09-13-GIỚI THIỆU SÁCH: " SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại ". Có 5 Nhân Sĩ : 09-Nhà Văn Ký Giả Thanh Thương Hoàng; 10-Giáo Sư Lực Sĩ Nguyễn Thành Nhơn; 11-Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Khắc Hàm; 12-Nhà Văn Nguyễn Văn Phần / Văn Phan; và 13-Giáo Sư Nguyễn Thành Long.

08 Tháng Hai 20229:42 CH(Xem: 13443)

 

09-Nhà Văn & Ký Giả THANH THƯƠNG HOÀNG,

Cựu Chủ Tịch, Nghiệp Đoàn Ký  Giả VNCH.

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm

" SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.


                                                         -LỜI NHÀ XUẤT BẢN: 

      Nhà Văn Thanh Thương Hoàng tên thật là Nguyễn Thanh Chiểu, nguyên quán Nghệ An, sinh quán Hải Ninh. Khởi sự viết văn từ 1953 tại Hà Nội.
Năm 1954 vào Nam.

* Từ 1954-1975: -Ông đã cộng tác và chủ trương Nhiều Tạp chí, Bán nguyệt san, Tuần báo văn nghệ kịch ảnh; -Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn, Chủ bút, Chủ nhiệm; -Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam; -Chủ tịch Hợp Tác Xã Kiến Ốc NĐKGVN đã xây dựng Làng Báo Chí Việt Nam với hơn 300 căn nhà cho các Ký Giả & Văn Nghệ Sĩ; -Phó Chủ tịch Hội Đồng Báo Chí Việt Nam.

*Từ 1976-1985: Bị Cộng Sản bắt tù cải tạo với tội danh “Văn Nghệ Sĩ Báo Chí phản động”.
-Tháng 5-1999 được định cư tại Hoa Kỳ do sự can thiệp của các Tổ Chức Văn Bút Quốc Tế, Hội Bảo Vệ Gia Đình Tù Nhân Chính Trị VN, và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Hiện sinh sống tại SanJose, CA.
-Năm 2003, Chủ nhiệm & Chủ bút Tuần Báo ĐỜI, SanJose. -Các Tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ: -Tiến Sĩ Lê Mai, 
-Người Mỹ Cô Đơn, -Những Nỗi Đau Đời, -Ông Tướng Tỵ Nạn, -A Lonely American, -Dòng Suối Tập Truyện, . . .) /.

 

Nhà Văn & Ký Giả THANH THƯƠNG HOÀNG

Cựu Chủ Tịch, Nghiệp Đoàn Ký  Giả VNCH

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm

" SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.


Kính Thưa Quí Đồng Hương;

     Với cuốn sách dầy 600 trang mà tôi có cảm tưởng như là một cuốn tự điển về dưỡng sinh quan hiện đại. Đây là cuốn “SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại” của Tiến Sĩ  VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D. Với học vị Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ đủ để bảo đảm những vấn đề ông viết ra là đúng đắn, và có giá trị thực tiễn.
     Ngoài một nhà biên khảo khoa học, ông còn là một Võ sư với một bề dầy trên 30 năm giảng dạy môn Võ Lâm Đạo Việt Nam và Dưỡng Sinh /Health & Nutrition Sciences, tại nhiều trường Đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ. Đồng thời, ông là một nhà hoạt động xã hội tên tuổi, và Chủ tịch sáng lập Volamdao Vietnam Kungfu World Federation, Inc. từ năm 1982 tới nay.

     Cuốn “SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại”, theo tôi, Tiến Sĩ Vũ Đức Âu Vĩnh Hiền đã phải bỏ ra rất nhiều thời giờ để nghiên cứu tài liệu sách vở của các nhà bác học tên tuổi trên thế giới (xưa và nay) để biên soạn ra cuốn sách này. Tuy những vấn đề ông đặt ra rất là đời thường nhưng lại vô cùng quan trọng trong đời sống chúng ta. Đó là miếng ăn manh áo, đó là ốm yếu bệnh tật, đó là lo âu sợ hãi bất định, đó là hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình……... Sống giữa thời đại này đời sống con người ngày càng phức tạp, ngày càng cam go vất vã với biết bao lo âu phiền toái, với biết bao thắc thỏm sợ hãi khổ đau, thường trực đối đầu với chiến tranh, với đói khác, với bệnh tật, với chết chóc. Như có cả ngàn sợi dây vô hình (qua ăn uống, hít thở, ngủ nghỉ, làm việc, hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si,..vv…...) của cuộc đời trói chặt lấy chúng ta. Càng sống buông thả thân xác, chạy theo dục vọng, ham muốn, chúng ta càng lún sâu vào con đường một chiều, ngõ cụt, lầy lội, bế tắc, tiến dần đến cái chết lúc nào không biết. Vậy làm sao giải tỏa giải thoát để cứu nguy, để sống một đời sống vui khỏe lành mạnh, an toàn bản thân, hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và trường thọ?

     Tiến Sĩ Vũ Đức Âu Vĩnh Hiền đã dẫn dắt chúng ta vào một con đường – có thể coi như một con đường mòn cũ, vì trước ông đã có nhiều người viết.  Nhưng với 7 chương sách gồm 63 tiết mục, tác giả hướng dẫn từng bước, từng bước một (có dẫn chứng cụ thể) với đầy đủ chi tiết để người đọc dễ hiểu và dễ thấm, sau đó là “tri với hành”. Chẳng hạn như chương 1, tác giả viết về dưỡng sinh quan dẫn nhập; chương 2 dinh dưỡng ẩm thực (ăn chay dưỡng sinh, ăn chay tốt hơn ăn mặn); chương 3 vận động thân thể. Tuy những đề tài tưởng như tầm thường nhưng thật cần thiết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn có một đời sống vui khỏe, yêu đời. Sau đó, tác giả lần lượt viết về tìm hiểu bệnh tật để phòng ngừa hoặc tự chữa bệnh. . . (Vì với khoa học tối tân hiện đại ngày nay đôi khi cũng đành bó tay trước một căn bệnh mà với phương pháp tự nhiên bằng cách sửa chữa những sai lầm trong sinh hoạt vật chất, và đời sống tinh thần bệnh lại dứt – theo Paul Carton). Vẫn chưa hết, tác giả còn dẫn dắt người đọc đi vào con đường rèn luyện tâm tánh bản thân, tìm thiện lánh ác. Nhất là việc tạo dựng hạnh phúc, hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình và nhiều vấn đề khác của đời thường nhưng vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng. Qua những bài viết của tác giả, trải dàn khắp cuốn sách, chúng ta thấy ẩn hiện một triết lý sống, vốn sâu xa có từ ngàn xưa (nhưng không bao giờ cũ): một thân thể khỏe khoắn lành mạnh, một tâm hồn trong sáng cao thượng, đầy ắp tình thương, đó là vốn sống quý nhất của đời người. Có những thứ quý này thì mới có hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc xã hội. Cũng như có tình yêu thương cá nhân, gia đình thì mới có tình yêu thương tổ quốc và tình yêu thương nhân loại (cả loài vật nữa).

     Văn ông ngắn gọn, đọc hiểu ngay. Phân đoạn mạch lạc, khúc chiết, đi thẳng vào vấn đề đúng như tinh thần “con nhà võ”. Tôi nghĩ rằng đây đúng là một cuốn “cẩm nang” về đời sống con người, rất cần thiết cho mọi người, mọi gia đình, mọi lớp tuổi.

     Tôi xin mượn một câu viết của tác giả Tiến Sĩ Vũ Đức Âu Vĩnh Hiền để kết thúc bài này: “Trên con đường đi tìm hạnh phúc, giống như người lái tàu vượt đại dương, chúng ta cần phải có những điều kiện an toàn căn bản. . .” Những  “điều kiện an toàn căn bản” theo tôi, có đủ trong cuốn sách này./.

San Jose, Calif., Cuối Thu 11/2008
-Nhà Văn & Ký Giả  THANH  THƯƠNG  HOÀNG,
  -Cựu Chủ Tịch, Nghiệp Đoàn Ký  Giả VNCH.
------------------------------------------------------

10-Giáo Sư Lực Sĩ NGUYỄN THÀNH NHƠN,
Aka: Kiến Càng & Nick Trueman,
-Cựu Chuyên Viên Thể Dục Thể Thao, Bộ Thanh Niên VNCH.
-Cựu Giám Đốc, Nha Thể Dục Thể Thao, Bộ Thanh Niên VNCH.
& Chương Trình Sức Khỏe Giống Nòi, Đài Truyền Hình VNCH;
-Cựu Chủ Tịch Sáng Lập (1959-1975),
Tổng Cuộc Thể Dục Thẩm Mỹ & Cử Tạ VNCH.

Kính Gởi Giáo Sư Tiến Sĩ VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền,
-Chưởng Môn, Võ Lâm Việt Nam Chánh Tông, Từ 1970;
-Chủ Tịch Sáng Lập, Tổng Hội Thế Giới VÕ LÂM ĐẠO Việt Nam
(VOLAMDAO Viet Nam Kung Fu World Federation, Inc., Từ 1982)

Giáo Sư Tiến Sĩ VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền Thân Mến;
     Tôi còn nhớ rất rõ những kỷ niệm giữa tôi và anh, về thanh niên thể thao võ thuật trong hơn bốn thập (40) niên qua. Mùa Hè 1962, lần đầu tiên, tôi gặp anh, nhân chuyến phối hợp trình diễn thanh niên & võ thuật tại Phan Rang/miền Trung, do Sở Thanh Niên Đô Thành tổ chức.
     Lúc đó, anh trong phái đoàn trình diễn Nhu Đạo /Judo, do Giáo Sư Hồ Cẩm Ngạc hướng dẫn; còn tôi là Chủ tịch, Tổng Cuộc Thể Dục Thẩm Mỹ & Cử Tạ Việt Nam, hướng dẫn phái đoàn lực sĩ đẹp Saigon.

     Đến khi tôi thực hiện chương trình “Sức Khỏe Giống Nòi-Kiến Càng”, Đài truyền hình Việt Nam/băng tần số 9, vào năm (1970-1975), anh và Giáo sư Hùng Phong Huỳnh Ninh Sơn đã đến cộng tác trình diễn võ thuật trong mục “Kiến Trọng Võ”, vào mỗi chiều cuối tuần, để giới thiệu phổ biến hai môn phái Võ Lâm Việt Nam và Dịch Võ Đạo do hai anh vừa là Chưởng Môn, và còn là nhà giáo kiêm võ sư.
     Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm giữa Kiến Trọng Võ / truyền hình VN với hai anh. Lúc đó, những màn trình diễn võ thuật của hai anh, cùng với đoàn võ sinh Võ Lâm Việt Nam và Dịch Võ Đạo, đã được số đông khán giả bốn phương thưởng thức ngưỡng mộ; và chúng tôi thường nhận được nhiều thư của khán giả ngưỡng mộ khen ngợi Kiến Trong Võ, và yêu cầu đài truyền hình cho chiếu lại những mục trình diễn Võ Lâm Việt Nam và Dịch Võ Đạo do hai anh phụ trách.
     Tôi vẫn còn nhớ từ 1964 đến 4/1975, Giáo sư VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền ngoài việc dạy tại các võ đường như: Phòng tập Judo thuộc Sở Thanh Niên Đô Thành Sài Gòn, và các Lớp Karatedo, Võ Lâm Việt Nam tại hai Trung Tâm: 1-Cộng Đồng Bình Tây, và 2-Sinh Hoạt Thanh Niên Quận 6, ChợLớn; anh còn nghiên cứu các ngành võ học thế giới, để viết bài đăng báo, và đã xuất bản được nhiều bộ sách võ học khác nhau.
     Hơn nữa, anh cùng nhóm bạn lúc bấy giờ (như các anh Lạc Hà, Phan Chấn Thanh,...) là những võ sư trẻ đầu tiên viết sách và xuất bản loại sách võ thuật, đã cùng nhau hợp tác chủ trương tờ báo “Bán Nguyệt San VÕ THUẬT”, là tờ báo võ thuật đầu tiên và duy nhất, nhằm phổ biến các tài liệu võ học, để giúp cho thanh thiếu niên V.N. có tài liệu tham khảo, và rộng đường kiến thức về các ngành võ học thế giới.  Cho nên, với kinh nghiệm và sự nhận xét của tôi về thanh niên võ thuật trước 4/1975, các anh là lớp võ sư trẻ đã góp công không nhỏ, vào việc phát triển phong trào thanh thiếu niên võ thuật trên toàn quốc, mà giới thức giả lúc bấy giờ không thể phủ nhận.
      Rồi biến cố máu lửa, 30/4/1975, trời đất nổi cơn gió bụi, chúng ta “Kiến Càng & Kiến Trọng Võ” đã mất liên lạc với nhau. Mãi về sau, trên đất khách quê người, không ngờ chúng ta có duyên gặp lại nhau với biết bao nỗi vui mừng. Thật là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.
      Theo hiểu biết của tôi, có không ít số võ sư người Việt nổi tiếng đã phải bỏ nghề dạy võ nơi xứ người, vì nhiều lý do khác nhau. Trái lại, anh vẫn còn mạnh tiến tiếp tục nghề dạy võ tại Hoa Kỳ, và anh đã góp công không nhỏ vào việc phát huy lớn mạnh, và giới thiệu sâu rộng môn phái Võ Lâm Đạo Việt Nam, một nghệ thuật văn hóa cổ truyền của tổ tiên người Việt chúng ta, tại nhiều đại học công lập LosAngeles, California nói riêng; và trong quảng đại quần chúng Hoa Kỳ nói chung.
      Đặc biệt nhất, trong ba mươi lăm (35) năm qua nơi xứ người, với những thành tích vẻ vang của anh về các sinh hoạt: cộng đồng, xã hội, võ thuật, và công tác từ thiện Việt-Mỹ, anh đã thật sự góp phần không ít vào lịch sử vinh danh văn hóa người Việt tị nạn trên thế giới. Tôi thật tình mến mộ anh, một người bạn vong-niên-giao của tôi (tôi đã 86, lớn hơn anh 17 tuổi đời). Theo nhận xét của tôi, anh là một võ sư có nhiều đức tính tốt như: kiên nhẫn, cầu tiến, khiêm nhường, hiền hòa, vị tha, nhân hậu mà tôi đã được biết, do mối giao tình thân thiện giữa chúng ta trong hơn bốn thập (40) niên qua. Thời gian qua thật là nhanh !!! như “Bóng câu qua ngõ”.
        Anh VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền thân mến,
Cám ơn anh đã gởi tặng tôi sách “SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại” do anh biên soạn và xuất bản 02-2009. Về hình thức, với bìa cứng, sách đẹp trang nhã, bố cục sắp xếp hợp lý, và lối hành văn giản dị, trong sáng dễ hiểu.
Về nội dung, sách rất có giá trị và hữu ích cho mọi giới: nam nữ, già trẻ. Ngoài mục tiêu “Phòng bệnh hơn trị bệnh”, nội dung sách còn đưa ra triết lý sống lành mạnh và hiện thực về tinh thần và thể lý, nhằm kiến tạo đời sống hàng ngày được khỏe mạnh, an bình hạnh phúc, cho mỗi cá nhân, gia đình, và cộng đồng xã hội.

      Theo tôi, anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, và công sức nghiên cứu những tài liệu khoa học hiện đại, để hoàn thành quyển sách rất hữu ích, và có giá trị đặc biệt như thế này. Ngoài việc dùng làm tài liệu “Kim Chỉ Nam” trong đời sống của mọi người, tôi thiết tưởng nếu sách này được áp dụng giảng dạy ở bậc trung học, nhằm giúp cho thanh niên học sinh có một căn bản về “Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại”, để làm hành trang chuẩn bị vào đời, thì hay biết mấy.
      Qua hơn bốn thập (40) niên được quen biết với anh, tôi luôn luôn ngưỡng mộ tính kiên trì và tinh thần phục vụ của anh trong các lãnh vực: xã hội, cộng đồng, thanh niên, võ thuật, ngay từ khi còn trong nước, và tiếp mãi đến nay nơi xứ người.
      Chúc Giáo sư Tiến sĩ VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền được thành công trong các lãnh vực nghiên cứu biên soạn sách, và sinh hoạt thanh niên võ thuật để phụng sự cộng đồng xã hội, và góp phần xây dựng phong trào khỏe cho thanh thiếu niên Việt-Mỹ nơi xứ người, như anh đã có lần tâm sự với tôi. Thân mến./.
-Xuân Canh Dần 2010, Houston, Texas 77099.
Giáo Sư Lực Sĩ Nguyễn Thành Nhơn, Aka: Kiến Càng.
----------------------------------------------------------------------------

11-Giáo Sư Tiến Sĩ PHẠM KHẮC HÀM, Ph.D.

Dr. en Phys. Corp. & Théor.,

-Nguyên Giảng Sư, Đại Học Khoa Học Sàigòn, 1965-1981.

& Phu Nhân Bác Sĩ PHẠM MINH CHÂU, M.D.

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm
" SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.


-LỜI NHÀ XUẤT BẢN:

       Giáo Sư Phạm Khắc Hàm  sinh ngày 19-02-1928,

tại Phương Du, Yên Khánh, Ninh Bình.

-1948: Đỗ Tú Tài tại Yên Mô, Ninh Bình;

-1950: Giáo Sư Trung học Tân Việt, Thanh Hóa. 

-1951: Động viên Sĩ Quan Trừ Bị Khóa 01, Nam Định;

-1952–1955: Tác chiến trong Tiểu Đoàn biệt lập 23 BVN, 
                      tại Quảng Bình

-1956-1963: Du học tại Pháp; Tốt nghiệp Tiến Sĩ Vật Lý Vi Tử
và Lý Thuyết (Docteur en Physique Corpusculaire et Théorique),
tại Đại Học Bordeaux.

-1965–1981: Giảng Sư trường Đại Học Khoa Học Sàigòn.

-1965–1967: Giáo Sư thỉnh giảng trưòng Cao Đẳng Nông Lâm Súc,
                      Viện Đại Học Cần Thơ.

-1968–1975: Giáo Sư thỉnh giảng Viện Đại Học Đà Lạt
                       và viện Đại Học Huế.

-1981: Vượt biên tới Mỹ, chuyên viết văn và làm thơ.

-Đã xuất bản: -1984: Tập thơ Gối Gốc Mai, dưới bút hiệu Vô Ngã;
-1998: Triết Lý Tổng Thể Duy Nhân Lý Đông A.

-Đang biên soạn: -Cấu Trúc Chữ Nho (4 cuốn);
-500 Năm Lịch Sữ qua Thơ Cổ (2 cuốn); -Thi phẩm Vách Bích Nham;
-Tùy Bút Vô Ngã; -Sách nghiên cứu Giải Mã Cuộc Chiến Tranh Việt Nam./.

  

Kính Gởi Giáo Sư Tiến Sĩ VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền,

        Anh VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền Thân Mến;

      Cám ơn Anh đã gửi tặng chúng tôi cuốn sách quí về dưỡng sinh có nhan đề “SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại”. Qua bảy chương sách, Anh đã chia sẻ với người đọc kiến thức rộng rãi, và sự suy tư sâu sắc về cách thức sống cho hợp với thời đại này. Chỉ nội tên sách “Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại” cũng cho thấy là nội dung của nó không chỉ là một tác phẩm khảo cứu về khoa học dưỡng sinh thuần túy như các nhà dinh dưỡng học “Nutritionists” thường biên soạn, mà còn là cuốn sách triết lý về nhân sinh qua việc dưỡng sinh.

     Ai đã biết Anh cũng phải cảm phục ở chỗ, Anh không phải chỉ lý luận suông mà đã thực hiện triết lý của mình, và đem áp dụng nó vào trong cuộc đời Anh.

     Đọc phần tiểu sử của Anh trong cuốn sách, ai cũng phải nhìn nhận là sự nghiệp trong ngành võ học của Anh thật là đáng nể.  

     Người Việt Nam có truyền thống coi trọng những người vừa giỏi văn vừa giỏi võ. Anh không những văn võ toàn tài mà còn là một nhà hiền triết, điều này càng làm người ta khâm phục.

     Chúng tôi xin có lời chúc mừng Anh, con người tài hoa và có tâm huyết với đất nước.  Hy vọng là các thế hệ mai sau của Việt Nam sẽ đi theo ngọn đuốc soi đường của Anh. Kính thư./.   

California, Xuân Canh Dần, 07-3-2010

-Giáo Sư Tiến Sĩ PHẠM KHẮC HÀM, Ph.D.
 (nhà thơ Vô Ngã)

& Phu Nhân  -Bác Sĩ PHẠM MINH CHÂU, M.D.

------------------------------------------------------------------------------------------


12-Nhà Văn NGUYỄN VĂN PHẦN, 
Bút Hiệu: VĂN PHAN

-Cựu Trung Tá Quân Cảnh QLVNCH.

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm
" SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.

-LỜI NHÀ XUẤT BẢN:

     Từ nhiều thập niên qua cho đến nay,  Nhà Văn NGUYỄN 
VĂN PHẦN /Bút Hiệu VĂN PHAN đã cho ra đời một số
tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn.

    Tỵ nạn sang Mỹ 1993, Ông đã xuất bản:

-1997: Tuyển tập truyện ngắn Tình Xuân Địa Trung Hải
(viết chung với Phạm Trọng Phúc),

-1999: Tiểu thuyết Người Lữ Hành Không Đơn Độc,

-2001: Tiểu thuyết Tâm Hồn Và Nụ Môi.
Cả 3 thuộc thể loại Ái Tình-Xã Hội Thời Đại.

-2004: tác phẩm tựa đề Kẻ Sát Nhân Có Lương Tâm,
thuộc loại Án Vụ-Điều Tra (Trinh thám).

     Ngoài ra, ông còn có bút hiệu PHAN LÊ khi viết
về chủ đề Nghị Luận, Tùy Bút và Tạp Bút với bút hiệu này,
-2007: ông xuất bản tác phẩm Ngược Đường Vong Quốc.
Hiện nay, với niên kỷ 79, ông đã gác bút nghỉ ngơi./.


Nhà Văn NGUYỄN VĂN PHẦN / BÚT HIỆU:  VĂN PHAN

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm
" SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.


Kính Thưa Quí Đồng Hương;

     Tác phẩm SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC là một tập biên soạn công phu của Giáo Sư Vũ Đức Âu Vĩnh Hiền, thể hiện mục tiêu cụ thể là hướng dẫn độc giả phương thức dưỡng sinh, nhưng không theo lối mòn xưa cũ mà ta đã đọc thấy trong nhiều sách trước đó của các tác giả khác. Mà là một phương thức dưỡng sinh tân tiến, như tác giả đã ghi rõ ở dưới tựa lớn (SKHP) trên bìa sách: DƯỠNG SINH QUAN HIỆN ĐẠI. Tựa chính cần âm hưởng văn hoa, bóng bẩy (SKHP), nhưng  hàng chữ ngay bên dưới (DSQHĐ) mới là tiêu đề chính cho toàn bộ nội dung cuốn sách.

      Tác phẩm gồm 7 chương, được trình bày lần lượt 4 phương cách dưỡng sinh: tập luyện thân thể, dinh dưỡng cơ năng, ổn định tinh thần - trong đó có ảnh hưởng đời sống hôn nhân, chót hết là dự phòng ngăn ngừa và tiêu trừ tật bệnh. Và, tổng quát dưỡng sinh này áp dụng cho mọi lứa tuổi, vì già hay trẻ đều cần Sống Khỏe Hạnh Phúc.

      Tác giả Vũ Đức Âu Vĩnh Hiền có học vị Tiến Sĩ ở hải ngoại, ông còn là một Võ Sư nhiều đai đẳng. Nên ngoài những sưu tập cần đến trình độ văn hóa, ông còn thấu triệt về Cơ Thể Học rút ra từ sự thông suốt của một Võ Sư, do đó hình thành bộ sách vốn là một phương diện sở trường của ông. Và đây là một thiện chí đáng khen, giúp ích cho đồng bào của ông sử dụng như một cuốn cẩm nang, để duy trì cuộc sống khỏe và hạnh phúc.

      Tôi là một kẻ có viết lách, nhưng chưa bao giờ dám tự xưng văn sĩ, tiểu thuyết gia. Giáo Sư Vũ Đức Âu Vĩnh Hiền nguyên có mối giao tình cũ với tôi từ khi còn trong nước, ngỏ ý nhờ tôi góp thêm nhận xét về cuốn sách của ông trong lần tái bản sắp tới, tôi không sao từ chối được, đành phải đáp lòng tác giả. Tôi chỉ viết ra những nhận xét thành thật và thô thiển của tôi, xin nép vào góc nào khiêm nhường nhất trong một tờ sách, không muốn chen lẫn bên cạnh bài viết của các cây bút lừng danh, các trí giả rỡ ràng. Mong được vậy!  Trân Trọng Kính Chào./.

Đầu Xuân Canh Dần 2010.

VĂN PHAN Nguyễn Văn Phần
---------------------------------------------------------------------------------



13-Giáo Sư NGUYỄN THÀNH-LONG,

-Hội Trưởng, Ban Trị Sự  Trung Ương Hải Ngoại,

Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo.

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm
" SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại "
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.


-LỜI NHÀ XUẤT BẢN: 

    Giáo-sư  NGUYỄN  THÀNH-LONG, Sanh năm 1936,

    tại xã Bình-Hòa, LongXuyên.

*Học Trình: -Collège Thoại-Ngọc-Hầu, An-Giang;

  -Lycée Phan-Thanh-Giản,Cần Thơ; -Lycée Pétrus Ký, SG.

*Tốt nghiệp -Đại Học Sư-Phạm Sài Gòn, Ban Việt-Hán;

  &- Cử-Nhân Văn-Chương, Đại Học Văn Khoa Sài gòn.

*1962 Tốt nghiệp Khóa 14 Sĩ-Quan Trừ Bị Thủ Đức.

-Cựu Sĩ quan Công-Binh VNCH. -Giải-ngũ về Bộ Giáo Dục.

*Chức Vụ:

*1966-68: -Giáo Sư, và -Giám Học, Trung học Tổng Hợp

                   Thoại-Ngọc-Hầu, Long-Xuyên

*1969-1979: -Hiệu Trưởng,Trung học Tổng Hợp

                       Chưởng-Binh-Lễ, Long Xuyên.

*1979 Vượt biển định cư tại Nam California, USA.

      *1985-2002: -Chánh Thư Ký, Ban Trị Sự Trung Ương

                             Hải Ngoại Giáo-Hội Phật Giáo Hoà Hảo.

*2002-04: -Đệ Nhất Phó Trưởng Ban Trị Sự, Trung Ương

                   Hải Ngoại Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo.

 *2004-HiệnNay: -Hội-Trưởng, Ban Trị Sự Trung Ương

                             Hải Ngoại, Giáo Hội Phật Giáo HHảo.

*1993-HiệnNay: -Thành Viên Sáng Lập, Chỉ đạo và

  Thường Trực, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa-Kỳ./.

 
13-Giáo Sư NGUYỄN THÀNH LONG

Nhận Định & Giới Thiệu Tác Phẩm

"SỐNG KHOẺ HẠNH PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại"
Của Tác Giả Dr. ÂU VĨNH HIỀN, N.D. / aKa: Giáo Sư Vũ Đức.

Kính Thưa Quí Đng Hương;

     Trước đây ít lâu, Giáo-sư Tiến-sĩ VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền có cho chúng tôi biết là sẽ tái-bản tác-phẩm “SỐNG KHỎE HẠNH-PHÚC- Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại” của Ông và muốn có một vài nhận-định của chúng tôi.

     Trong ấn-bản lần đầu vào tháng 02 năm 2009 mà tác-giả có nhã-ý thân mến gởi tặng,  chúng tôi thấy có phần nhận-định của rất nhiều bậc Tôn-trưởng, Thức-giả cao-kiến tiếng-tăm đủ các giới trong cộng-đồng hải-ngoại (Bác-sĩ, Tiến-sĩ, Giáo-sư, Mục-sư, Học-giả, Nhà-văn, Nhà-báo, Nhân-sĩ,...) khiến chúng tôi rất ngần-ngại không biết sự góp ý của mình có thừa không, không khéo lại làm giảm phần hay đẹp, hữu-ích  của tác-phẩm, thì quả là phụ lòng người viết, biên-soạn.

     Hơn nữa, vì bận-rộn thường-xuyên công-việc giáo-sự, chúng tôi chưa có dịp đọc toàn-bộ tác-phẩm chỉ đọc qua một số bài riêng-rẽ mà tác-giả, vì chỗ thân-tình, đã gởi cho chúng tôi để lần-lượt đăng vào Tập-San TINH-TẤN do chúng tôi chủ-biên.

     Loạt bài nói trên sau nầy mới biết nằm trong tác-phẩm "SỐNG KHỎE HẠNH PHÚC" được Giáo-Sư  gởi cho Tập-San TINH-TẤN trước khi sách in ra, rất  phù-hợp với tôn-chỉ, chủ-trương của tờ báo Đạo.

      Bây-giờ có cơ-hội đọc lai từ đầu chí cuối sách, chúng tôi mới thấy nhiều điều hay lạ và lý-thú. Như tác-giả đã khiêm-cung thanh-minh ngay từ đầu “Sách không phải là tài-liệu  tham-khảo để trị bịnh...Sách nầy chỉ giúp thông tin về những hiểu biết căn-bản khoa học vệ sinh, sống khỏe để phòng bịnh...”.

     Thật quả đúng như vậy. Đây không phải là quyển sách y-lý trị-liệu, không phải là sách nghiên-cứu về dinh-dưỡng thực-phẩm, không phải là sách dạy võ-thuật, không phải là sách đưa ra triết-lý sống, cũng không phải là sách chỉ cách tìm hạnh-phúc con người, mà nó là sự tổng-hợp của tất-cả các điều nầy để đi đến mục-tiêu “Sống Khỏe và Hạnh-Phúc”.

     Trong tinh-thần và mục-đích thực-tiễn đó, với sở-học sâu rộng, kiến-thức tinh-thông, kinh-nghiệm dồi-dào của một nhà giáo, một võ-sư uyên-bác, một chuyên-gia dinh-dưỡng, một con người dấn thân phục-vụ xã-hội, tích-cực tham-gia sinh-hoạt Cộng-đồng, tác-giả đã đưa người đọc đi từ  căn-nguyên đến động-lực gây ra bịnh qua các yếu-tố huyết-thống di-truyền, môi-sinh, thói quen  sinh sống, dinh-dưỡng, tuổi già, nghề-nghiệp, phái-tính và chủng-tộc, …Bịnh là một trong tứ khổ và đứng hàng thứ ba (sanh,lão,bịnh,tử, theo giáo-lý nhà Phật), của chúng-sanh  khiến con người luôn sống trong đau-đớn thể-xác, yếu-đuối mệt-nhọc, bi-quan chán đời, âu-lo sợ-hãi, buồn thảm tinh-thần, không lúc nào thấy an vui hạnh-phúc. Điều nầy cho thấy sự hỗ-tương chặt-chẽ giữa tinh-thần và thể-chất.

     Tây-phương cũng cùng quan-niệm qua phương-ngôn:“Một linh-hồn minh-mẫn trong một thân-thể tráng-kiện”.

     Linh-hồn biểu-hiện cho tinh-thần, thân-thể biểu-hiện cho thể-chất. Thể-chất có an lành khỏe mạnh (tráng-kiện) thì tinh-thần mới thông-minh sáng-suốt (minh-mẫn), lạc-quan yêu đời, thấy cuộc sống có ý-nghĩa, hứng-thú, cởi-mở, sinh-động, hữu-dụng. Do đó, theo tác-giả, cần có sự quân-bình giữa đời sống vật-chất và tinh-thần qua ba hình-thái chủ-yếu: vận-động thân-thể, thái-độ lạc-quan tin-tưởng, dinh-dưỡng lành mạnh.

     Và bằng lời văn trong sáng, bình-dị, rõ-ràng, khúc-chiết, mạch-lạc, tác-giả ân-cần trình-bày cặn-kẽ tiến-trình quân-bình từng bước: Chương1-Dưỡng-sinh-quan dẫn nhập. Chương 2-Dinh- dưỡng Ẩm-thực. Chương 3-Vận-động Thân-thể. Chương 4-Sức khỏe Tinh-thần. Chương 5- Hiểu bịnh để Ngừa bịnh. Chương 6- Hạnh phúc Yếu lược. Chương 7-Dưỡng Sinh Quan Tổng Luận.

      Tất cả 7 chương khiến chúng tôi say mê đọc một mạch, từ đầu đến cuối, để rồi khi buông sách ra, chúng tôi cảm thấy thích-thú, vì bỗng-dưng mình có được những hiểu biết căn-bản và ý-thức thực-tiễn về phương-châm Phòng bịnh hơn Chữa bịnh” mà mình có thể thực-hành dễ-dàng, hiệu-quả. Dĩ-nhiên, điều nầy không có nghĩa là được “miễn-dịch vĩnh-viễn”, không bao-giờ bị bịnh gì nữa, hay như một  vị Đông-y-sĩ nào đó đã quảng-cáo thuốc cải lão hoàn đồng của ông“Sống vui sống khỏe, trẻ mãi không già”. Lão và Bịnh là hai trong bốn giai-đoạn cố-hữu và phát-động của con người theo định-luật tự-nhiên bất di bất dịch của Trời Đất thì làm sao“trẻ mãi không già” và không bao-giờ đau yếu được?. Có điều chúng xảy ra sớm hay muộn tùy theo nếp sống của con người mà thôi. Nhưng ít nhứt Phòng Bịnh cũng giúp con người giảm thiểu được phần lớn các mầm-mống gây bịnh và nguy-cơ mắc bịnh.

     Như vậy cũng đã là tốt và quý lắm rồi. Ông bà ta ngày xưa đã chẳng bảo: “không ốm không  đau, làm giàu biết  mấy”. Thật vậy, nếu không đau ốm bịnh-hoạn thì làm gì phải tốn tiền đi bác-sĩ khám, thuốc-men, nằm bịnh-viện điều-trị mà y-phí nhiều khi lên cao đến mức kinh-hồn, nhứt là trong thời-buổi kinh-tế khó-khăn hiện nay. Những phí-tổn bất-khả-kháng nầy, nếu không phải chi ra thường-xuyên vì bịnh-hoạn, thì sẽ tăng-gia đáng kể cho ngân-sách gia-đình vốn eo-hẹp, giới-hạn. Đó là cái lợi thực-tế vật-chất trước mắt. Về tinh-thần, đời sống, thì còn đáng giá hơn nhiều. Không ốm không đau cho ta sức khỏe tốt, dồi-dào, tinh-thần phấn-chấn hăng say, đời sống vui tươi lành mạnh mà tác-giả gọi là sống khỏe, tiền-đề cho tiến-trình đi đến cứu-cánh hạnh-phúc. Vì thế, tác-giả đã đặc-biệt chú-trọng tới việc luyện tập thân-thể, không phải để trở thành lực-sĩ, vai u thịt bắp như thường-tình, mà là để có sức khỏe, yếu-tố căn-bản cần-thiết giải đáp định-lý Sống Khỏe Hạnh-Phúc như nhan-đề tác-phẩm. Và việc luyện tập không chỉ đơn-thuần vận-động cơ-thể bằng dụng-cụ thể-thao, động-tác thể-dục bình-thường mà là cả một công-trình nghiên-cứu, vận-dụng, phối-hợp khôn-khéo, hài-hòa ba ngành: y-học, đạo-học và võ-học.

     Tác-phẩm được biên-soạn rất công-phu, súc-tích, đầy đủ, phong-phú, hợp-lý, khả-tín, có giá-trị và hữu-ích thực-tiễn cho mọi lứa tuổi cần một đời sống khỏe mạnh, an lành, hạnh lạc.

     Thành-thật cám ơn Giáo-sư Tiến-sĩ VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền rất nhiều và xin trân-trọng giới-thiệu tác-phẩm quý-báu”SỐNG KHOẺ  HẠNH-PHÚC, Dưỡng Sinh Quan Hiện Đại một kim-chỉ-nam đắc-dụng cần có trong mọi tủ-sách gia-đình, của Quý Đồng-hương, Thân-hữu, và Đồng-đạo. Trân trọng kính chào./.

Santa Ana, CA, April 11st 2010,

Giáo-Sư Nguyễn Thành Long,
Hội Trưởng, Ban Trị Sự / Trung Ương Hải Ngoại,
Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn