges).

 

     -Mức Tuổi Thọ Trung Bình: gồm có những người bán hàng (Sales Workers).

     -Mức Tuổi Thọ Thấp (lần lượt xuống thấp nhất như): Công Nhân Thợ Mỏ (Miners), Nghề Nhạc Sĩ (Musicians), Cảnh Sát (Policemen), Tài Xế Taxi (Taxi Drivers), Nghề Làm Lao Động (Laborers), Lính Cứu Hỏa (Firemen), Những Tác Giả (Authors), Biên Tập Viên Báo Chí (Editors), Phóng viên Nhà Báo (Reporters), Nghề Hầu Bàn Tại Nhà Hàng (Waiters), Nghề Phục Vụ Tại Quầy Rượu (Bartenders), Tài Xế Lái Xe Vận Tải (Truck Drivers), và Nghề Chuyển Giao Hàng (Deliverymen).

4-TUỔI  THỌ TĂNG THEO ĐÀ CẢI TIẾN Y KHOA:

     Theo thống kê, vào thế kỷ 19, số tử vong trước tuổi 50 chiếm tỷ lệ cao hàng năm, và số lớn tử vong đã xảy ra vào thời thơ ấu. Vào những năm cuối thế kỷ 19, kỳ vọng tuổi thọ của con người mới bắt đầu được nâng cao, từ sự cải tiến về mặt dinh dưỡng, và vệ sinh công cộng. Vào đầu bán thế kỷ 20, tiến bộ y khoa bắt đầu một thời đại mới, việc phát sinh thuốc kháng sinh đã làm giảm thiểu mức tử vong từ các bệnh truyền nhiễm. Kế tiếp, vào giữa thế kỷ 20, những chương trình tạo sự miễn dịch, cho hàng loạt những bệnh truyền nhiễm, được phát động rộng rãi, và đã bảo vệ khoảng 80% trẻ em trên thế giới; và ngăn ngừa được hàng triệu tử vong mỗi năm. Hơn nữa, có rất ít người cao niên bị bệnh trầm trọng trước tuổi 70.

     Theo tài liệu nghiên cứu Hoa Kỳ, một số sự kiện căn bản đánh dấu những khám phá đặc biệt trong lãnh vực y khoa, để mang đến sự cải tiến sức khỏe và tuổi thọ con người vào thế kỷ 20 như sau:

    -Năm 1904, một số hóa chất bảo tồn thực phẩm (food preservatives) được tìm thấy có hại cho sức khỏe cơ thể.

    -Năm 1916, y viện kiểm soát sinh sản đầu tiên được thành lập tại New York.

    -Năm 1922, bệnh còi xương (Rickets) được khám phá do thiếu chất dinh dưỡng Vitamin D trong cơ thể.

    -Năm 1923, đầu tiên, việc tạo tính miễn dịch cho bệnh bạch hầu (Diphtheria) được giới thiệu đến công chúng.

    -Năm 1926, việc chích ngừa bệnh ho gà (Whooping Cough, Pertussis) được giới thiệu đến công chúng.

    -Năm 1927, việc chích ngừa bệnh lao phổi (Tuberculosis) và bệnh uốn ván hay phong đòn gánh (Tetanus) được giới thiệu đến công chúng.

    -Năm 1928, lần đầu tiên, chứng ung thư cổ tử cung phụ nữ được khám phá qua việc thử nghiệm (Pap Test).

    -Năm 1946, lần đầu tiên, việc hút thuốc lá được tìm thấy có sự liên hệ đến việc ung thư phổi.

    -Năm 1948, kết quả nghiên cứu về bệnh tim được công bố rộng lớn tại Hoa Kỳ.

    -Năm 1955, lần đầu tiên, việc chích ngừa bệnh tê liệt (Polio) được áp dụng cho trẻ em tại Hoa Kỳ.

    -Năm 1956, Sinh Tố Vitamin D được áp dụng pha trộn trong bánh mì, và các sản phẩm sửa đã làm giảm số lớn chứng bệnh còi xương (Rickets).

    -Năm 1967, việc tập thể dục được tìm thấy có hiệu quả làm giảm thiểu sự nguy hiểm bệnh tim mạch.                                        

     -Năm 1968, luật Hoa kỳ bắt buộc tất cả xe hơi phải có những dây nịt an toàn (seat belts).

    -Năm 1970, lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, những thử nghiệm truy tầm bệnh (Screening Tests) được công bố về hiệu quả đã làm giảm thiểu những trường hợp ung thư cổ tử cung, và đã giảm thiểu gần 70% tử vong  từ năm 1950.

    -Năm 1975, nhiều chứng ung thư được tìm thấy, vì liên quan đến những thực phẩm chứa nhiều chất béo động vật, và những thực phẩm chứa ít chất sơ (Fiber).

    -Năm 1981, chương trình hướng dẫn an toàn tình dục, đề phòng bệnh dịch AIDS được công bố cho quần chúng.

    -Năm 1984, ung thư phổi được tìm thấy do hít khói thuốc lá (Passive Smoking) từ người khác đưa đến.

     Ngoài ra, còn nhiều khám phá y khoa khác chưa được nêu ra vì sự giới hạn của bài nầy.

     Theo thống kê Hoa Kỳ, hiện nay có sự gia tăng số người sống khỏe trong lớp tuổi thành nhân, và tuổi thọ trung bình cho trẻ sinh ra sẽ có triển vọng sống trên 75 tuổi. Người có tuổi thọ gần 70 có thể hy vọng sống ít nhất đến 85 đối với phái nam, và ít nhất 89 tuổi hy vọng cho phái nữ. Ngoài ra, bên cạnh gia tăng tuổi thọ, những nguyên nhân chính của số tử vong và bệnh tật cũng có nhiều thay đổi trong thế giới phát triển. Thí dụ như các bệnh truyền nhiễm và thiếu dinh dưỡng đã được thay thế bởi các chứng bệnh như: bệnh tim, ung thư, chứng đột quỵ (stroke), và bệnh phổi liên hệ đến việc hút thuốc lá. Nhiều bệnh chứng nầy đã được hội nhập mạnh mẽ vào trong cách sống hàng ngày của người dân, để tiêu biểu cho một xã hội sung túc, với thói quen dinh dưỡng nặng mùi chất béo, và thiếu vận động thể dục của người dân.

     Hơn nữa, những tai nạn, đặc biệt là tai nạn lưu thông, còn là những nguyên nhân khác gây nên tử vong, và gây tàn phế cơ thể con người. Với sự gia tăng tuổi già, một số bệnh tật thường phát triển như: yếu kém thị giác và thính giác, bệnh viêm khớp xương, và mất trí nhớ, . . .

     Mặc dù, con người hiện nay được hưởng nhiều năm sống khỏe tốt hơn trước đây, và tuổi thọ được kéo dài thêm; nhưng những người già có thể còn phải chịu đựng một thời kỳ tàn phế thể chất, trung bình khoảng gần mười (10) năm, vì các chứng bệnh về tâm thần và thể chất của họ. Một hình ảnh đã không thay đổi nhiều trên một thế kỷ nay. Tại Hoa Kỳ, hiện nay càng ngày càng có nhiều người sống quá tuổi tám mươi (80). Có lẽ, đây là sự thật của một thời kỳ bi quan trong tuổi già, mà sức khỏe càng ngày càng bị suy yếu, kéo dài cho đến lúc mãn phần.

      Tóm lại, từ khi chào đời đến lúc già yếu mãn phần, con người sống qua năm tháng, với biết bao biến đổi vui buồn, sướng khổ lẫn lộn. Khi vào tuổi già yếu, phần đông người ta thường hối tiếc thời gian đã trôi qua, với những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, và những thành quả tốt đẹp ở tuổi thanh xuân. Do đó, hầu hết người đời thường cho rằng đời sống là ngắn ngủi, với những thời kỳ tuổi thọ giới hạn. Hơn nữa, do bản năng sinh tồn “ham sống sợ chết”, người ta đã tự hỏi: “-Con người làm thế nào để được sống mãi trường thọ không già?” Theo sách sử, người xưa đã từng có những giấc mơ lý tưởng đi tìm những phương thuốc “trường sinh bất lão” để kéo dài tuổi thọ con người, và cho đến nay, lý tưởng đó vẫn còn biền biệt trong huyền thoại, chưa có câu trả lời thích đáng.     Theo cơ quan về tuổi già của Hoa Kỳ(US.Government’s National Institute on Aging), hiện nay giới thẩm quyền Hoa Kỳ vẫn chưa được biết có những loại thuốc nào, hay những cách điều trị chống lão hóa, hoặc những loại thuốc bổ dưỡng nào, để làm chậm lại tiến trình lão hóa, và kéo dài tuổi thọ con người. Tuy nhiên, nhằm nâng cao sức khỏe, và cải thiện sự sống được lành mạnh hơn, để có thể giúp cho tuổi thọ con người được khả quan hơn; cơ quan nầy đã đưa ra một số gợi ý tương đối. Thí dụ như: con người nên ăn uống điều độ với những thức ăn uống tươi tốt lành mạnh, nên siêng năng tập thể dục, nên giữ sức nặng thân thể ở mức trung bình vừa tầm vóc khỏe mạnh, nên khám sức khỏe thường xuyên, nên có đủ thời gian ngũ nghỉ và thư giãn, nên tránh hút thuốc lá, nên giữ điều độ trong việc uống rượu, và nên tránh quá nhiều giờ ngoài trời nắng nóng hay trời lạnh, . . .

      Hơn nữa, theo các giới y khoa và tâm lý học, những yếu tố về tâm lý cũng cần được quan tâm đến. Thí dụ, đời sống tinh thần, thái độ, và những sinh hoạt hàng ngày cũng đóng một vai trò quan trọng, trong việc nâng cao sức khỏe và gia tăng tuổi thọ con người./.

      -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn