KHOÁNG CHẤT MINERAL

14 Tháng Bảy 20166:51 CH(Xem: 41317)

 

KHOÁNG CHẤT (MINERAL)

  -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

                                                                         

1-NHIỆM  VỤ:

      Khoáng chất và sinh tố là những vi chất dinh dưỡng (Micro-Nutrients), rất cần thiết cho cơ thể con người. Khoáng chất là nguyên tố vô cơ (inorganic elements). Sự cấu tạo của chúng không giống như sinh tố, vì sinh tố là chất hữu cơ (organic compounds), được phát sinh từ các nguồn thực vật và động vật. Đối với cơ thể con người, khoáng chất có hai nhiệm vụ tổng quát như sau:

     1.1-Cấu Trúc Cơ Thể: Khoáng chất có nhiệm vụ bồi bổ, cấu tạo nên bộ xương, và những mô tầng mềm dẻo trong cơ thể. Thí dụ: khoáng chất calcium, magnesium, và phosphorus giúp bồi bổ cho cấu trúc bộ xương.

     1.2-Điều Quản Chức Năng Sinh Lý: Một số khoáng chất khác có nhiệm vụ xúc tác, giống như những sinh tố, cùng phối hợp với hệ thống sinh hóa (Enzyme system), tạo nên những phản ứng hóa học và tác dụng biến thể (Metabolism), để điều quản các chức năng sinh lý trong cơ thể.Thí dụ như các tiến trình của bộ máy tiêu hóa,  bộ máy tuần hoàn, giúp cho nhịp tim được điều hòa, sự phản ứng của hệ thống thần kinh, giúp vận chuyển dưỡng khí (oxygen) từ phổi đến nuôi các tế bào trong cơ thể, . . .

      Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, những khoáng chất được lưu giữ trong cơ thể, với thời hạn dài ngắn khác nhau, tùy theo tính chất hữu dụng khác nhau của chúng.

2-PHÂN  LOẠI:

     Phần lớn những khoáng chất được đưa vào cơ thể, bằng nguồn thực phẩm, một số với số lượng lớn (khoảng hơn 100 Miligrams một ngày) cần thiết cho cơ thể, được gọi làđại khoáng chất (bulk hay macro-minerals) như các khoáng chất calcium, phosphorus, sodium, chlorine, potassium, magnesium, và sulfur.

     Một số khoáng chất khác với số lượng rất nhỏ, cần thiết cho cơ thể, được gọi là Vi-Tiểu Khoáng Chất (Trace hay Micro-Minerals) như các khoáng chất Iron, Manganese, Copper, Iodine, Zinc, Cobalt, và Flourine, . .

     2.1-Đại Khoáng Chất (Macro-Minerals):

          2.1.1-Calcium: Trong cơ thể, calcium chiếm một lượng lớn nhất, đối với các khoáng chất khác, và có hơn một kilogram (1Kg). Hầu hết, calcium đều tập trung vào bộ xương và răng. Ngoài ra, một lượng nhỏ Calcium được phân tán trong cơ thể, để trợ giúp điều quản một số tiến trình sinh lý như: nhiệm vụ thần kinh, tính cảm ứng và điều hòa cơ bắp, việc làm đông đặc máu nơi các vết thương, . . . Đặc biệt, cơ thể của các trẻ em, và các phụ nữ mang thai, hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, rất cần đến calcium với một lượng cao nhất, so với những người bình thường. Calcium tinh chế nên được dùng cùng lúc với các thức ăn. Nếu được dùng trên số lượng năm trăm (500) mgs chúng ta nên chia ra nhiều phần, với số lượng nhỏ hơn, để dùng nhiều lần trong ngày. Việc dùng calcium ở lượng quá cao(trên 2,000 mgs trong ngày) có thể gây nên chứng táo bón, và bệnh sạn thận; cũng như, gây trở ngại cho việc thấm thấu của chất Zinc và Iron trong cơ thể.

       Nguồn calcium tốt nhất thường có chứa trong các loại đồ ăn như: sữa, các sản phẩm bằng sữa như Phó-Mát, Cheese, các loại rau cải có lá màu xanh lục (green), các trái cây có vị chua, và các loại đậu.                                                                 

         2.1.2-Phosphorus: Khoáng chất phosphorus thường đi chung với Calcium, và có một số lượng tương đương với calcium trong bộ xương và răng. Khoảng 85% phosphorus được tập trung vào xương và răng. Số 15% còn lại được phân tán vào các mô tầng (tissues), để trợ giúp các phản ứng sinh hóa, và điều hòa nhiệt lượng trong cơ thể.

        Nếu số lượng phosphorus quá nhiều, thường làm cho xương bị tan mòn lẫn vào trong dòng máu. Lâu ngày, xương và răng dễ bị gãy và suy yếu. Nguồn phosphorus tốt nhất có được từ các đồ ăn: thịt, cá, gà, trứng, và các loại hạt cốc.

        2.1.3-Sodium Và Chlorine: Hai yếu tố này kết hợp lại để trở thành loại muối ăn hàng ngày của chúng ta. Mỗi yếu tố Sodium hoặc Chlorine đều có nhiệm vụ riêng biệt trong cơ thể. Sodium được tìm thấy trong chất huyết tương (chất nước có trong máu), và trong chất lỏng thuộc bên ngoài các tế bào, để bảo trì sự quân bình nước, ở hai bên trong và ngoài các tế bào. Nguồn Sodium được tìm thấy dồi dào trong các thực phẩm như: thịt, cá, gà, trứng, và sữa. Nhiều loại thực phẩm biến chế như: thịt muối (ham hoặc răm bông), thịt ba rọi ướp muối và xong khói (salt bacon), bánh mì, các loại loại bánh bột nướng (crackers), đều có chứa lượng Sodium rất cao, vì muối Sodium được thêm vào trong lúc biến chế thực phẩm.

        Chlorine là thành phần của hydrochloric acid, được tìm thấy ở chất nước dịch vị trong dạ dày. Chlorine rất quan trọng giúp làm tiêu hóa các thực phẩm trong bao tử.

        Theo y khoa, việc dùng quá nhiều Sodium, vượt quá lượng cần thiết bình thường, sẽ gây ra sự ngưng động chất nước bên trong cơ thể, và dễ sinh ra các chứng như: cao huyết áp, bệnh thận, chứng sung huyết nơi tim. Ngoài ra, khi cơ thể bị ra nhiều mồ hôi, và ói mửa, việc dùng nhiều muối là nhu cầu cần thiết cho bệnh nhân.

        2.1.4-Potassium: Khoáng chất này được thấy phần lớn ở thể lỏng, thuộc bên trong các tế bào. Phối hợp với chất Sodium, Potassium giúp điều quản, và quân bình khối lượng chất lỏng trong cơ thể. Đối với những người khỏe mạnh, việc khiếm khuyết chất Potassium rất hiếm xảy ra. Việc thiếu chất Potassium trong cơ thể sẽ đưa đến chứng tiêu chảy (diarrhea), hoặc chứng lợi tiểu (diuretics). Việc này cũng xảy ra với các trẻ em, khi chúng có khẩu phần ăn thiếu chất đạm trầm trọng.

        2.1.5-Magnesium: Chất này được tìm thấy ở những mô tầng (tissues) trong cơ thể, phần lớn trong xương. Magnesium đóng một vai trò thiết yếu ở các hệ thống sinh hóa (Enzyme systems). Nó có trách nhiệm biến đổi năng lượng trong cơ thể. Việc khiếm khuyết chất Magnesium rất hiếm xảy ra với những người khỏe mạnh, vì họ thường ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trái lại, những người nghiện rượu, và những bệnh nhân sau cuộc giải phẫu, thường bị thiếu chất Magnesium trầm trọng.

       2.1.6-Sulfur: Sulfur được tìm thấy trong các mô tầng (tissues), và rất cần thiết cho đời sống của cơ thể. Mặc dù, nhiệm vụ của nó chưa được xác định rõ ràng, nhưng nó là một thành phần trong chất đạm (protein), và của hai sinh tố Vitamins Thiamine, Biotin.

    2.2-Vi-Tiểu Khoáng Chất (Micro-Minerals: Hầu hết, những vi-tiểu khoáng chất đều được kết hợp cùng với hợp chất hữu cơ để làm các nhiệm vụ chuyển vận, tồn trữ, và gây nên chức năng sinh hóa trong cơ thể.                    

       2.2.1-Iron: là một thành phần quan trọng của những hợp chất dùng để chuyển dưỡng khí đến các tế bào, nơi đây dưỡng khí được hữu dụng hóa. Iron được phân tán khắp trong cơ thể; hầu hết có trong máu, và một số lượng lớn tập trung tại các bộ phận như: gan, lá lách, và tủy xương. Việc mất máu là cách độc nhất khiến cho cơ thể bị thất thoát một số lượng quan trọng về Iron. Thông thường, các phụ nữ trong thời kỳ có thai, và trẻ em đang trưởng thành, hầu hết, dễ bị chứng bệnh thiếu máu và thiếu chất Iron; vì họ đang cần một nhu cầu cao về các khoáng chất. Nguồn thực phẩm có chứa chất Iron như: gan, thịt, cá, lòng đỏ trứng, rau cải có lá màu xanh lục, các loại đậu, và các loại hạt cốc.

        2.2.2-Manganese: là nhu cầu thiết yếu cho việc bồi bổ gan, và cấu tạo xương. Nó cũng là một thành phần quan trọng, giúp tốt cho các phản ứng sinh hóa (Enzymes) trong cơ thể. Manganese có chứa trong nhiều thực phẩm, đặc biệt có nhiều trong chất cám, cà phê, trà, các quả hạch (nuts), và đậu Hà-Lan (peas).

        2.2.3-Copper: Copper có liên quan đến việc tồn trữ, và phóng thích Iron, để tạo nên hồng huyết cầu (Hemoglobin), giúp ích cho các tế bào máu đỏ (red blood cells). Đặc biệt, Coppler là một nhu cầu cần thiết cho các trẻ sơ sinh, trong những tháng đầu đời. Nguồn chất Copper thường có nhiều trong các thực phẩm như: thịt nội tạng của động vật (tim, gan, phổi, bao tử, ruột), sò hến, tôm cua, các loại quả hạch (nuts), và các đậu khô.

        2.2.4-Iodine: Cơ thể chỉ cần một lượng vô cùng nhỏ Iodine. Nhiệm vụ của tuyến giáp trạng (thyroid gland), phần lớn, tùy thuộc vào sự đầy đủ của Iodine. Sự khiếm khuyết Iodine sẽ gây cho tuyến giáp trạng trở nên to lớn. Hiện tượng này gọi là chứng bướu cổ. Chất Iodine được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm hải sản (sea foods).

        2.2.5-Zinc: Zinc góp phần quan trọng trong các phản ứng sinh hóa (Enzymes), và có nhiệm vụ khác như: vận chuyển thán khí (cabon dioxide) từ những mô tầng (tissues), để lần đi xuyên qua các tế bào, máu đỏ, và dẫn tới phổi, để tống xuất thán khi ra ngoài bằng hơi thở ra.

      Theo nghiên cứu, việc khiếm khuyết Zinc trong cơ thể sẽ gây nên tình trạng mất vị giác, và trở ngại cho việc trị lành các vết thương. Zinc luôn được hội nhập với những thực phẩm có chất đạm. Nguồn Zinc có nhiều trong thực phẩm: thịt động vật, cá, lòng đỏ trứng, và sữa.

       2.2.6-Cobalt: Với Cobalt đơn độc, nó không là chất cần thiết cho cơ thể, nhưng nó là một thành phần quan yếu trong sinh tố B12, như một chất dinh dưỡng thiết yếu. Những người ăn chay trường kỳ thường bị khiếm khuyết sinh tố B12 , vì sinh tố B12 có rất ít trong thảo mộc.

       2.2.7-Chromium: Chất này hoạt động với chất Insulin, để hữu dụng hóa chất đường Glucose. Việc khiếm khuyết Chromium có thể gây nên tình trạng giống như chứng bệnh tiểu đường (diabetes). Nguồn chất Chromium có nhiều trong các chất men khô của rượu bia, các loại hạt cốc, và gan.

       2.2.8-Flourine: Như Iodine, chất Flourine được tìm thấy với lượng nhỏ, và khác nhau ở trong nước, đất, thảo mộc, và động vật. Flourine góp phần vào việc làm cho răng được thêm rắn chắc, và làm giảm được chứng sâu răng; đặc biệt với trẻ em. Chất Flourine còn giúp lưu giữ chất calcium trong xương của người cao niên./.      

       -Dr. VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền, N.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn