TÂM THÂN AN LẠC

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 34937)

 


TÂM THÂN  AN LẠC

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

      Sức khỏe thể chất và tinh thần (tâm thần) của con người có một sự liên hệ rất chặt chẽ. Do đó, bệnh tật lâu dài của thân thể có thể đưa đến những cảm giác suy nhược tinh thần như: bệnh trầm cảm (depression), lo âu (anxiety), …và ngược lại.

      Thông thường, người ta có cảm giác suy nhược tinh thần, phần lớn do tình trạng cố gắng quá sức về thể chất, hay bị căng thẳng, hay bị áp lực tinh thần trong đời sống hàng ngày.

      Vì vậy, người ta cần phải tạo ra những thay đổi thích nghi trong cách sống, để giúp cho tình trạng thể chất và tinh thần trở nên tốt đẹp hơn.

1-VẤN ĐỀ SỨC KHỎE TINH THẦN:

     Mặc dù người ta có thể đề phòng, hay điều trị tại gia những vấn đề tâm thần sơ khởi; nhưng một số bệnh trầm trọng khác cần được sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn trị bệnh tâm thần. Vì bệnh tâm thần được sinh ra do sự tác động của những biến đổi hóa chất trong não bộ.

     Do đó, mục tiêu điều trị nhằm vào việc tái tạo sự quân bình của tiến trình hóa chất trong não bộ. Thông thường, sức khỏe tinh thần còn bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề khác như: rượu, thuốc hóa chất, sự cố gắng làm việc quá sức của cơ thể, sự căng thẳng tinh thần (spiritual strains), sự tức giận, sự thù oán, sự lo âu, buồn rầu quá đáng, trầm cảm, việc ăn uống bị rối loạn, sự mất ngủ, chán đời, thất vọng, có ý tưởng tự tử, thái độ bạo động,...

      Nói chung, sự giúp đỡ của chuyên gia tâm thần rất cần thiết, khi người ta có những triệu chứng như sau:

      -Chứng tâm thần gia tăng, hay bị gián đoạn từng hồi. -Triệu chứng thể hiện qua hành vi thường liên tục, và bất lực tự chăm sóc cho mình. -Triệu chứng gia tăng, và ảnh hưởng làm bất lực trên tất cả lãnh vực trong đời sống cá nhân, và giao tiếp với những người chung quanh. -Bệnh nhân có ý tưởng, hay thể hiện bằng lời nói về việc tự tử.

2-SỰ LIÊN HỆ GIỮA CƠ THỂ VÀ TÂM TRÍ:

       Trong ngành y khoa hiện đại, người tây phương đang có những khám phá khả quan, về sự liên hệ mật thiết giữa tình trạng sức khỏe tâm trí, và cơ thể của con người.

       Theo các nhà nghiên cứu, ngoài những chức năng khác, não còn có chức năng sinh ra những hóa chất, để nâng cao sức khỏe con người. Thí dụ như: não có thể sinh ra chất “Endorphins” nhằm tiêu trừ sự đau đớn trong cơ thể; chất “Gamma globulin” để củng cố thêm sức mạnh cho hệ miễn nhiễm của con người; và chất “Interferon” giúp cơ thể đề kháng, và chống lại sự nhiễm trùng, những độc tố, kể cả bệnh ung thư. 

      Hơn nữa, chức năng của não còn đi xa hơn, nó có thể kết hợp những hóa chất khác nhau, để tạo thành một tổng thể sức mạnh to lớn, nhằm thích nghi tiêu trừ những cội nguồn gây đau đớn cho cơ thể.

      Ngoài ra, một số hóa chất do não sinh ra cũng tùy thuộc một phần vào những ý tưởng, cảm giác, và những niềm tin tích cực lạc quan của con người. Thí dụ; nếu chúng ta có thái độ tiêu cực đối với một bệnh tật, hay không có niềm tin, hoặc hy vọng tốt lành để trị lành bệnh.

      Từ đó, não của chúng ta có thể không sản xuất vừa đủ những hóa chất, mà cơ thể cần để trị lành bệnh cho chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta có những thái độ, và niềm tin tích cực lạc quan hơn, não sẻ tích cực sản xuất ra những hóa chất, với một số lượng vừa đủ hơn, để nâng cao sức mạnh trị lành bệnh cho cơ thể.

     Trái lại, sức khỏe thể chất còn có thể tác động gây ảnh hưởng trên chức năng của não, để sinh ra những hóa chất gây ảnh hưởng đến đời sống tâm thần. Thí dụ như: Một bệnh tật, hay vết thương trầm trọng, khiến cho thân thể chịu đựng quá sức (physical stress) trong dài hạn, có thể đưa đến sự mất quân bình của những hóa chất trong não; và từ đó, dẫn đến chứng bệnh trầm cảm (depression), và những vấn đề tâm thần khác.

3-Ý TƯỞNG TÍCH CỰC LẠC QUAN:

      Mặc dù, với những thái độ tích cực lạc quan, người ta sống một đời sống đầy thú vị hơn, nhưng thử hỏi họ sống có được khỏe mạnh hơn không? Câu trả lời thường là “Có.”

      Bởi vì tính lạc quan là một tiềm lực giúp cho việc trị lành bệnh tật. Cho nên, những người lạc quan dường như dễ vượt qua những cơn đau nhức, và nghịch cảnh để đạt được kết quả điều trị bệnh tật. Thí dụ như: Sau giải phẫu thông mạch máu, người lạc quan thường mau bình phục hơn, và ít có những biến chứng hơn người bi quan.

      Do đó, việc áp dụng những kỹ thuật sau đây có thể nâng cao sức khỏe, và tinh thần tích cực lạ quan của chúng ta:

     3.1-Sáng Tạo Triển Vọng Tích Cực Cho Sức Khỏe:

      Theo y học, hiệu quả việc trị bệnh, ngoài y thuật, một phần còn tùy thuộc vào sức mạnh mong ước tiềm tàng trong tâm tưởng của bệnh nhân. Việc nầy đã được minh chứng bởi sự tác dụng của thuốc làm yên lòng bệnh nhân “Placebo Effect”. Placebo là thuốc điều trị về tâm lý, không có chứa dược chất thật sự, nhằm để giúp bệnh nhân khi dùng, họ sẽ có niềm tin tưởng được lành bệnh.

      Theo thống kê, có khoảng 35% bệnh nhân khi dùng thuốc “Placebo” đã có kết quả giúp bệnh trạng được giảm nhẹ, mặc dù Placebo không có chứa dược chất thật.. Do đó, việc thay đổi hy vọng từ tiêu cực đến tích cực có thể nâng cao sức khỏe con người. Sau đây là những phương cách để tạo ra sự thay đổi cho chúng ta:

      -Nên chấm dứt ý nghĩ và lời nói tiêu cực bi quan. Nên tạo ra, và bày tỏ những quan điểm tích cực lạc quan hơn, nhằm gia tăng sự bình phục sức khỏe.

     -Hãy tự nói lên những lời mạnh dạn quả quyết, những câu xác định tích cực để cho chính bản thân chúng ta nghe rõ. Thí dụ: Tôi là người có đầy năng lực. Những khớp xương của tôi thật sự vững mạnh và uyển chuyển.

     -Hãy hình dung, bằng cách mường tượng trong tâm trí những hình ảnh lành mạnh, và quán tưởng nhiều lần, để củng cố cho những xác định tích cực của chúng ta.

      -Đừng tự trách mình, và đừng cảm thấy mình có tội. Bởi vì, cảm giác tội lỗi sẽ không có giá trị lành mạnh. Trong lúc chúng ta còn cần có nhiều việc để làm giảm nhẹ bớt những nguy hiểm cho sức khỏe, và tạo ra những cơ hội tốt để hồi phục sức khỏe của chúng ta. Mặc dù, có một số bệnh tật dai dẳng ngoài ý muốn, nhưng chúng ta vẫn làm trong khả năng chúng ta có thể làm được.

      3.2-Nên Mở Rộng Tâm Hồn Vui Sống, Và Thương Yêu Con Người: Trong đời sống, những cảm xúc tích cực thường giúp nâng cao sức khỏe. Do đó, bất cứ việc gì khiến chúng ta có cảm giác tốt đều giúp cho chúng ta được lành mạnh. Sau đây là một số đề nghị có thể góp phần để tâm hồn vui sống của con người được mở rộng:

         -Nên Vui Cười. Tiếng cười được mang đến do tính khôi hài sẽ tạo cho đời sống thêm phần phong phú và lành mạnh.  Sự  vui cười làm gia tăng tính sáng  tạo, giảm bớt sự đau buồn, và gia tăng việc trị lành bệnh. Do đó, chúng ta nên có những vật giải trí như: băng, sách kể chuyện vui cười, những tranh ảnh hí họa, . . .

           -Nên kết giao bạn bè. Tình thân hữu giữ một vai trò không kém phần quan trọng trong sức khỏe của chúng ta. Những mối xã giao thân thiết với bạn bè có thể giúp bệnh trạng chúng ta được bình phục mau chóng hơn, và   giảm bớt sự nguy hiểm phát sinh những bệnh chứng từ đau thấp khớp đến bệnh trầm cảm.

           -Nên có tinh thần tình nguyện. Những người có tinh thần tình nguyện thường có đời sống trường thọ hơn, và tận hưởng một đời sống vui thích hơn, sánh với những người không có tính tình nguyện. Bởi vì, bằng việc giúp người khác, chúng ta cũng tự giúp cho chúng ta.

           -Nên trồng cây và yêu quí thú vật. Vườn cây và thú vật có thể là phương thuốc tốt, giúp chữa trị một số bệnh về nhịp tim, áp huyết, và tâm thần.

    3.3-Nên Kích Thích Sức Mạnh Tâm Linh:

     Những tín ngưỡng, lời cầu nguyện, và sự tin tưởng tôn giáo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, và chữa lành bệnh cho người ta./.

    -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn