BỆNH TIỂU ĐƯỜNG DIABETES

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 39630)

 

 

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG: DIABETES

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

 

1-KHÁI NIỆM BỆNH TIỂU ĐƯỜNG (DIABETES):

      Bệnh tiểu đường (Diabetes) là một chứng bệnh dài hạn, phát sinh bởi sự bất lực của bộ phận Tụy Tạng (Pancreas), không thể cung cấp đầy đủ số lượng kích thích tố “INSULIN”, để giúp đường Glucose tiến vào bên trong các tế bào cơ thể.

      Glucose là một hình thức chất đường (Sugar) dùng để cung cấp năng lực cho cơ thể. Glucose được tạo bởi cơ thể từ những thực phẩm được ăn vào. Thông thường, Tụy tạng (Pancreas) tiết ra kích thích tố Insulin vào trong đường máu, mỗi khi nhận thấy dấu hiệu thực phẩm được ăn vào. Insulin và Glucose cùng nhau kết hợp, và tiến vào những tế bào trong cơ thể.

      Hầu hết, Glucose được dùng vào việc cung cấp năng lực (Energy), một ít được biến chuyển vào trong bộ phận gan (Liver), để trở thành Glycogen được gọi là “Tinh Bột Động Vật” (Animal Starch), được dùng làm nguồn năng lượng dự trữ khẩn cấp, sẵn sàng cung ứng cho cơ thể mỗi khi cần thiết. Một số Glucose được biến chuyển thành Glycogen, để dùng trong những bắp thịt; phần còn lại được biến thể thành chất Béo (Fat).

      Insulin là chất kích thích tố (hormone) được tiết ra bởi những tế bào Beta (Beta Cells) của Tụy Tạng (Pancreas). Những tế bào Beta này được chứa trong những vùng riêng biệt của “Langerhans” (The Islets of Langerhans), giống như những chùm dây tế bào tiết ra chất kích thích tố Insulin.

      Nhiệm vụ của Insulin nhằm điều hòa mức độ đường Glucose, trong dòng máu bởi nhiều động lực  khác nhau. Chất Insulin giúp bộ phận gan giảm thấp mức độ hấp thụ, và bài tiết chất đường Glucose, trong khi nó làm tăng cao mức độ hấp thụ, và tác dụng biến thể (Metabolism) chất đường Glucose bởi những mô tầng khác trong cơ thể. Insulin cũng giúp làm chậm lại việc phá vỡ các chất béo và chất đạm.

      Tuy nhiên, trong bệnh tiểu đường, có một số lượng thiếu kém về Insulin. Vì vậy, Glucose không thể tiến vào hầu hết những tế bào trong cơ thể, số Glucose còn lại phải bị ngưng động trong dòng máu.

      Do đó, mức độ Glucose bình thường trong dòng máu được nâng cao, và phải được theo dõi kiểm soát thường xuyên. Khi máu trở nên bão hòa, đường Glucose sẽ được chuyển đến hai quả thận, để bài tiết ra ngoài cùng với nước tiểu.

2-PHÂN  LOẠI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG:

      Bệnh tiểu đường được phát xuất từ yếu tố căn bản có liên hệ đến chất kích thích tố Insulin nơi Tụy Tạng (Pancreas). Do đó, bệnh này được chia ra làm hai loại chính yếu, với Insulin làm tiêu chuẩn:

      2.1-Tiểu Đường Loại 1, Tùy Thuộc Insulin (Type # 1, IDDM):  Bệnh tiểu đường Loại 1 thường xảy ra từ hậu quả của việc tổn thương, hoặc sự cắt bỏ Tụy Tạng (Pancreas). Bộ phận Tụy Tạng bị tổn thương dẫn đến tình trạng bất lực của nó, do bởi một số loại bệnh di truyền từ gia đình, hoặc một số bệnh trạng khác trong cơ thể.

      Do đó, bộ phận tụy tạng (Pancreas) không còn có khả năng tạo ra chất Insulin, hay bị suy yếu chỉ tiết ra một số rất nhỏ Insulin, không đủ cung cấp cho cơ thể, trong việc điều chế bình thường mức độ Glucose.

      Để sinh tồn, hàng ngày,bệnh nhân cần phải tùy thuộc vào số lượng Insulin được chích vào cơ thể. Nếu thiếu vắng sự tiếp tế chất ngoại sinh Insulin, bệnh nhân sẽ lâm vào tình trạng rất nguy hiểm cho mạng sống; vì chứng quá nhiều chất đường Glucose trong máu (Hyperglycemia), và chứng nhiều chất Keton Acids trong máu (KetoAcidosis).

      Mặc dù bệnh này có thể xảy ra cho mọi người, không phân biệt phái tính, tuổi thọ, nhưng cao điểm của nó thường đưa đến với giới trẻ, và tuổi ấu thơ. Cho nên, bệnh tiểu đường loại 1, tùy thuộc Insulin còn được gọi là tiểu đường thời niên thiếu (Juvenile - Onset Diabetes).

     2.2-Tiểu Đường Loại 2, Không Tùy thuộc Insulin (Type # 2, IDDM): Bệnh Tiểu Đường Loại 2 thường xảy ra trong khi bộ phận tụy tạng (Pancreas) vẫn còn có khả năng tạo ra chất Insulin, nhưng các tế bào trong cơ thể không thể tiếp nhận nó, để điều chế với chất đường Glucose trong máu.

     Do đó, bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường có mức độ cô động Insulin lẫn chất đường Glucose gia tăng cao hơn những người khỏe mạnh bình thường. Vì chất Insulin trong bệnh nhân không có hiệu quả làm giảm thấp mức đường Glucose trong máu. Việc này làm gia tăng nhu cầu hoạt động của một tụy tạng vốn đang bị suy yếu. Cho nên, bệnh nhân tiểu đường loại 2 không cần đến việc chích tiếp tế Insulin từ ngoài vào để giữ mạng sống. 

     Vì thế, bệnh tiểu đường loại 2 được mệnh danh là không tùy thuộc Insulin. Nguyên nhân của bệnh này thường không được biết rõ. Trong hầu hết các bệnh nhân, nó có khuynh hướng liên hệ đến tính di truyền, và các yếu tố môi sinh gây nên.

     Bệnh này có thể xảy ra cho mọi người, không phân biệt phái tính, và tuổi thọ. Đặc biệt nhất, sự xuất hiện của nó thường gia tăng theo tuổi thọ. Cao điểm ở tuổi 40 trở lên, nhất là những người có chứng phì mập. cho  nên, bệnh  tiểu  đường  loại 2  còn  được  gọi là bệnh tiểu đường thời trưởng thành (Maturity - Onset Diabetes).

3-TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN BỆNH:

      Theo kinh nghiệm của giới y khoa, sau đây là một số dấu hiệu khả nghi, đáng lưu ý, có liên hệ đến những triệu chứng của bệnh tiểu đường:

     3.1- Các Dấu Hiệu Khả Nghi Tiểu Đường Loại 1:

      Thường xuyên đi tiểu nhiều lần trong ngày, khát nước và đói bụng thái quá, cơ thể bị xuống cân, thường bị mệt mỏi và yếu sức, đau ở vùng bụng dưới, dễ bị buồn nôn, hoặc bị ói mửa. Những triệu chứng này nếu không được nhận diện và sớm điều trị, sau đó, chứng hôn mê (the diabetes coma) có thể xảy ra cho bệnh nhân.

     Ngoài ra, chứng viêm những tế bào Beta của tụy tạng có thể xuất hiện trong nhiều năm, qua sự tìm thấy những tế bào Beta trong đường máu của bệnh nhân.

    Đối với trẻ em, bệnh tiểu đường loại 1 (IDDM) thường xuất hiện với các chứng bệnh quai bị (Mumps), bệnh sởi (Measles), bệnh thủy đậu (Chicken Pox), hoặc một trong những bệnh tật khác.

   Ngoài ra, dấu hiệu đái dầm (Bed-Wetting) thường là một đầu mối đầu tiên của trẻ em có liên hệ đến chứng bệnh tiểu đường. Tiếp theo, sự khát nước thái quá, mặc dù trẻ em uống nhiều lượng nước nhưng vẫn chưa được thỏa mãn. Cùng với dấu hiệu đói bụng, ăn nhiều trong ngày, nhưng vẫn bị xuống cân, thay vì lên cân với chiều hướng tăng trưởng của trẻ bình thường.

     3.2-Dấu Hiệu Khả Nghi Tiểu Đường Loại 2: Thường giống như những dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 1, và còn có một số dấu hiệu khác như: Thị giác bị hoa mờ, các vết thương trên cơ thể có khuynh hướng chậm bình phục, tê cống và đau nhức bắp thịt nơi các tay chân và các ngón, miệng thường bị khô, da bị khô và ngứa, tinh thần dễ bị hốt hoảng và bực bội.

     Ngoài ra, cũng có thể không có dấu hiệu nào xuất hiện. Bệnh tiểu đường loại 2 (NIDDM) thường xảy ra cho những người có những yếu tố như: Chứng mập phì quá độ, chứng áp huyết cao, độ cao chất Triglycerides trong đường máu, có thân nhân trực hệ mang bệnh này, những bé sơ sinh có mẹ bị bệnh tiểu đường trong lúc mang thai.

     Đặc biệt, bệnh này có chiều hướng gia tăng đối với các sắc dân Mỹ địa phương (Native American), người Mỹ gốc Phi châu (African American), và người Mỹ gốc Tây Ban Nha (Hispanic American).

     Một đầu mối hữu hiệu khác có thể dẫn đến sự khám phá chứng bệnh tiểu đường, đó là sự suy yếu về khả năng sinh lý tình dục bình thường. Chứng bệnh bất lực về sinh lý tình dục nơi những đàn ông, hoặc sự suy giảm thèm muốn tình dục nơi đàn bà, thường là những dấu hiệu rõ ràng của chứng bệnh tiểu đường.

     Trong việc định bệnh tiểu đường, có nhiều phương cách khác nhau như: Việc thử nghiệm đường trong máu (Glucose Tolerance Test), thử nghiệm đường trong nước tiểu (Urinalysis Test). Phương cách thử nghiệm đường trong máu (Glucose Tolerance Test) đã được giới y khoa tín nhiệm nhất, trong việc khám phá bệnh tiểu đường. Bởi vì, trong những trường hợp nhẹ,bệnh tiểu đường luôn luôn không được tìm thấy trong việc phân tích nước tiểu.

     Sau một đêm nhịn ăn uống, mức độ cô động bình thường của đường Glucose trong máu, trung bình từ 70 đến 100 Mg/DL (Milligrams / Decaliter). Nếu mức độ cô động đường Glucose trong máu cao hơn 140 Mg/ DL, cũng như, sự hiện diện của chất kháng thể (Antibody) ở chỉ số 64 K Auto-Antibody, đủ chứng tỏ sự xuất hiện của chứng bệnh tiểu đường tùy thuộc loại 1.

     Các thử nghiệm đường Glucose trong máu thường có những kết quả mức độ đường khác nhau, từ ngày một, và từ năm này đến năm khác, trong cùng một người.

     Do đó, những người có dấu hiệu khả nghi về chứng đường cao độ, nên thường xuyên áp dụng việc thử nghiệm đường trong máu (Glucose Tolerance Test). Đối với những bệnh nhân tiểu đường, mỗi định kỳ ba tháng, nên đi thăm y sĩ để được thử nghiệm cần thiết về “Glyco-Hemoglobin Test”, nhằm đo mức độ đường trong máu trước 100 ngày.

4-ĐIỀU  TRỊ :

      Đối với bệnh tiểu đường loại 1, tùy thuộc Insulin (Type #1, IDDM), việc điều trị nhằm phục hồi mức độ bình thường của đường Glucose trong máu bệnh nhân. Do đó, để bệnh nhân được sinh tồn, việc tiếp viện chất Insulin, từ bên ngoài vào cơ thể, dưới hình thức chích vào dưới làn da bằng mũi kim (needle), hay bằng ống bơm việc truyền Insulin (Infusion with a pump) được biến chế để cơ thể thích nghi thấm thấu, từ từ vào bên trong mô tầng nằm dưới làn da. Số lượng Insulin được chích vào cơ thể thay đổi khác nhau, tùy theo cơ thể mỗi người.

     Một cách tổng quát, mức độ insulin được chích vào thường gần với mức độ đường Glucose trong máu của những người bình thường, không mang bệnh tiểu đường.

     Ngoài ra, mức độ insulin này còn phải được điều chỉnh, tùy theo số thực phẩm được ăn vào, và khả năng thể dục của bệnh nhân. Hầu hết, những bệnh nhân mập phì với bệnh tiểu đường loại 2, không tùy thuộc insulin, có thể điều trị bằng cách hạn chế năng lượng, nhằm mục đích làm giảm cân cơ thể, tức là kiểm soát các năng lượng của những thực phẩm được ăn vào của bệnh nhân. Nếu sự hạn chế năng lượng thực phẩm không làm giảm thấp mức đường Glucose trong máu, sau đó, bệnh nhân được điều trị bằng cách đưa vào đường miệng các chất Hypoglycemic Agent, hoặc insulin, hoặc Sulfonylureas. Những thuốc này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc hấp thụ đường Glucose của các mô tầng. Chúng tác dụng sơ khởi bằng việc kích thích sự tiết ra chất insulin nơi tụy tạng. Nếu những tế bào Beta trong tụy tạng bị hư hoại trầm trọng, những loại thuốc uống này sẽ không có tác dụng hiệu quả.

     Trong trường hợp này, phương cách ghép cấy những phần đặc biệt của tụy tạng được thực hiện, để giúp tiềm lực điều trị bệnh tiểu đường. Không may, hệ thống miễn nhiễm của cơ thể bệnh nhân có khuynh hướng tàn phá những phần tụy tạng được cấy ghép vào. Mặc dù, một số thuốc trấn áp hệ miễn nhiễm cơ thể làm chậm lại, hoặc ngăn chận và loại bỏ sự tàn phá của hệ miễn nhiễm, trong một ít bệnh nhân. Ngoài ra, những loại thuốc trấn áp hệ miễn nhiễm không có hiệu quả đồng nhất, và có thể sinh ra những phản ứng phụ khác nhau, ngoài ý muốn của người ta.

     Đối với những người mang bệnh tiểu đường, thường có hai điều kiện sau đây xảy ra trong đường máu: Chứng đường cao độ (Hyperglycemia, hay High Blood Sugar), và chứng đường thấp độ (Hypoglycemia, hay Low Blood Sugar). Mặc dù, sự xuất hiện của chúng không thể ngăn ngừa, nhưng người ta vẫn có cách điều trị để tránh sự tác hại của chúng.

 

    4.1-Chứng Đường Cao Độ Trong Máu (Hyperglycemia, hay High Blood Sugar): Sau đây là một số dấu hiệu của chứng đường cao độ trong máu (High Blood Sugar) như: khát nước thái quá, thị giác bị hoa mờ, da thường bị ngứa ngáy, cảm thấy mệt mỏi trong người, khi thử nghiệm có mức đường cao độ trong máu và trong nước tiểu, đi tiểu thường xuyên trong ngày.

    Để điều trị chứng đường cao độ trong máu, bệnh nhân nên uống nhiều nước không có chứa chất đường, hoặc cà phê (Caffeine), và thường xuyên thử nghiệm để theo dõi mức độ đường trong máu. Nếu mức độ đường cao quá 140 mg / dl, trong hai ngày, bệnh nhân nên đến thăm y sĩ.

    4.2-Chứng Đường Thấp Độ Trong Máu (Hypoglycemia, hay Low Blood Sugar):  Sau đây là một số dấu hiệu của chứng đường thấp độ trong máu (Low Blood Sugar) như: nhức đầu chóng mặt, sức khỏe yếu kém, thị giác bị hoa mờ, bụng đói, người cảm thấy lạnh đổ mồ hôi trong người, nhịp tim đập nhanh, tinh thần bị bối rối, tinh thần thường bị nóng nảy và hốt hoảng.

     Để điều trị chứng đường thấp trong máu, bệnh nhân nên áp dụng những cách sau đây: -Nên ăn hoặc uống những chất đường như: kẹo ngọt, nước ép trái cây, chè thạch, nước ngọt soda, các loại bánh ngọt, . .-Nên thử nghiệm đo mức độ đường trong máu hai lần cách nhau 15 phút. Nếu không có hiệu quả, vì mức độ đường còn thấp và các dấu hiệu vẫn còn tiếp diễn. Nên lặp lại điều trị như trên lần nữa. -Để giữ mức độ đường trong máu gia tăng, bệnh nhân nên giữ đúng giờ trong việc dùng bữa ăn trong ngày.

5-BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG:

     Bệnh tiểu đường thường gây ảnh hưởng, làm tổn thương hầu hết những bộ phận trong cơ thể, và sinh ra một số biến chứng có tính chất cấp thời, hoặc kinh niên. Những biến chứng này thường tạo nên tình trạng nguy hiểm cho các bộ phận như: thận, tim, tuần hoàn máu, thần kinh, não bộ, mắt, chân và tay.

     Sự hiện diện chất đường Glucose trong đường máu là một hình thức tổng hợp tinh chất của những thực phẩm được ăn vào. Đường Glucose được xem như là một nhiên liệu chính yếu để nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể.

     Đối với bệnh nhân tiểu đường, cơ thể bị bất lực trong việc biến thể đường Glucose để cung cấp cho các mô tầng. Cho nên, các bộ phận trong cơ thể trở nên suy yếu, vì không có chất nuôi dưỡng. Số đường Glucose gia tăng trong đường máu sẽ sinh ra nhiều chất “Ketones”, một loại chất hóa học độc hại, có thể gây tổn thương cho não bộ, và dễ đưa đến tình trạng hôn mê cho bệnh nhân.

      Ngoài ra, mức đường Glucose cao độ trong máu còn làm tắt nghẹn những mạch máu nhỏ li ti (mao quản), nhất là những mao quản nơi bộ phận mắt, và thận. Do đó, bệnh nhân tiểu đường thường bị các chứng về bệnh mù mắt, và suy thận.

     Cũng như, sự lưu thông máu nơi bàn chân bị suy yếu, thường dẫn đến biến chứng bệnh thối hoại bàn chân. Bệnh tiểu đường còn làm tổn thương đến các dây thần kinh, sinh ra biến chứng bệnh tê cứng các bắp thịt, và đau nhức cơ thể. Nhất là sự đau nhức nơi đôi chân. Biến chứng gia tăng áp huyết cao nơi bệnh nhân tiểu đường thường gây nên hậu quả của các bệnh đau tim, đứt mạch máu nhỏ, nâng cao mức Cholesterol.

     Hơn nữa, vì sự tổn thương đến sự tuần hoàn máu, và các dây thần kinh; cho nên, chứng suy giảm tình dục đưa đến cho bệnh nhân tiểu đường. Nhất là sự bất lực nơi nam phái.

     Theo các nhà nghiên cứu y khoa, việc kiểm soát được mức độ đường trong máu có thể làm trì hoãn,hoặc tránh được những biến chứng của bênh tiểu đường. Sau đây là một số phác họa điều trị giúp cho bệnh nhân kiểm soát và quân bình được mức độ đường trong máu, và tránh được những biến chứng có thể xảy ra:

      5.1-Theo Dõi Độ Đường Trong Máu Thường Xuyên: Việc quân bình được tình trạng dinh dưỡng, thể dục, và thuốc điều trị, là chìa khóa tốt trong việc kiểm soát mức độ đường Glucose trong máu. Bệnh nhân nên thực hiện việc kiểm tra mức độ đường hàng ngày, và chịu dưới sự chăm sóc sức khỏe của y sĩ. Khi bệnh nhân lâm vào tình trạng cố gắng quá sức (Stress), mức độ đường trong máu có dịp tăng cao. Vì vậy, việc học tập cách đối phó với Stress, rất quan trọng và cần thiết, giúp bệnh nhân giữ được mức đường quân bình trong máu.

     5.2-Chọn Lọc Thực Phẩm:  Bệnh nhân nên tuân hành những chỉ dẫn về ăn uống của y sĩ. Nên ăn uống điều độ, với các bữa ăn quân bình trong ngày. Nên tránh ăn uống những thực phẩm có quá nhiều chất béo, chất đường, và những thực phẩm biến chế có chứa gia vị hóa học (Processed and instant Foods). Nên xem bản liệt kê thành phần dinh dưỡng trên những gói thực phẩm, để biết và tránh những chất đường có tên hóa học với chữ tận cùng “OSE”. Thí dụ: Fructose và Sucrose đều là tên của các chất đường. Nên kiểm soát sức nặng cơ thể thường xuyên, việc làm giảm 10% sức nặng cơ thể có thể tạo nên việc kiểm soát tốt cho mức độ đường trong máu, cho những bệnh nhân tiểu đường loại 2.

    5.3-Nên Năng Tập Thể Dục: Với thói quen hàng ngày, việc tập thể dục giúp làm giảm thấp mức độ đường trong máu. Bởi vì, các loại vận động thể dục đều giúp cho cơ thể tiêu thụ dễ dàng một số lượng đường Glucose, và kích thích tố insulin.

     Những môn thể dục với dưỡng khí (Aerobic Exercises) như: Đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp, hoặc bơi lội, thường có ích lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Bệnh nhân nên tham khảo với y sĩ, trước khi bắt đầu bất cứ việc tập thể dục nào, vì tùy theo từng cơ thể mỗi người khác nhau. Cho nên, để thích nghi cho mỗi loại vận động, và số lượng thời gian trong khi tập luyện cũng khác nhau.

    5.4-Bảo Vệ Làn Da: Làn da của những bệnh nhân tiểu đường dễ có cơ hội nhiễm độc hơn những người có sức khỏe bình thường. Vì thế, bệnh nhân nên chăm sóc cẩn thận làn da của mình: -Nên tắm gội hàng ngày, và tránh để da bị khô, mà đưa đến tình trạng da bị nứt rách. -Nếu có vết thương nên điều trị lập tức, và giữ sạch sẽ nơi bị thương. -Nên thông báo y sĩ nếu có vết thương dài hạn, hoặc nơi bị đau chậm bình phục. Cũng như, da bị ngứa ngáy, có mùi hôi khó ngửi, da trở nên đỏ, sưng bầm, có chảy rỉ nước vàng, hoặc cảm thấy nóng ấm.

   5.5-Chăm Sóc Bàn Chân Những bệnh nhân tiểu đường thường bị mất cảm giác nơi bàn chân của họ. Việc này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Vì thế: -Nên rửa chân hàng ngày, và giữ khô ráo nơi kẻ giữa các ngón chân. -Nên chăm sóc các dấu vết bị cọ xát, hay phồng da nơi bàn chân. -Nên luôn luôn mang vớ và giầy thích hợp với bàn chân. -Nên cắt móng chân vừa tầm mức mỗi ngón.

   5.6-Thăm Y Sĩ Định Kỳ:

   Ngoài những buổi hẹn thường xuyên với y sĩ trị bệnh tiểu đường, bệnh nhân nên được khám mắt ít nhất, một lần mỗi năm, hoặc nhiều lần hơn nếu có lời khuyên của y sĩ. Nên trình báo đến y sĩ nhãn khoa về những trở ngại của mắt. Thí dụ: Mắt bị đau, mỏi mệt, hoa mờ, . . . Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cũng nên đi khám răng bốn lần mỗi năm, và không nên quên đánh răng sau mỗi bữa ăn trong ngày./                                                                               

-Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn